– Xuân Quỳnh (1942 – 1988) quê ở làng La Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là nhà thơ nữ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Hồ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ một trái tim phụ nữ đa cảm, chân thành, đằm thắm, giàu yêu thương và cũng đầy khát vọng. Song đáng tiếc là Xuân Quỳnh đã từ giã cuộc đời trong lúc sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật đang ở độ chín rực rỡ vì một tai nạn ập đến bất ngờ đã cướp đi sự sống gần như của cả gia đình bà. Để ghi nhận những đóng góp cho văn học, năm 2001, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
– Khi còn nhỏ, tuổi thơ của Xuân Quỳnh đã thiếu vắng tình cảm yêu thương : mẹ mất sớm, cha đi làm xa, hai chị em sống trong sự yêu thương đùm bọc của bà. Kỉ niệm về những năm tháng ấy đã trở thành một kí ức sâu đậm không bao giờ quên, hình ảnh tuổi ấu thơ nhiều lần xuất hiện trong sáng tác của Xuân Quỳnh. Bài thơ Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ và được in lần đầu trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Bài thơ trước hết chính là sự ùa dậy những kí ức tuổi thơ của Xuân Quỳnh.
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Bố cục của bài thơ
Theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, bài thơ có thể chia làm ba đoạn :
– Đoạn 1 (từ đầu đến “Nghe gọi về tuổi thơ”) : Tiếng gà trưa khơi gợi những cảm xúc và kỉ niệm của người chiến sĩ.
– Đoạn 2 (tiếp theo đến “Giấc ngủ hồng sắc trứng”) : Những kí ức tuổi thơ.
– Đoạn 3 (còn lại) : Người chiến sĩ suy ngẫm về bà và ỹ nghĩa những kỉ niệm tuổi thơ.
` 2. Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu từ âm thanh của tiếng gà trưa trên đường hành quân xa của người chiến sĩ
Bài thơ mở đầu như một lời tự sự mộc mạc : Trên đường hành quân xa, khi dừng chân bên một góc nhỏ, nghe thấy tiếng gà trưa, người chiến sĩ bỗng thấy ùa về trong tâm hồn mình biết bao cảm xúc và những kỉ niệm tuổi thơ. Đó là tiếng gà “Cục… cục tác cục ta”, tiếng một con gà mái nhảy ổ. Tiếng gà trưa vang lên vào lúc người chiến sĩ sau những phút giây hành quân mệt mỏi, dừng bên một xóm nhỏ bé để nghỉ ngơi. Âm thanh là âm thanh quen thuộc ở bất cứ làng quê nào, nhưng nó lại là âm thanh dễ gợi cho con người nỗi buồn và sự hoài niệm. Lưu Trọng Lư cũng đã từng nghe tiếng gà trưa trong những ngày nắng mới mà nhớ về người mẹ, nhớ về tuổi lên mười thân thương của mình :
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Những năm tháng tuổi thơ nghe tiếng gà nhảy ổ, âm thanh ấy đã trở nên quá thân thuộc, để rồi khi lớn lên, dẫu có đi xa, nhưng bất chợt lại nghe được tiếng gà ở một làng quê khác, con người như trở lại quá khứ, về những năm tháng tuổi thơ của mình. Cho nên, khi nghe Tiếng gà ai nhảy ổ, người chiến sĩ cảm thấy như xao động, bàn chân anh như được nâng bước, xua tan đi mệt mỏi sau chặng đường dài, và biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp của tuổi thơ cũng được gọi về. Những từ tượng thanh “Cục… cục tác cục ta” mô phỏng tiếng gà làm khổ thơ như có một điểm . nhấn, lời thơ trở nên bình dị, gần với cuộc sống đời thường. Với điệp từ “nghe” tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính xác (nghe) thay cho thị giác (thấy), lặp liên tiếp ba lần ở câu cuối khổ thơ nhấn mạnh cảm xúc, tâm trạng của tác giả trước những âm vang của tiếng gà trưa.
Tiếng gà trưa khơi gợi bao kỉ niệm tuổi thơ
Hình ảnh đầu tiên người chiến sĩ nhớ tới trong những kỉ niệm tuổi thơ là hình ảnh ổ rơm đầy ắp những quả trứng hồng và hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng :
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Hình ảnh ổ trứng và những con gà được miêu tả thật bình dị, nhưng cũng sống động và đẹp như một bức tranh đầy màu sắc : màu hồng của những quả trứng, màu hoa đốm trắng của con gà mái mơ, màu vàng óng như màu nắng của con gà mái vàng. Những màu sắc như còn tươi rói trong kí ức tuổi thơ của người chiến sĩ. Tiếng gà trưa gợi lại trong kí ức người chiến sĩ về người bà. Nhớ về người bà, anh như vẫn nghe văng vẳng tiếng mắng đầy yêu thương của bà :
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt !
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng.
Bà thương cháu, quan tâm đến cháu thì mới mắng cháu. Sự thật thì nhìn gà đẻ không thể lang mặt. Nhưng bà tin theo quan niệm của thế hệ bà. Thế là cháu về soi gương và lo lắng vì lời “mắng” của bà. Cái lo lắng của tuổi thơ dại cùng tình thương ấm áp mà bà dành cho cháu sao mà đến giờ vẫn thấy đáng yêu đến thế.
Nhớ về bà, cháu cũng không bao giờ quên được hình ảnh bà tần tảo, chắt chiu những quả trứng hồng cho gà mái ấp :
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp.
Soi trứng để kiểm tra chất lượng quả trứng gà ấp. Bàn tay khum khum cầm quả trứng soi lên ngọn đèn, nếu trứng tốt, nhìn thấy nguyên khối cầu của lòng đỏ, nếu trứng bị hỏng (gọi là trứng ung) sẽ không thấy khối cầu của lòng đỏ. Hình ảnh bàn tay bà khum soi trứng nói về sự chắt chiu, tần tảo của bà, về bao nỗi lo toan từ mỗi quả trứng nhỏ đưa lên soi, liệu có quả nào bị hỏng.
Lo cho trứng ấp thành gà con, nhưng bà vẫn chưa hết lo. Cháu quên sao được lỗi bà lo đàn gà “toi” khi mùa đông tới :
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.
Ngay cả khi những quả trứng đã nở thành đàn gà rồi, bà vẫn phải lo gió mùa đông tới, gió mùa và sương muối sẽ làm đàn gà “toi”. Nỗi lo lắng ấy cứ trở đi trở lại theo năm tháng, cứ hàng năm hàng năm, bởi năm nào đến mùa đông mà chẳng có gió mùa và sương muối. Bây giờ cháu lớn khôn, đã hiểu được vì sao bà chắt chiu từng quả trứng, vì sao bà lo cho đàn gà mỗi khi gió mùa đông thổi. Thì ra từ đàn gà ấy mà cháu sẽ có quần áo mới. Bàn tay già nua của bà để dành, chắt chiu, nâng đỡ từng ước mơ, hạnh phúc bé nhỏ của cháu. Cháu hạnh phúc vô bờ khi được xúng xính trong bộ quần áo ấy, để bây giờ, khi đã lớn khôn, cháu vẫn nhớ như in từng cảm giác :
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bầu
Đi qua nghe sột soạt.
Chỉ là cái quần chéo go, chỉ là cái áo cánh trúc bầu, bộ quần áo may bằng thứ vải dệt thủ công, ngày xưa chỉ có nhà nghèo mới may bằng vải ấy vì rất dày và cứng, nhưng với cháu là cả một niềm vui khó tả bởi chúng chứa đựng bao tình yêu thương của bà. Ngày xưa, khi Tết về trẻ con được may áo quần mới cũng là niềm hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè, nên hình ảnh một đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo vừa dài, vừa rộng thùng thình, mỗi bước đi lại sung sướng nghe tiếng vải sột sọat vừa gợi ra những nét ngây thơ của đứa trẻ, vừa là một ấn tượng không bao giờ quên về thứ hạnh phúc bình dị của tuổi ấu thơ. Chính vì vậy mà giấc mơ của cháu suốt tuổi thơ vẫn là sắc hồng của những quả trứng gà, tiếng gà trưa xôn xao mang cho cháu biết bao hạnh phúc. Từ cảm thán “ôi” như một sự xúc động và niềm hạnh phúc vẫn còn đọng mãi trong kí ức của tuổi thơ cháu. Cả đoạn thơ kể về tuổi thơ của người chiến sĩ, dường như ta không thấy có bóng dáng của người cha người mẹ, chỉ thấy có bà chăm sóc, lo cho cháu mà thôi. Dẫu thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ, cháu vẫn may mắn và hạnh phúc vì có bà chăm sóc, bù đắp yêu thương cho cháu. Bà đã cố gắng hết sức để khi Tết đến xuân về, cháu cũng có được niềm vui khi được quần áo mới, không phải tủi thân trước bạn bè. Tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh của bà thật cao đẹp biết bao.
Qua những kỉ niệm của người chiến sĩ về người bà, có thể thấy đó là một người bà nghèo nhưng tần tảo, giàu đức hi sinh, luôn hết lòng vì con, vì cháu. Phẩm chất của bà cũng là phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Những kỉ niệm trong sáng ấy còn cho ta thấy tình bà cháu thắm thiết. Bà yêu thương, chăm lo cho cháu ; cháu yêu quý, kính trọng và biết ơn bà. Cuộc đời người bà trong bài thơ có bóng dáng người bà của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng may mắn được sống trong sự cưu mang của bà ngoại – người mà Xuân Quỳnh nặng tình nhất.
Những suy ngẫm của người chiến sĩ về mục đích chiến đấu hôm nay
Quay về với thực tại, người chiến sĩ đã xác định đúng đắn :
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì làng xóm thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Điệp từ “vì” lặp lại ba lần vừa nêu lí do, vừa nêu mục đích ý nghĩa của cuộc chiến đấu của người cháu. Cháu cầm súng chiến đấu trước tiên vì “lòng yêu Tổ quốc”, vì làng xóm và cũng là vì người bà yêu thương và vì “tiếng gà”, “ổ trứng hồng” – vì những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ. Hình ảnh “tiếng gà” và “ổ trứng hồng” giờ đây đã trở thành biểu tượng cuộc sống bình yên, cho những ước mơ hạnh phúc, bình dị của mỗi con người. Giáo sư Đinh Trọng Lạc đã từng nhận xét : “Cả hai đều là hình tượng, song cái đầu mới là hình tượng đẹp, bất ngờ của thế giới hiện thực, cái sau nó là hình tượng nghệ thuật lung linh của thế giới tâm tưởng, mãi mãi được lưu giữ trong kí ức, như một ngọn nguồn tình cảm sâu xa của con người đem đến một sức mạnh tinh thần to lớn để chiến đấu cho những mục đích cao đẹp của cuộc đời”. Như vậy, chỉ từ âm thanh bình dị, quen thuộc của làng quê, từ những kỉ niệm thân thương của tuổi thơ bên bà, nhà thơ đã khái quát nên một chân lí lớn lao : Tình yêu gia đình, yêu quê hương là khởi nguồn cho một tình yêu lớn – tình yêu đất nước. Đó cũng là động lực giúp cho người chiến sĩ những bước trên bước đường hành quân, vững tay súng chiến đấu nơi chiến trường.
Đặc sắc về nghệ thuật
Bài thơ sử dụng thành công thể thơ năm chữ đậm chất tự sự, phù hợp với việc kể lại những kí ức và hoài niệm. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, trong sáng, giàu sức gợi cảm. Lời thơ thủ thỉ, tâm tình, gây xúc động cho người đọc, đặc biệt là cách sử dụng điệp ngữ “tiếng gà trưa” được lặp lại ba lần xuyên suốt bài thơ, lại đứng độc lập thành một câu thơ riêng như một sự biến thể đầy sáng tạo của thể thơ năm chữ, có tác dụng kết nối các ý thơ, tạo âm thanh vang vọng của hoài niệm, góp phần làm bài thơ thêm giàu cảm xúc.
* Thành công của bài thơ là Xuân Quỳnh đã khai thác cảm xúc từ những điều gần gũi, những kỉ niệm của chính mình nên tình cảm thể hiện trong bài thơ rất chân thành, giàu cảm xúc. Từ những kỉ niệm và những tình cảm riêng, bài thơ đã hướng vào chủ đề chung của thời đại chống Mĩ cứu nước là lòng yêu Tổ quốc. Bài thơ cũng khơi dậy ở mỗi người đọc những tình cảm cao đẹp về gia đình, quê hương, đất nước, những kỉ niệm bình dị mà đẹp của tuổi ấu thơ. Hình ảnh người bà trong bài thơ là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam : tần tảo, chịu thương chịu khó, giàu tình yêu thương, đức hi sinh, giàu nghị lực. Đằng sau đó, người đọc cũng cảm nhận được một tâm hồn tinh tế, một trái tim đằm thắm, thiết tha của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.