Bài văn đạt giải quốc gia năm 2010 (BÀI LÀM SỐ 3)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia năm 2010 (BÀI LÀM SỐ 3)
Câu 1. Cuộc sống từ trong bản chất là do chính con người tạo nên, ấy thế mà con người thực chất lại hiểu rất ít về “đứa con” của mình. Người ta vẫn cứ sống, vẫn cứ chạy, vẫn cứ quay trong vòng đời bất tận và vẫn cứ quên, từng ngày, từng giờ, từng phút, quên đi rằng mình phải khám phá “đứa con” vô hình ấy: Cuộc sống thực chất là gì? Qua những trang ghi chép cuối cùng của đời mình, Nguyễn Minh Châu đã trả lời câu hỏi đó. Cuộc sống trên bề nổi là cái hối hả, xô bồ, là cái chen chúc bộn bề có những dây người xếp hàng ba, hàng tư dài dằng dặc, như rồng rắn trên những sân ga, là cái nhịp quay cuồng đến chóng mặt và đảo điên của cơ chế thị trường khi con người tung thả mình vào con tàu tốc hành kiếm sống. Chung quanh cái dây người xếp hàng là bạt ngàn những người đang ngồi giữa hàng đống, hàng núi hàng hoá, cuộc sống ấy là cảnh chung quanh chẳng ai đoái hoài, là cái dửng dưng của những người đang trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp trước nỗi đớn đau đến xé ruột vì mất con của một người đàn bà. Vâng, cuộc sống ấy là một sa mạc. Nói cho đúng, cái nắng nóng của sự xô bồ, của gánh nặng đồng tiền trong thời buổi kinh tế thị trường vừa mới chớm đã thiêu đốt đi cái nguồn nước vô giá nhất tình người, lòng nhân ái, để lại sân ga kia và cuộc sống này một sự vô cảm. Con người từ khi còn là một bào thai lớn lên bằng máu mẹ đã được chào đón bằng bao yêu thương, ngóng đợi của những người thân yêu. Đến khi nhìn thấy tia nắng sớm mai của cuộc đời lại được che chở trong những bàn tay ấm áp. Lòng nhân ái mà chính là tình yêu thương con người đã cất tiếng gọi mỗi chúng ta từ khi còn là một sinh linh bé bỏng. Lòng nhân ái là thứ duy nhất khiến một kẻ thù thành một người bạn. Lòng nhân ái là thứ tình cảm thiêng liêng bậc nhất, cứu rỗi linh hồn con người và nâng đỡ thế giới này. Cuộc sống thực chất là một biển yêu thương, nơi người ta có thể trao đi mà không cần nhận lại. Bạn đi tìm lòng nhân ái ở đâu ư? Ở sự chăm sóc ân cần của mẹ cha, hay ở niềm hy vọng trong ánh mắt người thầy? Câu trả lời là ở bất cứ đâu trong cuộc sống, bởi sống là yêu thương! Thế nhưng, thực tế dường như trái lại. Bước vào sân ga kia, tôi, bạn và Nguyễn Minh Châu cùng hỏi: lòng nhân ái ở đâu? Ở sự dửng dưng và vô cảm của con người? Hay ở sự bỏ mặc đầy lãnh đạm không chút tình người của những đồng loại kia? Đau đớn mà đành lòng thừa nhận lòng nhân ái đã không còn giữa sa mạc vô tâm. Cuộc sống trôi đi với những bận bịu, những lo toan, con người ta hoà mình vào dòng chảy mưu sinh mà quên đi rằng cần phải mưu cầu và không bao giờ được phép lãng quên một thứ: lòng nhân ái. Sự khát khao vật chất, sự cầu mong một cuộc sống giàu sang khiến con người ta mù quáng đặt lí trí ở đồng tiền mà đánh rơi trái tim yêu thương vào quên lãng. Trong một câu chuyện cực ngắn đã đoạt giải Nô-ben, vấn để tình người, lòng nhân ái cũng đã được nhắc đến. Trên chuyến tàu tốc hành, có một anh thanh niên nhường chỗ cho bà già, bà già ngạc nhiên bàng hoàng đến ngất đi, rồi bà già tỉnh dậy, cảm ơn anh thanh niên. Câu chuyện là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi người về lòng nhân ái và sự vô cảm. Nó giống như tiếng kêu thất thanh của người mẹ bất hạnh kia: Các ông các bà có ai thương tôi cứu tôi với. Đó không chỉ là tiếng kêu cứu của một người mẹ mất con mà là tiếng kêu cứu của Nguyễn Minh Châu, của bạn, của tôi, của những người còn biết yêu thương hãy cứu lấy thế giới này, một thế giới đang trở thành sa mạc vì thiếu lòng nhân ái. Cái tiếng kêu đau xót đến cháy lòng kia chính là tiếng kêu cứu chính mình của con người đang sống mà quên đi yêu thương. Song, nhìn vào sân ga Hàng Cỏ ngày hôm ấy, nhìn vào cuộc sống này, chúng ta vẫn phải lạc quan mỉm cười vì vẫn có một người như Nguyễn Minh Châu, vì vẫn có một Bin Ghết giàu sang dành toàn bộ tài sản của mình làm từ thiện, vẫn có những người biết yêu thương và trao yêu thương. Thì ra cuộc đời này vẫn còn những tình yêu. Bạn vẫn hạnh phúc vì những lời động viên trước khi lên đường đi chinh phục những niềm mơ ước. Bạn vẫn mỉm cười khi nhận được những sự quan tâm. Bởi vậy, bạn vẫn có thể làm cuộc sống này tràn đầy yêu thương và bừng tinh sau sự mông muội trong những khao khát vật chất. Thấu hiểu và hành động! Đó mới là biểu hiện cao cả và chân thực nhất của lòng nhân ái. Hãy nghĩ đến những yêu thương còn tổn tại trên trái đất này để lấy đó làm điểm tựa khơi nguồn ngọn lửa tình yêu trong mỗi con người như một nhà bác học nổi tiếng đã từng nói: Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên.
Câu 2. Con người từ khi tồn tại và trải qua biết bao lịch sử thăng trầm – đã, đang và sẽ vẫn là thực thể hoàn mỹ nhất và cũng phức tạp nhất. Bởi lẽ đó, sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi con người luôn hiện diện trong mọi bề mặt của không gian cuộc sống ở vị trí trung tâm, và cũng sẽ là dễ hiểu khi ai đó cho rằng: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Đến với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, ta sẽ tìm thấy sự tôn vinh đó, không hiện hình ngay mà mơ hồ, loè nhoè sau màn sương hồng, ẩn hiện… Xưa nay, người ta vẫn đặt ra câu hỏi Nghệ thuật hướng đến đối tượng là gì? và vẫn mải miết đi tìm câu trả lời bằng những tác phẩm nghệ thuật chân chính nhất. Nếu các nhà mỹ học, duy tâm khách quan cho rằng, nghệ thuật hướng đến cái đẹp của thế giới vĩnh hằng, thế giới của ý niệm tổn tại trước con người thì các nhà mĩ học duy vật chủ quan lại nghĩ rằng đối tượng của nghệ thuật nằm trong chính cái chủ quan bên trong mỗi người nghệ sĩ. Bác bỏ hết những luận điểm phiến diện trên, nhà dân chủ cách mạng Nga Séc-nư-sép-ski phát biểu: Phạm vi của nghệ thuật là tất cả những gì có trong hiện thực (trong thiên nhiên và trong đời sống) làm con người quan tâm nhưng đó không phải cái quan tâm của một học giả mà là cái quan tâm của con người bình thường. Văn học cũng như nghệ thuật, luôn hướng đến cái đẹp của đời sống, đến những bụi vàng của cuộc đời, nhưng dù đó có là cái đẹp như thế nào, dù những bụi vàng ấy có thể được tìm thấy ở bất cứ ngõ cạnh nào, chúng vẫn phải gắn liền và liên quan tới con người. Nếu các ngành khoa học nghiên cứu bản chất con người như một sinh vật cao cấp thì văn học nghệ thuật lại tìm đến con người để khám phá mối quan hệ giữa thực thể phức tạp này với môi trường thế giới xung quanh. Điều này đúng ở cả thời kì trung đại, khi mà tính phi ngã trở thành một đặc điểm cơ bản chi phối mọi sáng tác thơ văn, khi mà một người con gái đẹp đến nghiêng nước, nghiêng thành vẫn phải hiện diện qua cái chuẩn mực là thiên nhiên (Làn thu thuỷ nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh). Như nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du thì con người ấy, cuộc đời mười lăm năm lưu lạc đoạ đầy ấy vẫn cứ là đối tượng để bậc đại thi hào nhỏ giọt lệ sầu mà than: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Trong tập thơ Khối vuông ru-bic, Thanh Thảo đã viết như một quan điểm có tính tranh luận cho bản thân, và có lẽ cũng là cho tất cả những thế hệ cầm bút. Người ta đã nhìn trái đất từ nhiều hướng nhưng trái đất vẫn chưa được khám phá hết. Người ta đã thăm dò con người bằng nhiều cách nhưng con người vẫn là một khôi bị mật. Làm sao anh nói thơ đang chết? Phải chăng, đấy cũng là lí đó chính đáng nhất cho lời phát biểu có phần mạnh mẽ của Xan-tư-khốp Sê-đrin: Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chính mình nó không thừa nhận cái chết. Có thể nói, chừng nào con người còn sống, còn biết yêu thương căm hờn, chừng nào cuộc sống vẫn là một khối ru-bích với những mảnh ghép cuộc đời đầy những gam màu sáng tối quay quanh một trục chính không bao giờ thay đổi là con người, thì chừng ấy, văn học vẫn tồn tại và phát triển. Bởi xét đến cùng, nghệ thuật là chiếc kính hiển vi để nhà văn soi vào những bí ẩn chung của mọi người (Pau-xtốp-ski). Cái bí ẩn đó chính là bản chất nghệ sĩ, là cái đẹp viên mãn trong mỗi con người mà văn học nghệ thuật phải khám phá, kiếm tìm. Do vậy, tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Hoài Thanh đã từng viết trong cuốn Nam Cao – Những tác phẩm tiêu biểu trước 1945 như sau: Một người sinh ra với một tâm hồn kì dị, một mối tình cảm nồng nàn thêm trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Ngay từ khi còn bé, trong lúc những trẻ em cùng một tuổi chỉ biết nô đùa, có khi, người ta thấy nó ngồi trấm ngầm hàng giờ, hai mắt mơ màng như ở trong một thế giới khác. Hơi gió thoảng, tiếng chim kêu, một người rách rưới lê gót bên vệ đường, bao nhiêu điều người đời không để ý đến đều để lại trong nó những tiếng vang không dứt, những vết thương không bao giờ lành. Nó khóc, nó cười, lắm khi không vì nó, không vì những người chung quanh nó mà vì những người, những cảnh đâu đâu trong trí tưởng tượng. Tâm hồn nó như ngọn núi lửa chỉ chờ dịp tung ra những dòng nước lứa, những tác phẩm bất hủ. Nhắc lại ý của M. Go-rơ-ki: Bản chất mỗi con người đều là nghệ sĩ. Cái bản chất ấy hoá ra lại là ở cái khóc, cái cười, ở cái ngọn núi lửa tâm hồn Hoài Thanh nhắc đến, mà tôi cho rằng đó là tình người và lòng tin. Bởi như GS. Hoàng Ngọc Hiến đã từng nói: Tình thương là năng lực nhân tính bất diệt của con người và Lòng tin là trái tim của văn học nghệ thuật, con người vốn không đơn trị, nhất phiến mà đa trị, đa diện, lưỡng phân. Trong con người lẫn lộn giao tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ, cao cả và tầm thường. Sự khám phá một cách toàn vẹn nhất về con người đã được thể hiện khá tiêu biểu qua những sáng tác sau 1975, khi không khí “dân chủ hoá” bao trùm cả thời đại. Phải nhìn nhận con người ở góc độ đó thì mới thấy hết được cái “chân chính” của một tác phẩm thực chất là tình yêu và lòng tin của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là lí do tôi chọn Chiếc thuyền ngoài xa – một tác phẩm chứa đầy những nghịch lí trong bản thể con người để làm một minh chứng xác đáng nhất cho sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Chiếc thuyền ngoài xa mở đầu là một cái cớ, phóng viên Phùng – theo ý cấp trên về một vùng duyên hải để tìm kiếm, phát hiện và chụp những bức ảnh thật độc đáo và đặc sắc. Cái cớ này thực chất là để bắt đầu một câu chuyện, đầy nghịch lí và cả những nhận thức, vỡ lẽ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào… Một cảnh tượng toàn bích đến nỗi người phóng viên cảm tưởng như đã khám phá được cái vẻ đẹp đích thực của chân – thiện – mĩ và cái trong sáng vô ngắn của tâm hồn con người. Trong lòng nhân vật dậy lên một tình yêu và một niềm hạnh phúc lớn lao vỡ oà trước cái cảnh trời cho ấy. Thế nhưng, đằng sau cái cảnh đẹp vĩnh hằng ấy là gi? Đó là một cảnh tượng hãi hùng mà ngay sau đấy, Phùng được chứng kiến rõ nét, đập thẳng vào mắt Phùng chứ không mơ hồ như cảnh chiếc thuyền ngoài xa. Cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã mở ra cả một chân trời cho người phóng viên khám phá, đó gọi là một khoảnh khắc mà khi ấy, cuộc sống đậm đặc nhất, có ý nghĩa nhất, khoảnh khắc đáng giá một đời người, một đời nhân loại (Nguyễn Minh Châu). Tình huống nhận thức này đã mở ra biết bao suy tư và vỡ lẽ. Đằng sau chiếc thuyền ẩn trong làn sương sớm đẹp vô ngần… là cảnh bạo lực gia đình với một người chồng vũ phu hành hạ vợ rất đỗi tàn nhẫn. Và đằng sau cái tình huống lớn ấy sẽ là một loạt những tình huống nhỏ tiếp theo, một loạt những cái “đằng sau… là…” tiếp nối: Đằng sau cái khuôn mặt rỗ, cái vẻ bề ngoài xấu xí của người đàn bà hàng chài trạc ngoài bốn mươi lại là cái đẹp mà nói như cách của Nguyễn Minh Châu: Cái hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người. Hạt ngọc ấy toả sáng lánh ở sự cam chịu, ở đức hi sinh của một người phụ nữ mang nặng trên vai cái gánh nặng không cùng – mẹ của một đàn con. Thì ra, đằng sau cái vô học của một người đàn bà bị chồng đánh năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ ấy lại chính là sự từng trải và thấu hiểu sự đời hơn bao giờ hết, hơn cả anh trí thức đã từng biết đến đạn bom và cái đau khổ đắng cay của cuộc đời người lính: Các chú đâu có phải là người làm ăn… các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Đằng sau câu nói ấy là cái lẽ đời mà người đàn bà hàng chài đã hiểu thấu đến tận xương tuỷ. Bởi trên chiếc thuyền lênh đênh giữa sóng nước và bão tố đại dương, không thể thiếu một người đàn ông nắm vững mái chèo. Bởi mang thiên chức là một người mẹ trên cuộc đời này, chị phải sống cho các con chứ không thể sống cho mình. Bởi sau cái đau đớn xác thịt mỗi lần bị đòn chồng, chị vẫn thấy niềm hạnh phúc pha lẽ mong manh trong ánh mắt long lanh khi nhìn những đứa con được ăn no. Phùng, Đẩu và có là cả chúng ta sẽ phải giật mình. Giật mình trước sự chín chắn, sâu sắc lẽ đời, luật đời của người phụ nữ. Giật mình trước sự hoán ngôi ngẫu nhiên khi người đàn bà hàng chài trở thành chánh án cuộc đời. Giật mình trước hạnh phúc xót xa khi tìm thấy một vẻ đẹp khuất lấp đầng sau bao nhọc nhằn khổ ải của cõi nhân sinh… Đúng như Thạch Lam đã nỏi: Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật tầm thường. Công việc của nhà văn là hiểu cái đẹp ở chỗ mà không ngờ tới, tìm kiếm cái đẹp kín đáo và che lấp, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức. Xoá mờ đi cái mơ hồ, loè nhoè của màn sương hồng sớm mai, chẳng phải Nguyễn Minh Châu đã tìm ra cái đẹp khuất lấp trong thầm sâu con người, đã tôn vinh con người một cách đầy cảm phục đó sao?
Chính C. Mác đã khuyên những người nghệ sĩ hãy thọc tay vào đáy cuộc sống, vào tận sâu cuộc đời, ở đó, anh sẽ tóm được những điều thú vị. Sự cảm thông cho một người chồng từ anh chàng hiền lành thành một kẻ vũ phu có lẽ chính là cái thú vị, cái đẹp tiếp theo đằng sau ấy… Người đàn bà vô học đã không chỉ hiểu cái khốn khổ lay lắt đè bẹp bao kiếp người nổi trôi trên sóng cả đại dương, thấm thía cái muối mặn cuộc đời mà còn hiểu và cảm thông cho cả những nạn nhân của đói nghèo và sự tối tăm nhận thức. Người chồng ấy đánh vợ mà như cũng tự hành hạ mình khi ông ta cũng nhăn nhó, cũng đau đớn, cũng rên xiết. Người chồng ấy đánh vợ và coi đó như một lẽ tự nhiên, một điều thường tình mà không một bộ luật nào trong tâm thức y có thể ngăn cản. Cái đói, cái nghèo, cái khổ đã nhấn chìm con người ta trong sự mông muội kéo dài, đã làm lấn át đi cái tình người trong bản chất, đã đày đoạ thế xác và cả tâm hồn của một người đàn ông. Đau đớn mà cam chịu, bởi người đàn bà ấy hiểu, hiểu tất cả và quyết không bỏ chồng. Lật mở từng tấc đất cuộc đời để nhìn vào cái dòng ngầm trong mỗi con người, ta lại càng giật mình trước người phụ nữ ấy. Cái gì đã làm nên sức mạnh phi thường đó, cái gì đã trở thành tấm áo bào che chắn mọi đau thương? Khám phá vĩ đại và bất diệt của Nguyễn Minh Châu, nhà văn mải miết với cái đẹp (Tô Hoài) chính là tình yêu – cái “bản tính tốt đẹp của con người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” mà Nam Cao cũng đã đi tìm cả một đời mình. Kiếm tìm, phát hiện và trình bày cho người ta thấy vẻ đẹp vĩnh hằng của tình yêu thương ngay cả ở chỗ con người không được thương yêu và dường như không có lí do để yêu thương – Phải chăng đó chính là sự tôn vinh con người trong tác phẩm văn học chân chính: Chiếc thuyền ngoài xa? Trong một truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp có viết đại ý như sau: Mọi thiết chế xã hội đề ra, đều chật hẹp so với những khát khao nhân bản miên viễn của nhân loại. Cái bi, cái hài có cả ở đấy, mọi sự cao cả giữa chốn trần tục… Nói cho đến cùng, tất cả các tác phẩm chân chính đều niềm tin, là sự khát khao những cải nhân bản đó. Và bằng lòng tin của mot nhà văn suốt đời trăn trở cho nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã làm được điều đó khi sinh thành đứa con tinh thần Chiếc thuyền ngoài xa. Song một câu thơ hay với ý tưởng cao cả và sâu sắc cũng sẽ vẫn làm chối tai ta bằng sự méo mó. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật dich thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung. Sự huỷ diệt về hình thức cũng giống như sự huỷ diệt về nội dung và ngược lại (Bi-ê-lin-xki). Những nội dung tư tưởng hết sức nhân bản và cao đẹp của Nguyễn Minh Châu hån sẽ trở thành “sự thô bỉ”(Gớt-tơ) nếu mang một hình thức khác – không phải- mà Bùi Việt Thắng cho là “cái tinh anh của nhà văn và tinh hoa của tác phẩm” đã cô đặc và chứa đựng trong đó tất cả những gì là cuộc sống được “tinh lọc” qua con mắt Nguyễn Minh Châu, để Chiếc thuyền ngoài xa có thể gây một ấn tượng liền mạch duy nhất vào tâm trí và nhận thức của bạn đọc. Bên cạnh đó, sự phát triển và chọn lựa của tình huống nhận thức cũng góp phần quan trọng vào mạch phát triển của câu chuyện – gây ra những hiệu ứng bất ngờ, những vỡ lẽ trong chiều sâu nhận thức, khiến người đọc dần dần được khai sáng trong chính những bản tính đẹp đẽ nhất của loài người. Nói tóm lại, sự thống nhất, hoà trộn đến tan biến ở cấp độ nhỏ nhất là chi tiết giữa nội dung và hình thức cũng là cái mà một tác phẩm nghệ thuật luôn phải hướng tới. Bởi tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Gớt-tơ đã từng nói về Bét-thô-ven như sau: Ông đã có cái ánh sáng dẫn đạo của một thiên tài lỗi lạc, soi sáng ông như một làn chớp. Trong khi đó, chúng ta mò mẫm trong bóng tối và tìm kiếm kẽ hở từ ánh sáng đó. Không phải nghệ sĩ nào cũng là Bét-thô-ven nhưng mọi tác phẩm chân chính đều ra đời trong “làn chớp” đó – làn chớp của tài năng, tâm huyết của một con người mà thực chất: Suốt cuộc đời chỉ làm một việc: đem máu thịt và tâm hồn mình vào tác phẩm (Mạc Ngôn). Nguyễn Minh Châu – người luôn quan niệm khi có sự nhào nặn đến tan nhuyễn giữa triết lý và đời sống là khi nhà văn có thể đem đến cho bạn đọc “một cái gì đó nằm ngoài chữ nghĩa” hắn đã sáng tác trong làn chớp ấy. Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào năm 1983, là thời kì mà văn học đã bước sang một chặng đường mới. Đại thắng mùa xuân 1975 đã mang lại độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc. Những khó khăn của thời kì hậu chiến, di chứng chiến tranh vẫn còn hiển hiện trong mỗi cuộc đời; hố bom chiến tranh đã được lấp bằng những mảnh đất chiến tranh vẫn chưa thôi rỉ máu đau đớn trong tâm hồn, con người đã phải quày quả kiếm tiền, đối mặt với cơ chế thị trường hấp dẫn quyến rũ mà khắt khe nghiêm ngặt. Đối mặt với tất cả và với chính mình. Cuộc sống hiện tại bao ngổn ngang bề bộn đã kéo văn học từ khuynh hướng sử thi (thời kì 1945 – 1975) xuống gần hơn với đời sống thế sự, để nhìn kĩ hơn vào con người thật từ những tầng diện phong phú nhất. Sự khám phá và tìm kiếm những hạt bụi vàng còn sót lại đằng sau cái bề ngoài dị nghịch trong nhân vật người đàn bà của Nguyễn Minh Châu xuất phát từ môi trường đó. Với tôi, một tác phẩm văn học chân chính không thể chỉ đơn giản là tôn vinh con người bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, ở những vẻ đẹp hiển hiện rõ ràng mà đó phải là sự tôn vinh cái đẹp tiềm tàng và ẩn khuất giữa những xấu xa, cặn bã, là sự tôn vinh hàm chứa niềm thương và lòng tin. Đó chính là sự tôn vinh chân chính và cao cả nhất. Một người bạn đã từng nói với tôi rằng: Tớ hiểu và tớ biết rằng văn học cho tớ sự chín chắn, trải nghiệm và con mắt tươi đẹp, lạc quan trước cuộc đời, con người và tớ trân trọng điều đó hơn bất cứ thứ vật chất nào. Mỗi lần đến với một tác phẩm văn học chân chính như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, tôi lại nghĩ đến và suy nghĩ về lời nói đó. (Bài đoạt giải Nhất – 17/20 điểm)
NHẬN XÉT
Bài làm đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Bài viết đã cơ bản luận bàn về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người trong cuộc sống ở nhiều phương diện như biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa hoặc tác hại. Đáng khen ở chỗ dù là văn nghị luận xã hội nhưng bài viết không khô khan mà giàu hình ảnh và cảm xúc. Có những đoạn viết khá sắc, như: Cuộc sống trên bề nổi là cái hối hả, xô bồ, là cái chen chúc bộn bề có những dây người xếp hàng ba, hàng tư dài dằng dặc, như rồng rắn trên những sân ga, là cái nhịp quay cuồng đến chóng mặt và đảo điểm của cơ chế thị trường khi con người tung thả mình vào con tàu tốc hành kiếm sống.. Tuy nhiên, bài viết còn một vài điểm yếu khá rõ. Vấn đề nghị luận được đưa ra bắt nguồn từ một câu chuyện, người viết trong quá trình nhận thức đã không tóm lược ngắn gọn những sự kiện chính của câu chuyện khiến việc triển khai luận điểm chưa thực sự sáng rõ. Văn có màu sắc riêng nhưng nhìn chung toàn bài ý còn sơ sài. Tiếc thay. Câu 2 viết tốt hơn câu 1. Người viết có kiến thức lí luận văn học sâu và rộng, biết vận dụng một cách linh hoạt trong việc cắt nghĩa và bàn luận về lời nhận định được nêu ở để bài cũng như việc kết hợp với phần cảm thụ tác phẩm để minh chứng cho vấn để, thể hiện một lối viết riêng, đậm đà chất văn. Người viết cơ bản đã hiểu đúng lời nhận định: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Người viết cũng nhận thấy quan hệ biện chứng của vấn đề: sự tôn vinh được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật độc đáo; và, những hình thức nghệ thuật độc đáo được sáng tạo ra bao giờ cũng nhằm mục đích cốt yếu là tôn vinh con người. Người viết cũng đã có ý thức bám sát vào phần kiến thức lí luận về tác phẩm văn học, từ đó luận bàn đến tính chỉnh thể của một tác phẩm văn học chân chính. Trong đó, nội dung và hình thức hoà hợp với nhau để tạo nên một chỉnh thể sống động. Phần cảm thụ tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định, người viết khá tinh tế khi chọn truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu và khá sâu sắc khi phân tích, thẩm bình làm nổi bật lên giá trị nhân văn của thiên truyện. Tuy nhiên, nên tránh tình trạng tham phô kiến thức, dùng chữ cầu kì khiến văn nhạt về ý. Câu văn cuối phần mở bài viết hơi phô: Đến với “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, ta sẽ tìm thấy sự tôn vinh đó, không hiện hình ngay mà mơ hồ, loè nhoè sau màn sương hồng, ẩn hiện… Diễn đạt lưu loát và linh hoạt, văn viết trí tuệ, thể hiện một giọng điệu riêng đáng trân trọng.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|