VỢ NHẶT (Kim Lân)
Không có phản hồi
VỢ NHẶT (Kim Lân)
Kim Lân (1920 – 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông chỉ được học hết bậc Tiểu học rồi phỉa vừa đi làm thợ kiếm sống vừa viết văn. Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc tỏ ra rất am hiểu về nông thôn và người nông dân. Vợ nhặt được viết sau Cách mạng tháng Tám, là một chương viết lại của truyện Xóm ngụ cư. Nạn đói mà tác phẩm miêu tả là nạn đói lớn nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX xảy ra vào đầu năm 1945 do Nhật – Pháp gây ra. Đã có đến hơn 2 treeiuj người bị chết trong nạn đói này. Những nhân vật và chuyện đói đều được gợi ý từ thực tế mà nhà văn quan sát và có hư cấu thêm. Theo lời nhà văn Kim Lân, “khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta cực khổ và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người. Lúc đói người ta phải kiếm sống, thậm chí nhặt rác rưởi, nhặt ốc, nhặt chuột, ăn uống một cách thê thảm nhưng đến tối họ vẫn có một gia đình, gia đình nào về gia đình ấy, vẫn hi vọng một điều gì. Họ vẫn trò chuyện về đồng áng, giỗ chạp, những chuyện hướng về một cái gì là sự sống, đói nhưng không làm cho người ta đen tối, mất hi vọng dù phải cướp cám mà ăn”.
Cũng thoe lời Kim Lân nói về Vợ nhặt, “nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945, người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cảnh chết. Bóng tối của nó phủ xuống mọi làng. Trong hoàn cảnh ấy giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ – đúng là nhặt được vợ như tôi nói trong truyện”. Về mĩ học của truyện, cần chú ý đến sự kết hợp giữa cái bi và cái hài như là một nhân tố giúp cho câu chuyện về cái đói giảm bớt chất bi thảm, căng thẳng. Đúng như tác giả nói, dù sao con người vẫn có hy vọng vào tương lai. Về kỹ thuật kể chuyện trong Vợ nhặt, Kim Lân đã từng nói: “Nhân vật do hoàn cảnh của câu chuyện mà nảy ra những tâm tư, hành động, cách xử sự mà tôi không thể định trước”. Đây là tác phẩm, gióng như nhiều tác phẩm văn xuôi hiện đại khác, sử dụng lối kể chuyện hiện đại theo đó, tác giả không định trước tính cách, tâm lý, hành động của nhân vật. Các phương diện của tính cách bộc lộ dần dần theo diễn biến truyện. Cần chú ý phân tích nghệ thuật kể chuyện này.
Đúng theo lời tác giả, qua thiên truyện này, một mặt nhà văn muốn ghi lại để tố cáo tội ác Nhật – Pháp gây ra cho đồng bào ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, mặt khác ông gửi gắm một chủ nghĩa nhân đạo lạc quan: giữa đói khổ, người nông dân vẫn khao khát cuộc sống hạnh phúc đời thường, vẫn hy vọng, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Chủ đề này thể hiện qua ba nhân vật: Tràng, người “vợ nhặt” vô danh và bà cụ Tứ- mẹ Tràng. Khung cảnh nền của câu chuyện là nạn đói kinh hoàng bao phủ vùng quê, tập trung ở xóm ngụ cư. “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Các nhân vật sẽ được tác giả xem xét trong khung cảnh hiện thực, “Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy”.
Nhưng bất chấp hiện thực vô cùng nghiệt ngã, những cảm xúc mới lạ, lâng lâng vẫn xâm chiếm tâm hồn Tràng, không những làm cho anh đẹp hơn, tốt lên mà còn như tỏa chút ánh sáng ấm áp vào xóm ngụ cư tăm tối: “Giữa cảnh tối sầm vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có vẻ gì đó phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Tràng thích ý khi hai người đi qua xóm ngụ cư dân chúng đứng trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. “Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Đó là cái nhìn từ phía những người dân trong xóm ngụ cư. Còn Tràng? Hắn đắc ý khi thấy “thị” ngượng nghịu, lúng túng, “mặt hắn cứ vênh lên tự đắc với mình” (tự đắc vì nhặt được vợ? vì đã cưu mang một người khốn khổ? Tự đắc với chung quanh vì mình cũng có vợ như ai?) (Tham khảo thêm đoạn văn bị lược đi trong đoạn trích Vợ nhặt của Ngữ văn lớp 12 để hiểu rõ hơn tâm trạng của Tràng mà tác giả dụng công miêu tả: Hành trình đón dâu của Tràng đã đến lối lẽ vào một con đường nhỏ, vắng vẻ, khi không còn nhiều con mắt dòm ngó, đã thoải mái, Tràng còn “định nói với thị một vài câu rõ tình tứ mà chẳng biết nói thế nào”. Tràng, một gã ngụ cư thất học thì làm sao nói nổi một lời văn hoa. Nhà văn Kim Lân tỏ ra có biệt tài về miêu tả tâm lý nhân vật. Ông nhìn thấy chính lúc Tràng muốn nói vài câu tình tứ ấy là lúc trong lòng y trào dâng một cảm xúc nhân bản sâu sắc: “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Với cảm xúc lâng lâng, lạ kỳ ấy, cuối cùng anh phu kéo xe chở thóc cục mịch cũng tìm được câu “tình tứ” nhất mà anh ta có thể nghĩ ra được nhân cớ mua hai hào dầu. Nhà văn trân trọng ghi lại những câu đối thoại quê mùa ấy vì đó là những giây phút thăng hoa của tình yêu giữa hai con người khốn khổ: “Câu chuyện xem chừng đã thân thân. Hắn đi sát bên thị hơn, ngẫm nghĩ một lúc, chợt hắn giơ cái chai con vẫn cầm lăm lăm một bên tay lên khoe: – Dầu tối nay thắp đây này. – Sang nhỉ. – Khá thôi. Hai hào đấy, đắt quá, cơ mà chả cần. – Hoang nó vừa vừa chứ. Hắn chặc lưỡi: – Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ chưa tối đã rúc vào ngay, hì hì… – Khỉ gió. Thị phát đánh đét vào lưng hắn, khoặm mặt lại. Hắn thích chí ngửa cổ cười khanh khách”.
Nhưng sáng hôm sau, tỉnh dậy, Tràng thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Tình yêu vợ chồng đã thay đổi cái nhìn cuộc sống nhân vật, có chút gì gợi lại sự chuyển biến cảm xúc, tâm trọng của Chí Phéo sau khi yêu Thị Nở. Tình yêu nhân đạo hóa con người. Hắn thấy mẹ và vợ hắn đang dọn dẹp nhà cửa, cổng ngõ, một cảnh tượng bình dị mà đời hắn chưa được chứng kiến: “Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Trong tâm hồn Tràng có bao nhiêu cảm xúc cao đẹp, đáng trân trọng. Nhưng nếu không có người vợ thì có lẽ chẳng bao giờ trong anh nảy nở những cảm xúc ấy. Và nếu không có nạn đói kém kinh hoàng thì chắc gì anh – một kẻ nghèo khó, xấu xí, thô kệch – lại “nhặt” không được một người vợ! Với Tràng, đúng là hạnh phúc chỉ đến trong đau khổ. Sự sống chẳng bao giờ chán nản.
Nhân vật người Vợ nhặt có vai trò bổ sung cho hình tượng người chồng là Tràng dẫu cho “thị” luôn đóng vai trò thụ động (theo quan niệm trong xã hội có ảnh hưởng Nho giáo thời xưa, chuyện hôn nhân hay tình yêu thường do nam giới chủ động). Sở dĩ tác giả không đặt tên cho người phụ nữ này, có thể là vì chị ta lúc đó, ở vào hoàn cảnh đó đã hành động giống như hàng trăm ngàn người phụ nữ khác. Một người phụ nữ vô danh, không có gì nổi bật, đáng chú ý. Thoạt đầu chị ta đến với Tràng không vì tình yêu. Cái đói quay quắt thôi thúc chị ta phải bấu víu vào một ai đó, một người đàn ông nào đó khả dĩ cứu chị ta khỏi chết đói. Và cách tiếp cận, cách bấu víu chung nhất của chị ta là chỏng lỏn, cong cớn, sưng sỉa, liều lĩnh, mặt dày. Đây là nét tính cách đã hình thành trong môi trường bươn chải, kiếm sống gian nan của chị ta. Đó là một cuộc hôn nhân không định trước, nạn đói, chứ không phải tình yêu, đã mai mối cho hai con người khốn khổ đến với nhau, để nương tựa vào nhau, chống chọi lại cơn bão đói. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng nghĩ rất đúng: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Một phụ nữ không có gì hấp dẫn về thể hình cũng như tính nết, nhưng vẫn có thể thổi vào tâm hồn Tràng một ngọn gió yêu đời, lạc quan như vậy. Anh cu Tràng khốn khổ khao khát sống có tình yêu và hạnh phúc gia đình biết bao. Tính cách người “vợ nhặt” cũng có thay đổi: Trước tấm lòng nhân hậu của Tràng và bà cụ Tứ, chị ta đã tìm lại được phẩm chất phụ nữ chưa bị dập tắt hẳn. Vẫn là quy luật tình yêu nhân đạo hóa con người. Sau khi tiếp xúc với mẹ chồng, sau những cử chỉ yêu thương của Tràng, qua đêm tân hôn hạnh phúc, chị ta đã có thay đổi: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì làm dâu mà thị tu chí làm ăn không?”. Nếu không phải đổi khác vì tình yêu thì chí ít là vì tình người. Những con người khốn khổ ấy cần cho nhau, có thể mang lại hạnh phúc cho nhau, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách.
Để hình tượng bà mẹ Tràng xuất hiện là cách tác giả đưa thêm một điểm nhìn mới đói với việc Tràng lấy vợ. Bà cụ mau chóng hiểu ra chuyện con mình nhặt được vợ thì nghẹn ngào thương hai con. Với sự từng trải, với sự hiểu biết và với lòng yêu thương con, cụ nhìn thấy trong việc con lấy vợ một cái gì đó thật đáng thương, thật ai oán. Đơn giản nhất là bà lo không biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không. Cụ thương con trai vì nhà nghèo hèn nên chỉ có thể lấy vợ trong lúc đói kém, khó khăn. Cụ lo cho chúng nó sẽ lặp lại cuộc đợi cực khổ dài dằng dặc của vợ chồng cụ trước đây. Và người mẹ không cầm được nước mắt vì nghĩ đến mâm cơm đạm bạc thê thảm của ngày đói sẽ là bữa tiệc cưới mừng hai đứa thành gia thất. Nhưng vẫn với một tấm lòng trải đời, tấm lòng nhiều xót thương day dứt ấy bà cụ Tứ vẫn dành cho con một sự chăm sóc thật cảm động. Trong bữa cơm, cụ bàn chuyện tương lai: “Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: – Tràng ạ, khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho xem”. Có lẽ đó là ước mơ thầm kí của cụ về việc sinh sôi nảy nở trong căn nhà của mình. Hình ảnh đàn gà đông đúc có thể gợi liên tưởng đến lũ cháu chắt đông vui của cụ trong tương lai. Và cũng không chỉ bàn hay suy nghĩ, bà cụ còn ‘xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Nhờ có hình tượng bà cụ Tứ mà câu chuyện “nhặt vợ” của Tràng được soi chiếu từ một góc độ mới, làm bật lên các âm hưởng khác nhau: đau buồn và hứng khởi, bi quan và lạc quan, lãng mạn và đời thường. Những cung bậc cảm xúc đa dạng đan xen nhau, thay đổi nhanh chóng trong thời gian trước và sau đêm tân hôn. Chuyện anh cu Tràng nhặt vợ là chuyện buồn vui xen kẽ. Liệu cuộc đời vợ chồng Tràng có tái diễn lại cuộc đời của bố mẹ anh không? Câu trả lời dường như bỏ ngỏ, nhưng hình ảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp” và lá cờ đỏ bay phấp phới kết thúc câu chuyện lại dự báo một tương lai lạc quan hơn. Cách mạng về, cuộc sống mở ra thoe một chiều hướng mới. Những thân phận khốn khổ sẽ tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình ở cách mạng.
Như Kim Lân đã tâm sự, khi viết Vợ nhặt, ông không định trước tâm tư, hành động, cách ứng xử của nhân vật. Điều đó có nghĩa là tính cách nhân vật và diễn biến của câu chuyện dần dần bộc lộ trong tiến trình câu chuyện. Tác giả tôn trọng tính khách quan, tính hiện thực của nhân vật. Truyện được kể theo cách không báo trước mà người đọc cũng không thể dự đoán trước mọi diễn biến. Tình huống truyện dần dần hiện ra. Sự bất ngờ gây hứng thú cho người đọc. Một buổi chiều, giữa lúc nạn đói kinh hoàng như một cơn gió độc lan đến xóm ngụ cư, dân xóm bỗng thấy Tràng dẫn một người đàn bà lạ về nhà. Người đói là ai, có quan hệ gì với Tràng, quan hệ đó đi đến đâu, ứng xử của người trong xóm, người trong gia đình Tràng sẽ như thế nào? Những câu hỏi ấy lần lượt được đặt ra và tác giả để cho nhân vật tự dẫn dắt tiến trình truyện. Đây là điều khác biệt về cách kể chuyện của văn xuôi thời trung đại. Trong văn xuôi thời trung đại, người kể chuyện tỏ ra biết hết, biết trước mọi chuyện và câu chuyện được kể ra như để minh họa cho điều đã biết trước đó. Mở đầu Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kỳ mạn lục), Nguyễn Dữ viết: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Song Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thật hòa” (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2007). Tác giả đã cho biết trước Vũ thị xinh đẹp, nết na, chàng Trương đem trăm lạng bạc cưới về” nhưng có tính hay ghen. Đặc điểm này báo trước bi kịch do lòng ghen thái quá của Trương sẽ gây ra cho Vũ thị. Sự kết hợp, đan xen chất bi và chất hài như hai pham trù mĩ học đối lập nhau cũng là một nét đáng chú ý của truyện. Phần đầu truyện, có những cảnh hàm chứa chất hài hước đối lập với sự xám xịt, tăm tối của cảnh chiều tàn trong xóm ngụ cư “tối sầm lại vì đói khát ấy”. Tràng về nhà với một người đàn bà, vừa đi vừa “tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Trẻ con trêu Tràng và người phụ nữa lạ kia với câu nói lái “chông vợ hài”. Tràng nhớ lại cảnh hai người quen nhau với những hoạt cảnh hài hước. Giữa cảnh đói khát đến cơm chẳng có mà ăn, Tràng hò “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! – Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”. Rồi thị “cong cớn” nói, chạy “lon ton” lại đẩy xe cho anh. Lần sau, Tràng vỗ túi đựng tiền nói “Rích bố cu” (“rất giàu” hay có thể hiểu nôm nay là “khối tiền đây”). Câu nói bằng tiếng Pháp “bồi”, tức tiếng Pháp nói không chuẩn của người không được học chính quy, bài bản trong tình huống ấy thật hài hước, làm duyên dáng thêm cho cuộc giao duyên vốn rất tầm thường chỉ dừng lại ở “chủ đề ăn uống”. Mấy gã đẩy xe bò mà cũng nói tiếng Pháp cơ đấy! Rồi liệu có được mấy hào trong túi tiền mà khoe khoang? Dẫu sao thì cử chỉ và câu nói đùa của Tràng đã mở đường tiến tới khá táo bạo cho người phụ nữ đói khát với hai con mắt trũng hoáy “sáng lên”… Chất hài giúp cho câu chuyện bớt căng thẳng nặng nề, niềm vui sống vẫn ẩn chứa đâu đây dẫu cho đói khát và cái chết đong lởn vởn quanh họ. Điểm nhìn trần thuật cũng là điều cần nhấn mạnh khi viết về nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Sự đa dạng, nhiều chiều của điểm nhìn nghệ thuật đã được Kim Lân vận dụng để kể chuyện: khi kể bằng ngôn ngữ tác giả, khi kể bằng ngôn ngữ bình luận của dân xóm ngụ cư, kể cả của trẻ con “chông vợ hài”, khi từ điểm nhìn của Tràng, khi từ điểm nhìn của bà cụ Tứ với ngôn ngữ, tâm trạng riêng của người mẹ từng trải, rất thương con, vừa mừng vừa lo trước cảnh hai đứa con về ở với nhau. Chẳng hạn, những c âu nói trao đổi qua lại của người dân xóm ngụ cư thắc mắc về người đàn bà lạ theo sau Tràng đã thay thế cho lời dẫn dắt của tác giả – nếu chỉ thuần ngôn ngữ kể của tác giả câu chuyện sẽ đơn điệu, đồng thời tạo ra không gian cho diễn biến câu chuyện. Xung quanh hai người có nhiều người chứng kiến câu chuyện của họ, bình luận về họ, với nỗi niềm vui buồn xen kẽ. Do đó câu chuyện khá phong phú sắc thái thẩm mĩ: trẻ con chỉ nhìn thấy sự hài hước, dân xóm ngụ cư có sự cảm thông, bà mẹ thấy bi thảm, thương xót, Tràng thấy hứng khởi, có thể đùa tếu. Câu chuyện có nhiều đoạn đối thoại giữa các nhân vật làm thay đổi mạch truyện kể. TRẦN NHO THÌN Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|