SAU PHÚT CHIA LY (Trích Chinh phụ ngâm khúc)
Không có phản hồi
SAU PHÚT CHIA LY(Trích Chinh phụ ngâm khúc)
I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ
– Chinh phụ ngâm khúc (Khúc ngâm của người vợ có chồng ra trận, cũng gọi là Chinh phụ ngâm), là một tác phẩm nổi tiếng của văn học trung đại. Tác phẩm này được viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn. Ông là người làng Nhân Mục – nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội – sống và khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII. Sau khi ra đời, Chinh phụ ngâm khúc được nhiều người diễn Nôm. Bản diễn Nôm thành công nhất được gọi là bản dịch hiện hành. Cho đến nay, vấn đề người dịch (diễn Nôm) bản thực hiện hành vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, một thuyết nói dịch giả là Đoàn Thị Điểm, một thuyết nói dịch giả là Phan Huy Ích. Chinh phụ ngâm khúc là khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ có chồng ra trận. Cả nguyên tác và bản diễn Nôm được dùng đều là kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam. – Tác phẩm ra đời trong bối cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà khủng hoảng. Những mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp phong kiến đã gây nên bao cuộc nội chiến bi thương, mà hậu quả của nó là sự tang tóc, là cảnh ngộ chia li của biết bao gia đình. Văn học đang hướng ngòi bút của mình và miêu tả hiện thực đó, trong đó đặc biệt chú trọng đến số phận của người phụ nữ. Mang một phong cách độc đáo và thấm đẫm cảm hứng nhân đạo, sự ra đời của Chinh phụ ngâm khúc đã góp một tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến đã tước đoạt hạnh phúc của con người, đồng thời cũng thể hiện niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Điểm đặc sắc của khúc ngâm là tác giả (nam giới) đã nhập thân hay mượn giọng phụ nữ (nhân vật chinh phụ xưng thiếp – ngôi thứ nhất) để nói hộ người phụ nữ những tâm tình sâu kín khi phải sống xa chồng. – Chinh phụ ngâm khúc là tác phẩm điển hình cho kiểu nghệ thuật “tập cổ” trong văn học trung đại. Tác giả đã tập hợp nhiều tứ thơ, hình ảnh thơ, từ ngữ của Đường Thi và Nhạc phủ viết về người chinh phụ để xây dựng tác phẩm này. – Đoạn trích Sau phút chia li nói về tâm trạng của người vợ ngay sau phút chia li, tiễn chồng ra trận. Đoạn trích gồm 12 dòng thơ (từ câu 35 đến câu 64) tương ứng với ba khổ thơ song thất lục bát – đều diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhớ thương, cô đơn của người chinh phụ ngay sau phút chia li. Nhan đề đoạn trích do người soạn sách đặt.
– Tác phẩm thuộc thể ngâm (ngâm nga, than vãn), một loại bài thơ trữ tình dài hơi bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền, đau đớn, triền miên, day dứt. Thể ngâm còn được gọi là vãn hay thán. – Chinh phụ ngâm khúc nguyên tác chữ Hán, viết theo thể trường đoản cú (câu dài ngắn không đều nhau). Tác phẩm xuất hiện đã được nhiều người tán thưởng, nhiều bậc văn nhân đã dịch sang thơ quốc âm (xưa gọi là diễn Nôm). Cái bản dịch Nôm này sử dụng thể lục bát và song thất lục bát , nhưng bản thành công nhất là bản dịch thơ song thất lục bát. – Song thất lục bát là thể thơ do người Việt Nam sáng tạo, gồm nhiều khổ thơ 4 câu kết nối tạo thành. Trong mỗi khổ thơ 4 câu, có hai câu 7 chữ (song thất), tiếp đến hai câu 6 – 8 (lục bát). Bốn câu thành một khổ, số lượng khổ thơ không giới hạn. Chữ cuối câu 7 trên vần với chữ thứ năm của câu 7 dưới, đều vần trắc. Chữ cuối câu 6 vần với chữ sáu của câu 8, đều vần bằng. Chữ cuối câu 8 lại vần với chữ thứ năm của câu 7 trên của khổ sau, cũng vần bằng. Thể thơ này vừa có nét giống thơ thất ngôn của Trung Quốc (tuy có khác về gieo vần và ngắt nhịp), vừa mang nét truyền thống của thể thơ lục bát mềm mại, trữ tình, phù hợp với việc diễn tả những biểu hiện tâm trạng, những cung bậc cảm xúc sầu bi dằng dặc như những đợt sóng của nhân vật trữ tình. II – PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH
Chinh phụ ngâm khúc là khúc ngâm tả nỗi buồn cô đơn, thương nhớ, sầu muộn của người vợ có chồng đi chiến trận xa nhà. Sau phút chia li trích trong Chinh phụ ngâm khúc đã thể hiện tâm trạng cô đơn và nỗi sầu muộn của người vợ trẻ trong những ngày đầu sau khi tiễn chồng ra chiến trận nơi miền biên thùy xa xôi. Đoạn thơ bao gồm ba khổ song thất lục bát, mỗi khổ ghi lại một cung bậc tình cảm của người vợ xa chồng : – Khổ 1 (4 câu thơ đầu) : Tâm trạng của người chinh phụ khi tiễn chồng ra trận. – Khổ 2 (4 câu thơ tiếp theo) : Nỗi sầu nhớ của người chinh phụ. – Khổ 3 ( 4 câu còn lại) : Nỗi sầu dâng lên tràn ngập, bất tận.
Khổ thơ đầu tác giả đã gợi ra cảnh chia li của lứa đôi trong thời loạn lạc : Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn Đoái trông theo đã cách ngăn Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh. Nghệ thuật đối lập không gian : không gian của chàng và thiếp đối lập nhau. Chàng đi vào nơi xa xôi, đầy gian khổ (tượng trưng bằng hình ảnh “cõi xa mưa gió”), còn thiếp quay về gian phòng cũ, nơi mới hôm qua đôi lứa còn bên nhau (hai chữ “chiếu chăn” gợi ý tình cảm vợ chồng). Chàng tất nhiên là phải đi vào nơi xa xôi, trắc trở, nhưng thiếp có gì hơn dẫu cho sống trong gian buồng chăn chiếu đầy đủ, vì vắng bóng chàng, thiếp đã cô đơn, lẻ loi. Người chồng đi đến nơi xa xăm, mịt mùng, biết bao nguy hiểm rình rập, đe dọa đến tính mạng. Trong khi người vợ về nơi “buồng cũ chiếu chăn”, nơi đây đã từng có những giây phút hạnh phúc của hai vợ chồng thì nay chỉ còn mình nàng cô đơn, lẻ loi. Hai hình ảnh tượng trưng “cõi xa mưa gió” và “ buồng cũ chiếu chăn” hô ứng nhau, thể hiện sâu sắc nỗi cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ. Sự ngăn cách đã hiện hữu, trở thành sự thật phũ phàng : Đoái trông theo đã cách ngăn. Ba chữ “đoái trông theo” tả cái nhìn đăm đăm về một chân trời xa. Người vợ cứ hướng mắt nhìn theo bóng dáng của người chồng thân yêu nhưng hình bóng đó đã bị mây, núi che khuất : Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh. Mây biếc, núi xanh ngút ngàn tưởng như đã nuốt chửng hình bóng người chồng thân yêu. Người chinh phụ dù có cố gắng dõi mắt theo hình bóng của chồng nhưng chỉ nhìn thấy quanh mình là một không gian rộng lớn. Không gian đó bao trùm, ngăn cách người vợ với người chồng.
Khổ thơ thứ hai càng tô đậm thêm nỗi sầu chia li của hai người. Địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương là những địa danh nổi tiếng trong thi ca Trung Quốc viết về người chinh phụ, ở đây được sử dụng để tượng trưng cho sự xa cách, chia li giữa chinh phu – chinh phụ : Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng. Bằng phép đối về hành động và phương hướng chàng còn ngoảnh lại và thiếp hãy trông sang cùng hình thức điệp ngữ, lặp lại địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương đến ba lần, tác giả nhấn mạnh nỗi chia sầu chia li ở đây không chỉ còn là “cách ngăn” mà đỡ trở thành “cách mấy trùng”. Ở đây tác giả đã đảo vị trí hai địa danh (chốn Hàm Dương – bến Tiêu Tương) như muốn chia đều cảm xúc của hai người, nhấn mạnh nỗi sầu chia cách. Tình cảm nhớ nhung cứ tăng dần. Chàng cố ngoái lại, hướng về người vợ trẻ đã trở nên cô đơn, lẻ loi. Còn người vợ cố vọng theo “thiếp hãy trông sang”. Nhưng càng hướng về nhau thì không gian càng đẩy họ xa nhau hơn. Điệp từ “cách” lặp lại hai lần, kết hợp với “mấy trùng” như nhấn mạnh sự chia li, xa cách của đôi vợ chồng trẻ. Lời thơ như một lời oán trách, ai oán cho số phận mình hay nghịch cảnh đất nước khiến đôi vợ chồng phải chia xa. Họ càng cố dõi theo nhau thì càng bị chia xa. Không gian địa lí trở thành không gian nghệ thuật trống vắng. Khổ thơ không chỉ diễn tả nỗi sầu chia li mà hơn thế còn nói về sự chia cắt của lứa đôi yêu nhau tha thiết, nồng nàn.
Ở khổ thơ thứ ba, nghệ thuật đối được bổ sung bằng các điệp từ, điệp ngữ cùng, thấy, xanh xanh, xanh ngắt, ngàn dâu,… : Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? … Nếu như ở khổ thơ thứ hai còn có địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương để gợi một ý niệm cụ thể thì sang khổ thơ này, mọi địa điểm, vị trí cụ thể bị xóa mờ. Càng ngóng trông, càng vô vọng cô đơn. Ở hai phía chân trời, người chinh phụ và người người chinh phu “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”. Màu xanh của ngàn dâu cứ nối tiếp nhau để rồi cả vũ trụ toàn là một màu xanh, màu xanh đến rợn ngợp, xanh não nề, nhức buốt tận đáy lòng. Màu xanh của ngàn dâu hay màu xanh của tâm tưởng, màu xanh của sự chia li ? Nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Câu hỏi tu từ như một tiếng thở dài não nề, rơi vào khoảng không : Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? Nhà thơ không còn mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng mà trực tiếp nói lên nỗi lòng của người chinh phụ. Đâu phải chỉ có người xa nhà đi ra trận mới đau khổ, người ở nhà cũng buồn khổ không kém, khát vọng hạnh phúc dường như cũng đã bị chìm lấp trong sắc xanh xanh ngắt một màu của ngàn dâu. Bút pháp tả cảnh ngụ tình với một sắc xanh của mấy ngàn dâu đã diễn tả nỗi sầu chất ngất, ngập tràn không gian. Từ “sầu” trong câu thơ cuối như điểm nhấn, đúc kết lại nỗi buồn chia li của người thiếu phụ trẻ. Nỗi sầu như càng ngày càng triền miên khôn nguôi trong lòng người chinh phụ. * Đoạn trích Chinh phụ ngâm khúc đã diễn tả rất cảm động nỗi sầu chia li của người chinh phụ sau phút tiễn chồng ra trận. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ, đồng thời tố cáo, lên án chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt quyền được yêu thương, hạnh phúc của con người. Đoạn thơ với nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ, điệp ngữ, bút pháp tả cảnh ngụ tình, đặc biệt sử dụng các từ chỉ màu xanh đem lại hiệu quả cao trong việc diễn tả nỗi sầu bi và cảm giác xa cách của nhân vật trữ tình (mây biếc, núi xanh, xanh xanh mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngắt). Một số hình ảnh vừa có tính gợi hình, vừa giàu khả năng biểu cảm như cõi xa mưa gió, buồng cũ chiếu chăn, màu mây biếc, ngàn núi xanh, bến, ngàn dâu. Đoạn trích có thể coi là một mẫu mực về nghệ thuật của một khúc ngâm nói chung.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|