– Bà Huyện Thanh Quan, tên thật là Nguyễn Thị Hinh, là nữ thi sĩ nổi tiếng sống trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX. Quê bà ở làng Nghi Tàm, ven Hồ Tây, Thăng Long (nay là Hà Nội). Chồng bà là Lưu Nghi, từng làm tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), nên người đời trân trọng gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan.
– Bà xuất thân trong một gia đình quan lại, là người phụ nữ có nhan sắc, lại có học, có tài sáng tác thơ Nôm. Sự nghiệp văn chương của bà được lưu lại không nhiều, chỉ có sáu bài thơ Nôm đều viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật : Qua Đèo Ngang ; Chiều hôm nhớ nhà ; Thăng Long thành hoài cổ ; Chùa Trấn Bắc ; Chơi đài Khán Xuân Trấn Võ ; Tức cảnh chiều thu. Tuy số lượng bài ít nhưng bà đã thể hiện một phong cách thơ rất riêng với giọng thơ man mác buồn, ngôn ngữ trang nhã, mực thước, điêu luyện, thấm đẫm niềm hoài cổ. Có thể nói bài thơ nào của bà cũng đều bộc lộ một tài năng xuất sắc. Bà đã được vua Minh Mạng vời vào kinh đô Phú Xuân làm nữ quan với chức Cung trung giáo tập. Bài Qua Đèo Ngang đã được sáng tác trong chuyến đi nhậm chức này.
Tri thức về thể loại
Qua Đèo Ngang được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Đây là thể thơ có từ thời nhà Đường (Trung Quốc), có bố cục và hệ thống niêm luật rất chặt chẽ :
– Về bố cục : một bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn phần : đề, thực, luận, kết. Trong phần đề, câu thứ nhất là phá đề, câu thứ hai là thừa đề. Phá đề mở ý của đầu bài ra, thừa đề tiếp ý của phá đề chuyển vào thân bài. Phần thực gồm câu 3 và 4, còn gọi là thích thực hay cập trạng, giải thích rõ ý của đầu bài. Phần luận gồm câu 5 và 6 có nhiệm vụ phát triển rộng ý của đầu bài. Phần kết là hai câu cuối, kết thúc ý toàn bài.
– Về luật bằng trắc : buộc phải theo sự quy định về thanh bằng thanh trắc trong từng câu và trong cả bài.
– Về cách đối : đối ở phần thực và luận. Các chữ đối nhau về nguyên tắc phải cùng từ loại.
– Về cách gieo vần : chỉ gieo một vần và chỉ gieo vần bằng (ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8). Riêng chữ cuối câu thứ nhất, đặc biệt ở thơ ngũ ngôn, có thể không gieo vần. Trong quá trình sử dụng thể thơ này, nhiều nhà thơ Việt Nam đã có những sáng tạo riêng, góp phần dân tộc hóa thể thơ này trên nhiều phương diện, để lại nhiều bài thơ có giá trị cao cho nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, do tính chất gò bó về hình thức nên trong cuộc sống hiện đại, thể thơ này khó diễn đạt được sinh động, đầy đủ tình cảm của con người hiện đại, và cũng là một thể thơ không dễ vận dụng trong sáng tác, nên không được sử dụng phổ biến như ở thời phong kiến.
Tri thức về văn hóa
– Đèo Ngang là một địa danh có cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục : phía đông là biển xanh, sóng tung bọt trắng xóa vào chân núi, phía tây là núi biếc trập trùng, phía bắc nam là vùng cận sơn, đất sỏi một màu đỏ thẫm. Đường đèo quanh co, khuất khúc. Nơi đây hấp dẫn con người không chỉ ở cảnh vật sơn thủy hữu tình, nước non hùng vĩ, mà còn ở ý nghĩa lịch sử của nó. Bởi vậy, Đèo Ngang đã trở thành đề tài ngâm vịnh của rất nhiều nhà thơ xưa và nay, chẳng hạn Cao Bá Quát có bài Đăng Hoành Sơn, Nguyễn Khuyến có Quá Hoành Sơn, Nguyễn Thượng Hiền có bài Hoành Sơn xuân vọng,…
– Năm 1802, Nguyễn Ánh đã đánh bại Tây Sơn, lên ngôi vua, lập ra triều Nguyễn, chuyển kinh đô từ Thăng Long – vốn đã có lịch sử tám trăm năm – vào Huế. Sự kiện này đã gây nên cảm hứng hoài cổ cho rất nhiều thi nhân đất Bắc. Đường qua Đèo Ngang, sắp đến Huế, cũng tức là đã rất xa Thăng Long, hành nhân không tránh khỏi những cảm xúc về lẽ đời hưng vong, thịnh suy. Bài thơ này cũng cần được đọc trong ngữ cảnh đó.
– Bài thơ Qua Đèo Ngang có sử dụng điển tích về chim quốc quốc, chim gia gia. Theo sự tích, chim quốc quốc vốn là hồn của vua Thục Đế mất nước nên đau lòng kêu gào mãi, lúc nào kêu là cất tiếng quốc quốc (nghĩa là đất nước). Còn con chim gia gia (còn gọi là chim đa đa) có tích từ chuyện Bá Di, Thúc Tề, bề tôi của nhà Thương, thà chịu chết chứ dứt khoát không chịu sống với nhà Chu, ăn thóc của nhà Chu (là triều đại đã tiêu diệt nhà Thương). Hai vị ấy chết đi, linh hồn hóa thành con chim gia gia, luôn kêu bất thực cốc Chu gia (nghĩa là không ăn thóc nhà Chu). Tuy nhiên, tiếng gia ấy lại đồng âm với chữ gia có nghĩa là nhà. Việc sử dụng hai điển tích này đã giúp nhà thơ gửi gắm một cách kín đáo nỗi niềm sâu kín về cuộc đổi thay triều đại.
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Bức tranh thiên nhiên nơi Đèo Ngang
Phong cảnh Đèo Ngang được miêu tả vào lúc bóng xế tà : “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”.
Đây là một thời gian và một không gian mang tính nghệ thuật, thường gặp trong thơ. Nhà thơ đã chọn thời điểm khi ánh sáng ban ngày bắt đầu tàn lụi để khắc họa bức tranh cảnh vật nơi Đèo Ngang vào lúc “bóng xế tà”. Nhưng thi sĩ vẫn chọn thời điểm đó để miêu tả, phải chăng vì chỉ đặt cái không gian Đèo Ngang vào đúng thời điểm đó thì bức tranh mới thật sự chứa đựng được hết cái hồn mà nhà thơ muốn gửi gắm ? Nơi đây, cỏ cây, đá núi như có sự chen lấn lẫn nhau trong không gian sống : “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.
Câu thơ bảy tiếng mà có đến hai từ chen. Cách sử dụng điệp từ kết hợp với một loạt các danh từ chỉ sự vật của thiên nhiên như cỏ cây, đá, lá, hoa đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên hoang vu, cây cối, hoa lá chen lấn rậm rạp. Cảm giác như sức sống hoang dã của tự nhiên rất mạnh mẽ, khiến sự vật cũng như đang chen lấn nhau.
Có lẽ vì thiên nhiên hoang dã, cỏ cây, đá núi rậm rạp, chen lấn như vậy mà hình ảnh cuộc sống con người hiện lên đã bị lấn át, chỉ còn là những bóng dáng nhỏ nhoi, thưa nhạt :
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Bức tranh đã có bóng dáng cuộc sống của con người, nhưng chỉ là vài chú tiều đang “lom khom dưới núi” – có thể là đang gùi bó củi trên lưng trở về nhà, và mấy gian nhà và chợ “lác đác ở bên sông”. Chỉ với hai nét phác họa đơn sơ đã vẽ nên thật đẹp và gợi cảm một bức tranh trang nhã, mang đậm vẻ cổ điển, mực thước với không gian có núi sông, sơn thủy hữu tình, hùng vĩ ; và thấp thoáng trong không gian hùng vĩ đó là hình ảnh mấy chú tiều phu, mấy gian nhà, chợ. Thiên nhiên càng hùng vĩ, khoáng đạt thì con người càng trở nên bé nhỏ. Từ điểm nhìn ngang con đèo, phòng tầm mắt nhìn xuống dưới núi và nhìn sang bên sông, thấy con người, nhà, chợ thật bé nhỏ, thưa thớt. Nghệ thuật đối rất chỉnh, kết hợp với các từ láy tượng hình “lom khom”, “lác đác”, phép đảo trật tự cú pháp, đã góp phần làm tăng giá trị tạo hình cho hai câu thực. Bức tranh thiên nhiên còn có cả âm thanh khắc khoải, vang vọng của những loài chim hoang dã :
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Bức tranh có bóng dáng cuộc sống của con người, nhưng chỉ là vài chú tiều đang “lom khom dưới núi” – có thể là đang gùi bó củi trên lưng trở về nhà, và mấy gian nhà và chợ “lác đác ở bên sông” . Chỉ với hai nét phác họa đơn sơ đã vẽ nên thật đẹp và gợi cảm một bức tranh trang nhã, mang đậm vẻ cổ điển, mực thước với không gian có núi có sông, sơn thủy hữu tình, hùng vĩ ; và thấp thoáng trong không gian hùng vĩ đó là hình ảnh mấy chú tiều phu, mấy gian nhà, chợ. Thiên nhiên càng hùng vĩ, khoáng đạt thì con người càng trở nên bé nhỏ. Từ điểm nhìn ngang con đèo, phóng tầm mắt nhìn xuống dưới núi và nhìn sang bên sông, thấy con người, nhà, chợ thật bé nhỏ, thưa thớt. Nghệ thuật đối rất chỉnh, kết hợp với các từ láy tượng hình “lom khom”, “lác đác”, phép đảo trật tự cú pháp, đã góp phần làm tăng giá trị tạo hình cho hai câu thực. Bức tranh thiên nhiên còn có cả âm thanh khắc khoải, vang vọng của những loài chim hoang dã :
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Con chim quốc quốc, gia gia (còn gọi là chim đa đa) là những loài chim thường kêu ở những nơi hoang vắng. Cũng là tiếng chim, nhưng không hề gợi cảm giác rộn rã, tươi vui, mà trái lại, càng làm tăng thêm vẻ u tịch, hoang vu của con đèo lúc hoàng hôn. Lấy “động” để tả “tĩnh” vốn là một bút pháp quen thuộc của thơ Đường. Cảnh Đèo Ngang vốn đã hoang vắng dường như lại càng hoang vắng, u tịch hơn trong thứ ánh sáng của một ngày sắp tàn lụi, trong tiếng cuốc cuốc, gia gia khắc khoải, não nề, da diết.
Có thể nói, trong sáu câu thơ đầu tiên, bằng ngòi bút trang nhã, mực thước,
cổ điển, nữ sĩ đã vẽ nên một bức tranh tuyệt bằng ngôn từ. Bức tranh ấy có sơn thủy hữu tình, cỏ cây rậm rạp, thấp thoáng xa xa là hình ảnh bé nhỏ, thưa thớt của cuộc sống con người, có cả âm thanh vang vọng của tiếng chim. Thật đúng là thi trung hữu họa. Tuy nhiên, với cách chọn thời gian, không gian và âm thanh như vậy, người đọc cảm thấy cảnh vật được khắc họa trong tranh phảng phất, man mác, bâng khuâng một tâm trạng, một nỗi buồn.
Tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nước thương nhà kín đáo của nhà thơ.
Đi suốt sáu câu thơ đầu, ẩn chứa kín đáo sau bức tranh cảnh vật là một tâm trạng buồn man mác, cô đơn, với những nỗi niềm chất chứa. Thời điểm bóng xế tà, khi người lữ khách đang dừng chân ngang con đèo, phải chăng là một sự gửi gắm kín đáo nỗi nhớ nhà và cả tâm trạng cô đơn ? Bởi lẽ thời điểm đó thường là lúc người ta trở về ngôi nhà của mình, sum họp quây quần bên những người thân. Và sự tàn lụi dần của ánh mặt trời, của thời điểm một ngày sắp tắt – cũng như bất kì sự tàn lụi của một thứ gì khác – bao giờ cũng gợi nỗi buồn trong một tâm hồn nhạy cảm, giàu trắc ẩn. Cả cái không gian mênh mông, hoang sơ, heo hút, với âm thanh khắc khoải của chim quốc quốc, gia gia, thấp thoáng đằng sau đó phải chăng là nỗi cô đơn, niềm nhớ nước, thương nhà ? Từ “quốc quốc” (tiếng quốc kêu) ở đây đồng âm với quốc (nghĩa là đất nước) ; còn từ “gia gia” (tiếng đa đa kêu) đồng nghĩa với âm gia (nghĩa là nhà). Phép đối, phép nhân hóa, cách dùng điển tích đã giúp nhà thơ bộc lộ được nỗi nhớ nước, thương nhà đang chất chứa trong lòng một cách kín đáo. Tiếng vang vọng của con quốc quốc, gia gia ở nơi địa giới của nước cũ chính là tiếng vang vọng của nỗi niềm nhớ nước, thương nhà trong tâm hồn nữ sĩ. Nỗi buồn về thế sự hưng vong, cảnh đời dâu bể, những cuộc đời thay đổi lớn của lịch sử là một tâm trạng có màu sắc thẩm mĩ thiên về cái bi, đã được nhà thơ diễn tả rất thành công.
Nếu như ở sáu câu thơ đầu, tâm trạng của nhà thơ được gửi gắm gián tiếp qua bức tranh cảnh vật, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, thì ở hai câu kết, tâm trạng đó đã được bộc lộ trực tiếp :
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Hai câu thơ gợi ra hai hình ảnh đối lập : một bên là một con người nhỏ bé, đơn độc, một bên là trời, non, nước hùng vĩ, điệp trùng, rợn ngợp. Trong cái sự đối lập ấy, con người càng trở nên bé nhỏ, mong manh đến tội nghiệp. Cái hữu hạn của đời người đặt bên cái vô cùng của thời gian, của vũ trụ, của những thăng trầm lịch sử. Trong khoảnh khắc ấy, con người đã bất chợt nhận ra một triết lí sâu xa : đời người chỉ là hữu hạn, chỉ có thiên nhiên đất nước là muôn đời còn mãi ; và con người khi đứng trước thiên nhiên vũ trụ, đứng trước thời gian, chỉ là một cái gì đó thật bé nhỏ, mong manh. Từ triết lý ấy mà tâm hồn nữ sĩ dâng lên bao suy cảm, bao nỗi niềm ngổn ngang. Tâm sự ấy đâu thể chia sẻ cùng ai được, nên càng chất chứa. Nhịp thơ như bị cắt, xé : trời, non, nước, kết hợp với các từ mang ý nghĩa riêng lẻ : một, mảnh, riêng, ta đã cực tả sự cô đơn, lẻ loi, trống vắng của nhà thơ khi đối diện với cái không cùng của tạo hóa, đồng thời cũng mở ra một chân trời cảm xúc khi chỉ có mình đối diện với chính tâm hồn của mình thôi : ta với ta. Có lẽ không có gì có thể cô đơn, lẻ loi hơn thế.
Vậy tại sao bài thơ lại có những cảm xúc ấy ? Và tại sao đó lại là những nỗi niềm không thể giãi bày, chia sẻ được cùng ai ? Nhà thơ vốn là người Đàng Ngoài, là đất của triều đại Lê Trịnh, nhưng giờ đây đã trở thành đất của triều Nguyễn, của con cháu chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Thời thế đã đổi thay, nhưng trong tâm tư thế hệ của bà, ngừi đất Bắc không thể không luyến tiếc, nhớ thương triều đại nhà Lê – nay đã trở thành quá khứ. Nay phải rời Thăng Long, kinh đô của vua cũ để vào kinh đô của một ông vua mới (mà người phụ nữ thời xưa có mấy khi rời xa ngôi nhà của mình), khi bước chân đến địa giới cuối cùng của nước cũ, tâm trạng sao tránh khỏi nhớ về gia đình, luyến tiếc một triều đại đã qua. Chân bước đi theo tiếng gọi của triều đại mới, bước đi về vùng đất mới, vậy mà tâm hồn vẫn quay trở về đất cũ, về triều đại cũ – phải chăng vì vậy mà tâm sự, nỗi niềm của bà chẳng thể giãi bày, thổ lộ được với ai, chỉ biết gửi gắm vào cảnh vật thiên nhiên nơi tận cùng này của đất cũ ?
Hai câu thơ kể man mác một nỗi niềm hoài cổ, phảng phất trong đó là tâm sự riêng, là nỗi nhớ thương, tiếc nuối về một triều đại đã tàn lụi. Có lẽ vì thế mà cảm xúc ấy còn là “tiếng nói của lịch sử, một chứng tích lịch sử, một đoạn đau thương trong từng khúc đau thương của non nước Việt Nam ở giai đoạn lịch sử có tính bi kịch này. Cái “bóng xế tà” của nhà thơ không chỉ chiếu nghiêng xuống bài thơ mà còn ngả dài xuống lịch sử, xuống số phận nhân dân ta và đất nước ta dưới triều Nguyễn” (Lê Trí Viễn). Niềm hoài cảm và cả cái triết lí nhân sinh bỗng chốc được “ngộ” ra trước cái vô cùng vô tận của trời đất, của thời gian trong bài thơ này đã bắt gặp sự đồng điệu với cảm xúc của một ông vua thời thịnh trị mấy trăm năm trước, khi vị vua ấy cũng dừng chân ở ngang con đèo nổi tiếng này :
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.
(Lê Thánh Tông)
* Bài thơ là một trong những thi phẩm tiêu biểu về tâm trạng hoài cổ, đã khắc họa được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đãng nhưng heo hút, thấp thoáng bóng dáng cuộc sống đơn sơ của con người, đồng thời thể hiện tâm trạng cô đơn, niềm nhớ nước, thương nhà qua nỗi buồn man mác, thầm lặng.
Bài thơ sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, vận dụng nhuần nhuyễn, điêu luyện thủ pháp đối, các từ tượng hình, tượng thanh, phép chơi chữ, đảo ngữ, sử dụng hợp lí và hiệu quả các điển tích. Lời thơ trang nhã, mực thước, mang đậm màu sắc cổ điển.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.