Cảm nhận đoạn trích ” Mẹ tôi” – Ngữ văn 7
Không có phản hồi
MẸ TÔI
I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ – Ét– môn– đô đơ A– mi– xi ( 1846 – 1908 ) là nhà văn nổi tiếng của nước Ý. Ông cầm bút hơn bốn mươi năm, một nửa thời gian nhà văn chuyên viết du kí và phê bình văn học, một nửa viết về các chủ đề chính trị và xã hội. – Ông để lại nhiều tác phẩm nhưng thành công nhất là cuốn sách nhỏ viết “ nhẹ nhàng, thoải mái, tựa hồ chẳng đòi hỏi công phu, nhiệt tình như các cuốn khác “ . Đó là cuốn Tấm lòng mà thế giới quen gọi là Những tấm lòng cao cả. Tấm lòng xuất bản ngày 17 tháng 10 năm 1886 là ngày tựu trường ở Ý, ngay lập tức tác phẩm đạt được thành công vang dội, chỉ sau vài tuần đã có đến 40 phiên bản tiếng Ý, cũng như được dịch ra các thứ tiếng khác. Và gần một trăm năm nay, cuốn sách đã nổi tiếng khắp thế giới cùng với tên tuổi của nhà văn. Những tấm lòng cao cả mang hoài bão thiết tha của tác giả – hoài bão xây dựng đạo đức cho thế hệ tương lai. – Mẹ tôi và Cổng trường mở ra có nội dung liên quan đến vấn đề người mẹ và nhà trường. Văn bản Mẹ tôi là một trang nhật kí của cậu bé En– ri– cô khi nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ với mẹ, nhưng được ghi lại dưới hình thức một bức thư của người bố gửi con trai. Người bố nghiêm khắc khiển trách và răn dạy con về cách ứng xử với mẹ mình và nhắc đến công lao to lớn của người mẹ dành cho con. Từ văn bản này, chúng ta có thể liên hệ tới bản thân, ghi nhớ công ơn cha mẹ, kính trọng và yêu thương cha mẹ và không phạm phải những hành động, lời nói đáng tiếc như En– ri– cô. – Mẹ tôi được trích từ tác phẩm Những tấm lòng cao cả. Mỗi truyện nhỏ trong tác phẩm đều có một nhan đề do tác giả đặt. Mẹ tôi là nhan đề do chính tác giả đặt cho lá thư người cha gửi cho En– ri– cô do cậu nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ với mẹ. II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
– Mẹ tôi là văn bản được viết dưới dạng một bức thư. Nội dung bức thư là tâm trạng và những suy nghĩ của người bố thể hiện qua bức thư gửi cho con – người đã phạm lỗi với người mẹ. Trong lá thư không thể có sự xuất hiện trực tiếp của người mẹ nhưng hình ảnh của bà ẩn hiện trong lá thư và là nguồn cảm xúc cho cả người viết và người đọc. – Người bố của En– ri– cô đã viết lá thư với những suy nghĩ rất chân thành với con trai của mình. Qua những lời kể của người bố về mẹ của En– ri– cô, từng lời của ông đều ẩn chứa sự trân trọng, cảm phục và tình yêu tha thiết với người phụ nữ nhân hậu và giàu đức hi sinh. Vì lẽ đó, khi con trai mình thốt ra những lời thiếu lễ độ với người phụ nữ ấy,người cha cảm thấy đau đớn vô cùng “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy !…”. – Khi đọc lá thư của bố, nhận ra thái độ của bố thể hiện qua bức thư chắc chắn ở En– ri– cô đã có một trình tự diễn biến cảm xúc. Ban đầu là sự xấu hổ vì nhận ra lỗi lầm của mình. Sau đó là sự thức tỉnh về những điều đáng quý mà trước đây cậu chưa nhận ra. Và cuối cùng là sự ân hận, day dứt,… Không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy và thấu hiểu được hết sự thiêng liêng, cao cả trong tình yêu của mẹ ! – Lời nói của bố rất chân tình và thấm thía, bố đã gợi lại những kỷ niệm sâu sắc giữa mẹ với En– ri– cô : “Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con !…”. – Thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố trước lời nói thiếu lễ độ của cậu với mẹ : “… Bố không thể nén được cơn tức giận đối với con” ; “ Bố rất yêu con, En– ri– cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố, nhưng thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ”. Người con bao giờ cũng là “tác phẩm” tuyệt vời nhất của cuộc đời cha mẹ. Đối với mẹ, có thể, con đã mang lại niềm tự hào và hạnh phúc cho mẹ. Cũng có thể, những sai lầm của con đã khiến mẹ đau đớn, buồn khổ. Nhưng mẹ vẫn không bao giờ hối hận vì sự tồn tại của con bởi tình yêu mẹ dành cho con vẫn mãi vẹn toàn… En– ri– cô đã làm một việc khiến mẹ đau lòng. Với bố, đó là điều không thể chấp nhận, bởi vì kẻ đã đánh mất đi tình yêu thiêng liêng của mẹ, kẻ đã chà đạp lên chữ “hiếu”, kẻ đó không đáng được tồn tại trên cõi đời. Người cha ấy kiên quyết và nghiêm khắc yêu cầu En– ri– cô xin lỗi mẹ, nhưng “không phải vì sợ bố” mà là vì sự ý thức trước những điều cha nói và là sự “thành khẩn trong lòng” .
– Điểm nhìn trong bức thư là điểm nhìn của người bố. Qua cái nhìn của người bố, người đọc thấy hình ảnh và phẩm chất của người mẹ. Điểm nhìn ấy một mặt tăng tính khách quan cho sự việc và đối tượng (người mẹ) được kể, mặt khác, thể hiện được tình cảm và thái độ của người kể. – Trong bức thư, nhân vật người mẹ xuất hiện trở đi, trở lại, là tiêu điểm mà các nhân vật và chi tiết đều hướng tới để làm sáng tỏ. Khi viết thư cho En– ri– cô, người bố đã nhắc đến sự chăm sóc chu đáo ân cần và hết lòng vì con của người mẹ đã thức suốt đêm để chăm sóc cho con khi con bị bệnh, người mẹ đã “quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng mình có thể mất con”, “sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”, thậm chí “có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con !”… – Người cha khắc sâu trong lòng đứa con – En– ri– cô – vai trò to lớn, có tính chất quyết định đối với cuộc đời con của người mẹ : “Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ”. Hình tượng người mẹ trở nên cao cả và lớn lao trong cả suy nghĩ của người cha và người đọc.
– Bức thư của người cha mang đến một thông điệp nhẹ nhàng về cách ứng xử trong cuộc sống. Người cha đã không nói trực tiếp với En– ri– cô mà lại viết thư. Điều này thể hiện sự tinh tế trong tâm hồn người cha. Bởi lẽ, tình cảm sâu sắc thường tế nhị và kín đáo, nhiều khi không nói trực tiếp được. Hơn nữa, bức thư viết cho En– ri– cô chỉ nói riêng cho người mắc lỗi biết, như vậy, sẽ không khiến người mắc lỗi mất đi lòng tự trọng. – Trong bức thư gửi con, người cha đã nhắc tới tên con nhiều lần, đầy yêu thương, trìu mến : “En– ri– cô của bố ạ !” ; “En– ri– cô à” ; “En– ri– cô ạ”,… khiến cho những lời trách mắng như nhẹ đi. Những lời tâm tình thủ thỉ, tha thiết, nhẹ nhàng đi sâu vào trái tim En– ri– cô, lan tỏa trong tâm hồn cậu bé và làm cho cậu thấy xúc động từ tận đáy lòng. * Văn bản Mẹ tôi được viết dưới dạng một bức thư với những tình cảm yêu thương và nghiêm khắc. Lời tâm sự nhẹ nhàng, sâu lắng của người cha đã trở thành hành trang tinh thần cho cậu bé En– ri– cô và mỗi người đọc để trên mỗi bước đường đời, ta luôn luôn trân trọng tình yêu thương thiêng liêng, sâu sắc của cha mẹ dành cho ta.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|