NHỮNG CÂU HÁT VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI
I– NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ
– Đây là chùm câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Những bài ca dao, dân ca về quê hương, đất nước mang những đặc điểm vùng miền, địa phương, dân tộc trong ngôn từ, trong cách diễn tả, trong nội dung biểu đạt kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa,… song bao trùm lên tất cả, chúng đưa ta đi vào những cuộc du ngoạn trên quê hương, đất nước, đặc biệt là những cuộc du ngoạn trong tâm hồn con người.
– Mỗi người sinh ra đều có một miền quê, một Tổ quốc để yêu thương, gắn bó, sẻ chia, tự hào, thương nhớ hay day dứt khi chia xa mà chưa làm được điều gì đó cho quê hương. Đã có bao lời hay, ý đẹp của các nhà nghệ sĩ, các nhà văn hóa nói về quê hương, đất nước : “Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người”. Tình cảm cao đẹp ấy được thể hiện rất tự nhiên, sâu sắc, đa dạng trong ca dao trữ tình bởi khác với các thể loại tự sự, chức năng cơ bản của ca dao là bày tỏ tình cảm, là tiếng hát từ trái tim nồng hậu của con người.
II– PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Bài 1 : Đây là bài ca dao có kết cấu đối đáp hai vế – một kiểu kết cấu phổ biến trong ca dao, dân ca. Nhân dân dùng hình thức trò chuyện, đối đáp, trao gửi tình cảm qua lời ca, tiếng hát trong khi lao động, trong hội hè đình đám. Cấu trúc hay về đối đáp mang tính chất đối xứng nghiêm ngặt. Ngoài đối xứng về đại từ nhân xưng, còn phải đối xứng về hình thức và nội dung hỏi – đáp. Cái gì hỏi trước thì trả lời trước, nếu không như vậy sẽ đảo lộn lô – gíc ý nghĩa. Phần hỏi có sáu dòng thơ theo thể lục bát thì phần đáp cũng có sáu dòng thơ theo thể lục bát tương xứng.
Những câu hát này có thể được hát một cách tự do hoặc nếu được diễn xướng trong một cuộc hát có tổ chức, có quy cách thì thường được xuất hiện ở chặng đầu của cuộc hát. Chặng đầu là trọng hát có tính chất làm quen, chào hỏi, thử tài. Trong bài ca này, người đố hướng về các địa danh tiêu biểu ở vùng Bắc Bộ. Các địa danh được lựa chọn khá kỹ bởi đó là những địa danh tiêu biểu cho đặc điểm địa lí, lịch sử, văn hóa mà mỗi người nên biết.
Trong bài 1, phần 1 là lời đối hỏi của chàng trai, phần hai là lời giải đáp của cô gái. Người hỏi đã khéo chọn những địa danh tiêu biểu, đa dạng để kiểm tra kiến thức của người nghe, và quan trọng hơn là để bày tỏ niềm kiêu hãnh về các vùng miền trên quê hương đất nước. Người đáp cũng thể hiện sự thông tuệ, am tường về các địa danh. Lối hỏi đáp còn là hình thức thể hiện sự lịch lãm, am hiểu thử thách khả năng phản ứng nhanh nhạy, thông minh của hai bên nam nữ, phản ánh một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo thời xưa.
Ở câu hỏi thứ nhất, chàng trai hỏi :
Ở đâu năm cửa nàng ơi ?
Cô gái trả lời : “Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi”. Năm cửa ở đây là năm cửa ô (Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác ) là những địa danh đáng tự hào của người Hà Nội. Năm cửa ô là các cửa ngõ lớn nối nội thành Hà Nội cổ 36 phố phường (đặc trưng kinh kì kẻ chợ), thông thương với tứ trấn xưa là Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc.
Ở câu hỏi thứ hai, chàng trai hỏi :
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
Cô gái trả lời : “Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng”. Sông Lục Đầu nơi hợp lưu của sáu con sông : sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, Sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình, gắn với chiến công của tướng sĩ nhà Trần dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo (chiến thắng Vạn Kiếp chống quân Mông – Nguyên lẫy lừng trong quá khứ).
Câu hỏi thứ ba cũng vẫn hỏi về một dòng sông nhưng không gắn với những chiến công trong lịch sử như câu hỏi thứ hai mà gắn với đặc điểm rất riêng về địa lí :
Sông nào bên đục, bên trong ?
` Cô gái trả lời : “Nước sông Thương bên đục bên trong”. Con sông thương chảy qua thị xã Bắc Giang, cùng một dòng mà bên trong bên đục với cái tên rất biểu cảm của nó đã là nguồn đề tài, là nguồn thi hứng không vơi cạn cho sáng tạo của biết bao thi nhân từ trước tới nay.
Nói đến đất nước là nói đến sông, núi – những chất liệu cơ bản đề đưa ta đi từ khái niệm cụ thể nhất về đất và nước đến khái niệm Tổ quốc mang ý nghĩa trừu tượng trong cách hiểu sau này. Ngọn núi nào sẽ được lựa chọn để tác giả dân gian đưa ra đố hỏi ? Chàng trai hỏi câu thứ tư :
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh ?
Nói đến những ngọn núi tiêu biểu nhất ở Bắc Bộ không thể không nhắc đến núi Tản Viên (Ba Vì, nay thuộc Hà Nội). Nó tiêu biểu không chỉ ở độ cao mà còn có ý nghĩa thiêng liêng gắn với tín ngưỡng dân gian vùng Bắc Bộ qua truyền thuyết quen thuộc Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Câu hỏi thứ năm, chàng trai hỏi :
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh ?
Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Thanh Hóa là đền Sòng thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Lễ hội đền Sòng mở vào tháng ba âm lịch hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương. Câu hỏi về danh lam thắng cảnh không chỉ chú ý đặc điểm về địa lí, lịch sử mà còn ghi lại những địa danh mang dấu ấn văn hóa dân gian, nhắc đến nơi thờ phụng Mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Câu hỏi thứ sáu, chàng trai hỏi ở đâu có “thành tiên xây”. Cô gái trả lời “ở trên tỉnh Lạng” – tỉnh Lạng Sơn, nơi địa đầu của Tổ quốc được nhắc đến với huyền thoại ngôi thành được tiên xây, có ngôi chùa tiên nổi tiếng thu hút khách du ngoạn đến thưởng thức cảnh đẹp và văn hóa nơi đây.
Bằng nghệ thuật hỏi – đáp sinh động, hấp dẫn, cấu trúc đối xứng nhịp nhàng của thể thơ lục bát biến thể, tác giả dân gian đã đưa người đọc vào một cuộc du ngoạn thú vị từ kinh kì Hà thành tới các địa danh ở các tỉnh gần kề như sông Lục Đầu (Hải Dương), sông Thương (Bắc Giang), núi Tản (nay thuộc Hà Nội) đến địa danh đền Sòng ở Thanh Hóa rồi dẫn ngược lên biên giới phía Bắc với thành tiên xây ở xứ Lạng.
Bài ca dao với kết cấu đối đáp vừa giúp người nghe hiểu thêm, củng cố thêm những kiến thức về các địa danh, nhưng bao trùm lên tất cả là lòng tự hào, kiêu hãnh về vẻ đẹp và bề dày lịch sử, văn hóa dân tộc.
Trong ca dao thường có sự lồng ghép các chủ đề. Chủ dề tình yêu quê hương được lồng ghép trong chủ đề tình yêu đôi lứa, trong chức năng giao đãi giữa con người với con người. Qua các câu hát đối đáp, cô gái có dịp trò chuyện, hiểu biết nhau hơn, họ chung tình cảm cao đẹp với đất nước, cùng có những kiến thức, hiểu biết chung có thể chia sẻ được với nhau. Nhân vật trữ tình trong bài ca quả là những con người lịch lãm, tế nhị. Bài ca này được trích từ câu hát đố khá dài trong tầng tầng lớp lớp những lời đối ca. Ca dao luôn có két thúc mở, có thể dừng và có thể tiếp nối không có điểm kết.
Bài 2 : Một trong những công thức mở đầu có tính chất truyền thống trong ca dao bên cạnh những cụm từ như “thân em”, “thương thay”, “bao giờ”, “đêm qua”,… là công thức “rủ nhau” :
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi chua, ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau.
Khi đã “rủ nhau” nghĩa là không phải chỉ có một người. Họ phải có từ hai đến nhiều người, có thể có quan hệ gần gũi, thân thiết mà lại là những người đồng lòng, “đồng tâm nhất trí” hưởng ứng một việc gì đấy trong một không khí háo hức, chờ đợi. Đằng sau từ “rủ nhau” thường là động từ : xuống bể, lên núi, đi cấy đi cày. Trong bài ca này là hành động “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ”.
“Kiếm Hồ” là một cách người xưa gọi tên Hồ Gươm hoặc có thể gọi là hồ Hoàn Kiếm, mà trước nữa gọi là hồ Tả Vọng. Địa danh Hồ Gươm còn gắn liền với truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm – một truyền thuyết về thanh gươm thần kì được trao vào tay người anh hùng Lê Lợi khi đất nước có giặc ngoại xâm. Khi đất nước thanh bình, thần Kim Quy (Rùa Vàng) hiện lên nhận lại thanh gươm. Câu chuyện biểu tượng cho truyền thống anh hùng cũng như truyền thống yêu hòa bình của người dân đất Việt. Cũng nói đến Hồ Gươm, ca dao có cách thể hiện riêng mang đặc điểm của thể loại có bản chất trữ tình. Chỉ với hành động “rủ nhau” đã thể hiện sự náo nức, mong chờ.
Ca dao vốn ngắn gọn, thường không trú trọng về tả mà thiên về gợi. Bài ca dao này chú trọng gợi lên những nét tiêu biểu nhất của Hồ Gươm. Đó là cách nhắc đến những địa danh nổi tiếng, đặc trưng nhất của Hồ Gươm mà ai đã từng đến thì không thể nào quên :
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?
Cầu Thê Húc được sơn màu đỏ, dáng vồng cong nổi bật giữa những vòm lá cây xanh mát bên hồ. Cầu dẫn du khách từ bên bờ Hồ Gươm vào trong chùa Ngọc Sơn. Chùa tọa lạc trên một khu đất nhỏ trên mặt nước. Chùa Ngọc Sơn thờ Phật, thờ Đức Thánh Trần nên khi gọi là chùa, khi gọi là đền. Đài Nghiên – Tháp Bút được nhắc đến trong bài ca là những biểu tượng đáng tự hào của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội giàu truyền thống văn hóa. Đài Nghiên : đài mang hình nghiên mực (để viết chữ Nho) trên cổng chùa Ngọc Sơn, Tháp Bút : tháp trên đài xây hình cây bút bút lông (để viết chữ Nho). Đứng nhìn từ xa, người giàu óc tưởng tượng có thể thấy hình ngọn bút trên tháp “chấm” vào Đài Nghiên. Thi nhân đã từ hình dung ngòi bút đó đang “viết thơ lên trời xanh”.
Bằng những nét gợi tả cô đọng nhưng đầy ấn tượng, bài ca dao với bốn dòng thơ lục bát âm điệu êm ái đã tạo nên một bức tranh bằng ngôn từ giàu chất hội họa, có cảnh sắc đa dạng, có hồ nước, có cầu, có đền, có Đài Nghiên, Tháp Bút. Động từ xem được nhắc lại ba lần thể hiện Hồ Gươm có nhiều cảnh đẹp để ngắm nhìn : xem cảnh Kiếm Hồ, xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,…
Không gian đầy chất thơ được kiến tạo bởi sự hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay xây dựng của con người. Những địa danh, cảnh trí được nhắc đến trong bài ca là cảnh trí, địa danh đặc trưng nhất của Hồ Gươm, không chỉ tiêu biểu về cảnh đẹp giữa trời và nước mà nơi đây còn âm vang nét đẹp lịch sử oai hùng, bề dày văn hóa thiêng liêng đáng tự hào của thủ đô Thăng Long, Hà Nội. Nói đến vẻ đẹp của Hồ Gươm không thể không nói đến sự tổng hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và truyền thống dân tộc. Chính vì những nét đẹp đầy ý nghĩa đó mà cả người rủ và cả người được rủ cùng hào hứng muốn đến “xem cảnh Kiếm Hồ”.
Câu hỏi tu từ cuối bài ca như một lời khẳng định, một lời nhắn nhủ mang âm hưởng bâng khuâng trước cảnh đẹp làm xúc động lòng người : “Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?”. Đại từ phiếm chỉ “ai” hướng tới đối tượng mang ý nghĩa khái quát. Hồ Gươm ở câu ca dao này đã được nâng lên ý nghĩa biểu trưng, trở thành biểu tượng của non nước, núi sông. Giọng điệu tâm tình sâu lắng, chân thành, câu hỏi gợi nhớ đến công ơn dựng xây đất nước của biết bao thế hệ cha ông đồng thời nhắc nhở các thế hệ tiếp theo sau phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống thiêng liêng đó.
Bài 3 : Đây có thể là mấy câu thơ mở đầu bài thơ lục bát Chơi Huế của Tản Đà ( in năm 1925, Tuyển tập Tản Đà) như sau :
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ,
Yêu em anh cứ anh vô…
Theo Kho tàng ca dao người Việt của nhóm Nguyễn Xuân Kính thì trong Đại Nam quốc túy (in từ năm 1908, trước bài thơ của Tản Đà 17 năm) đã trích dẫn mấy câu ca dao :
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Rất có thể Tản Đà đã “nhại” lại câu này, thay đường vô xứ Nghệ bằng đường vô xứ Huế. Điều này giúp chúng ta có một cách hiểu rộng rãi hơn về vấn đề tác giả của thơ ca dân gian. Có một số bài thơ của các nhà thơ sáng tác theo phong cách ca dao được dân gian hóa trở thành một bộ phận của ca dao.
Câu đầu của bài ca dao giới thiệu đặc điểm chung về con đường vô xứ Huế “quanh quanh”. Từ địa phương “vô” (nghĩa là vào) đã phần nào gợi lên ý vị miền Trung thân thương của Tổ quốc. Từ khái quát chung ấy, bài ca dẫn người nghe đi sâu hơn vào nét gợi tả về con đường có núi, có sông với những định ngữ chỉ tính chất đi sau danh từ khắc họa rõ nét đặc điểm cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế “non xanh nước biếc”. Núi sông thơ mộng hữu tình hiện ra trên con đường gấp khúc quanh co khiến tác giả phải thốt nên lời trầm trồ so sánh “như tranh họa đồ”. Mỗi khi gặp một cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, con người hay ví “cảnh đẹp như tranh”, quả là “thi trung hữu họa”. Bằng nét bút chấm phá tài tình, “đường vô xứ Huế” đã hiện lên trước mắt người nghe với ấn tượng khó quên. Khúc ruột miền Trung dài dằng dặc, bên này là biển, là sông, bên kia là núi, là đèo trùng điệp, bát ngát “Hải Vân bát ngát nghìn trùng”. Chính vì thế, Trần Tuấn Khải mới có thể “nhại” lại câu ca dao, từ vô xứ Nghệ đã được đổi thành vô xứ Huế. Sự tồn tại đồng thời các dị bản là một đặc điểm của văn bản văn học dân gian. Vả lại, ca dao tả cảnh thường không quá chú ý vào các chi tiết cụ thể mà thường chú ý đến gợi ra nét khái quát nhiều hơn.
Câu kết “Ai vô xứ Huế thì vô” là một lời nhắn gửi, mời mọc, rủ rê, của tác giả. Đại từ nhân xưng phiếm chỉ “ai” lại một lần nữa xuất hiện như đã xuất hiện ở bài 2 mang ý nghĩa rộng, chứa nhiều ẩn ý, khó xác định cụ thể. “Ai” ở đây có thể là chỉ chung cho mọi người, cũng có thể là một ai đấy gần gũi, thân thiết mà tác giả muốn mời mọc, nhắn nhủ,chia sẻ tâm tình,…
Bài ca dao ngắn gọn, lối so sánh, gợi tả chân phương, giản dị, đặc biệt câu kết khép lại bài ca dao lại là câu lục (khác với thể thơ lục bát thường thấy là kết ở câu bát) gieo cho người nghe một cảm giác mở, chứa đựng những bâng khuâng mời gọi.
Bài 4 : Bài ca dao mở đầu bằng Việt tả cảnh cánh đồng :
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng,mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Hai dòng đầu của bài ca dao này mỗi dòng kéo dài đến mười hai tiếng theo lối thơ tự do, có nét khác lạ so với các thể thơ khác trong ca dao. Tuy số tiếng kéo dài nhưng số lượng từ thì lại hạn chế. Các từ ở dòng thứ nhất được sử dụng lặp lại ở dòng thứ hai, chỉ khác là đảo vị trí các từ và tạo nên sự đối xứng nhịp nhàng. Tê đổi vị trí cho ni, ni đổi vị trí cho tê,mênh mông bát ngát đảo thành bát ngát mênh mông. Những từ mang sắc thái địa phương ni (này), tê (kia) giúp người đọc nhận ra ngay đây là câu hát của vùng miền Trung rất đỗi thân thương. Từ ngữ nôm na, giản dị nhưng nghệ thuật điệp từ, đảo ngữ trong sự đối xứng hài hòa đã giúp người đọc hình dung ra sự rộng lớn, mênh mông của cánh đồng mà đứng ở đâu, bên này hay bên kia đều thấy sự dài rộng, trù phú, tươi đẹp của nó. Hai tính từ được nhấn mạnh ở cuối câu “mênh mông bát ngát” cho ta thấy sự tươi tắn, trù phú của ruộng đồng.
Sau hai câu tả cảnh cánh đồng, câu thứ ba mới xuất hiện hình ảnh con người. Hình ảnh cô gái được biểu hiện trong hai dòng thơ cuối :
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Hai câu 3 và 4 đã sử dụng phép so sánh quen thuộc của ca dao. Người con gái được so sánh với “chẽn lúa đòng đòng”. “Lúa đòng đòng” là lúa đang thời kì ngậm sữa, chuẩn bị trổ bông. Đây là thời kì cây lúa đầy sức sống, thể hiện sự sung mãn nhất chờ đợi sự sinh sôi nảy nở để làm nên cả một vụ mùa. Bản thân hình ảnh so sánh trong câu lục đã mang rõ ý khái quát, lại được bổ sung thêm ở ý triển khai trong câu bát về vẻ đẹp tươi tắn, đầy sức sống trong ánh nắng hồng tươi buổi sớm mai. Từ láy “phất phơ” là động từ chỉ chuyển động qua lại nhẹ nhàng theo làn gió của cây lúa vươn lên đón ánh nắng mặt trời buổi sớm. Trên cánh đồng mênh mông bát ngát hiện lên hình ảnh người con gái mảnh mai, trẻ trung tràn đầy nhựa sống. Cánh đồng bát ngát, trù phú ấy được tạo ra do chính bàn tay con người. Con người làm nên cái hồn của cảnh. Âm hưởng mà bài ca đem lại như một tiếng reo vui về sự tươi đẹp, hài hòa giữa cảnh và người. Sự kết hợp giữa hai dòng thơ dài 12 tiếng ở hai câu đầu (câu 1 và 2) với hai dòng thơ lục bát ở hai câu sau (câu 3 và 4) không phá vỡ sự hài hòa mà tạo nên ấn tượng riêng. Một vấn đề đặt ra ở đây, có thể đưa đến những ý kiến khác nhau : ai là nhân vật trữ tình của bài ca ? Cô gái hay chàng trai hay là một người nào khác ? Ý kiến chúng tôi thiên về cách hiểu thứ hai : nhân vật trữ tình là chàng trai. Vì nếu không phải cô gái tự xưng là em thì chắc hẳn lời ví “Thân em như chẽn lúa đòng đòng” phải là lời chàng trai dùng để chỉ người con gái. Chàng trai nhìn cảnh cánh đồng tươi đẹp và thấy hiện lên trên cánh đồng ấy là một cô gái duyên dáng, trẻ trung đã thốt lên lời ca ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi vẻ đẹp người con gái. Đó chính là cách bộc lộ tình cảm tế nhị, kín đáo của chàng trai với cô thôn nữ đáng yêu. Đây là bài ca nằm trong hệ thống những bài ca ca ngợi tình cảm quê hương đất nước, con người, có thể kín đáo lồng ghép với chủ đề tình yêu đôi lứa. Có thể có những cách hiểu khác nhau về nhân vật trữ tình ở bài ca này. Hai tiếng thân em dễ làm cho người nghe liên tưởng đến hệ thống công thức mở đầu trong khúc hát than thân của người phụ nữ. Vì thế, cũng có người cho rằng đây là tiếng hát than thân mà nhân vật trữ tình là người phụ nữ, thấy mình đẹp “như chẽn lúa đòng đòng” giữa thiên nhiên tươi tắn, đầy sức sống nhưng thân phận thì nhỏ bé, mỏng manh, tội nghiệp với liên tưởng rồi cuộc đời sẽ trôi nổi về đâu ?
Với tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm văn học dân gian, việc có thể có nhiều cách hiểu, cách cảm nhận khác nhau cũng là điều có thể vì tác phẩm là một thực thể khách quan, sự liên tưởng còn phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan của người tiếp nhận. Tuy nhiên, mỗi ý kiến nêu ra cần có sự lí giải, chỉ ra cái lí của hình thức nghệ thuật. Chìa khóa giải nghĩa của hình tượng nghệ thuật chính là đặc trưng thể loại mà tác phẩm là một minh chứng.
* Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh vật, lịch sử, văn hóa của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người quê hương, đất nước.
Các bài ca dao với chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, con người đều thể hiện sâu sắc, nồng nhiệt tình yêu đối với quê hương, đất nước gợi lên những nét đặc trưng của các vùng miền với cảnh quan thơ mộng, hữu tình với bề dày của truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông. Chức năng biểu hiện tình cảm một cách trực tiếp của thể loại ca dao được thể hiện rõ ràng, đa dạng truyền vào lòng người nghe những cảm xúc chân thành, cao đẹp. Tình yêu quê hương, đất nước được lồng ghép trong chủ đề tình yêu con người, mang dấu ấn của những cuộc diễn xướng giao duyên tạo cho các bài ca dao mang vẻ sinh động, hấp dẫn.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.