Bài văn đạt giải quốc gia năm 2013 (BÀI LÀM SỐ 3)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia năm 2013 (BÀI LÀM SỐ 3)
Câu 1. Thị thành, 2013. Lan, Đọc thư của cậu, tôi băn khoăn suy nghĩ mãi về sự học đối với mỗi con người. Học tập bồi đắp tri thức là việc cần thiết muôn đời, với riêng chúng ta hay tất cả mọi người. Càng ý thức sâu sắc về sự học, tôi càng thấm thía câu nói của Fu-ku-za-wa Yu-ki-chi: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền mà không ai có thể tước bỏ. Ai cũng có quyền sống, quyền được hạnh phúc và tự do theo ý riêng của bản thân mình. Đó là một điều đúng đắn đã ghi vào lịch sử của nhân loại. Ai sinh ra cũng có sự bình đẳng như ai, không kém hơn về quyền lợi, nhưng Yu-ki-chi đã nhấn mạnh “nếu có khác biệt là do học vấn”. Điều đó khẳng định rằng: học vấn có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Học vấn chính là thước đo để khẳng định quyền lợi của mỗi con người và vị thế của chính bản thân họ trong xã hội. Tôi thấy có những vùng quê trên thế giới con người còn nghèo nàn, đời sống còn lạc hậu, kém phát triển. Ngay trong chính đất nước mình, trên những nẻo đường quê hương tôi học tập, vui chơi, tôi cũng chứng kiến biết bao mảnh đời nhọc nhằn, vất vả, lam lũ, là những cô gái bán hàng rong khắp ngõ phố, những đứa trẻ nghèo đi nhặt vỏ lon, quét rác qua ngày… Họ sinh ra đều có quyền bình đẳng như mỗi chúng ta nhưng cái khác biệt phải chăng là do trình độ học vấn của mỗi người? Học vấn có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Nó là tri thức, là sự hiểu biết vể các lĩnh vực đời sống, là trình độ tư duy, nhận thức của con người trong mọi hoàn cảnh. Học vấn rất cần thiết khi nó khẳng định năng lực của mỗi người. Qua sách vở, bài tập, ta bồi đắp thêm tri thức, thêm sự hiểu biết về văn hoá của một vùng miền, về sự ra đời, nguyên lí của mọi sự vận động nội tại trong xã hội. Các bộ môn khoa học không chỉ bồi đắp tri thức, năng lực tư duy mà còn mang lại cho con người tình yêu, niềm say mê với môn học, một tấm lòng cao cả biết sống vì các giá trị nhân văn. Giá trị của học vấn là thế, chính bởi vậy mà con người cần có ý thức hồi đắp tri thức, nhận thức của bản thân mình. Có một trí tuệ sáng láng, một tấm lòng tốt đẹp, con người mới giành được quyền lợi và sự đánh giá cao của mọi người đối với bản thân trong cuộc sống. Lan ạ, bạn hãy nhìn ngoài kia, có biết bao mảnh đời cũng cơ cực, nghèo khó. Họ cũng là người, cũng cùng chung màu da, dân tộc với ta, cũng được sinh ra với đủ đầy các bộ phận trên một cơ thể. Không hể có sự khác biệt nhưng địa vị xã hội, sự tôn trọng của mỗi người dành cho họ và chúng ta khác nhau. Đó là sự khác biệt về học vấn. Học văn là tiêu chí để đánh giá con người đúng đắn, nhất là trong xã hội hiện nay. Đất nước mở cửa theo cơ chế thị trường toàn cầu hoá. Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, yêu cầu đặt ra cho mọi con người cũng được nhấn mạnh hơn. Đã xa rồi, thời kỳ chỉ có nam nhi mới được đi học, phụ nữ ở nhà nội trợ, bôi đắp cái công – dung – ngôn – hạnh, xã hội hiện nay đặt ra cho tất cả mọi người, không phân biệt gái – trai, sang – hèn đều phải có trình độ, có học vấn. Không học vấn, không hiểu biết bạn sẽ chẳng làm được gì cả, và tất yếu ngườmg cửa vào tương lai sẽ đóng sập trước bạn. Một xã hội văn minh là xã hội không chấp nhận sự kém cỏi, ngu dốt, mông muội. Người kém cỏi, không học vấn sẽ bị xã hội đào thải và trở thành một người thừa vô ích. Lê-nin đã nhấn mạnh: “Học, học nữa, học mãi”. Sự học không phải là việc của ngày mai, ngày kia, cũng chẳng phải là thích lúc nào thì học. Sự học là việc của cả đời. Học không chỉ là tiếp thu tri thức trong sách vở, nhà trường mà học còn là bồi đắp vốn sống ngoài thực tế. Tri thức trong sách vở rất quan trọng, cho con người ta hiểu biết, năng lực tư duy, sáng tạo. Nhưng vốn sống ngoài đời thực cũng cần thiết không kém. Cũng như người viết văn nếu không có vốn sống thực tế thì cũng chẳng thể viết văn hay, nói như Lê Quý Đôn thì: “trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. “Học đi đôi với hành”, học tập trong sách vở rồi vận dụng trong đời sống, mở mang tư duy, trình độ, con người mới đạt được thành công. Kẻ mà chỉ biết đắm chìm trong những công thức, bài tập khô khan sách vở mà không có sự trải nghiệm trong thực tế thì sẽ không có được trình độ nhất định vững bước vào đời. Mỗi người sinh ra trên đời đều có quyền riêng cho bản thân mình: được tự do để sẵn sàng lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, một cách sống độc lập. Ai cũng có quyền bình đẳng cho riêng mình. Muốn cho quyền ấy được bền vững, chắc chắn, mỗi người phải có một trình độ học vấn cho riêng mình. Học vấn, sự hiểu biết sẽ cho con người kiến thức nhất định về cuộc đời, sự bình tĩnh đối mặt trước mọi khó khăn, biến cố trong cuộc sống. Tôi nhớ thảm hoạ sóng thần – động đất đã xảy ra ở Nhật Bản năm trước. Nếu không có sự hiểu biết nhất định về cách vượt qua, sống sót trong thảm hoạ, sự bình tĩnh dám chấp nhận, đương đầu để vượt qua thì chưa chắc con người và đất nước Nhật Bản đã có được một tinh thần dũng cảm, tự cường, biết đứng lên sau mất mát như vậy. Học vấn, trình độ sẽ giúp con người bình tĩnh để đối mặt với những đau thương mất mát, biết dũng cảm tự cường để vươn lên. “Học vấn không có quê hương”. Mỗi con người cần phải có sự học hỏi, tiếp thu văn hoá từ nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi lãnh thổ, mỗi vùng đất đều có một bản sắc, một nét riêng đáng quý cho con người học hỏi, là nét thanh lịch, quý phái hay sự kiên cường, dùng cảm. Mỗi chúng ta cần phải biết tiếp thu, học hỏi văn hoá từ các dân tộc về làm giàu cho tri thức của bản thân mình. Hoà nhập nhưng không phải là hoà tan, giao lưu văn hoá, học hỏi nhận thức của nhân loại song mỗi người cũng vẫn luôn phải giữ cho mình một nét riêng độc đáo mà không thể lẫn với bất kì ai khác. Hiểu giá trị của học vấn thì cả bạn và tôi, mỗi chúng ta đều cần phải bồi đắp cho mình một tư duy, một trình độ nhất định qua sự học. Học tập là công việc cả đời, không ngừng nghỉ và mỗi chúng ta cần có ý thức học tập, rèn luyện, trau dồi nhận thức, tình cảm. Nhà bác học Đác-uyn nhận thức: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Ngay cả khi đã thành công trong sự nghiệp, con người vẫn không thể lơ là học tập mà phải luôn nỗ lực, bồi đắp không ngừng. Trong thực tế cuộc sống, tôi nhận ra chúng ta cần phải phê phán những con người lười nhác, không có sự vận động tư duy, trí tuệ cho bản thân mình cũng như đề cao, trân trọng những người luôn có ý thức phấn đấu, học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức cho bản thân. Luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi sáng tạo, mỗi người mới vốn sống cho riêng mình và làm nên tương lai thiết thực cho bản thân. Với riêng tôi, đã có những lúc tôi lười biếng, mải chơi không nỗ lực học hành, cũng có lúc ngại khó trước mỗi bài tập, ngại khổ khi đi học trong những ngày mưa rét. Tôi đã từng lãng quên, vô trách nhiệm với việc học cho riêng mình. Và ngày hôm nay, tôi hiểu rằng: “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tôi sẽ luôn cố gắng học hành, trau dồi rèn luyện để đạt kết quả tốt trong học tập, bồi đắp một hành trang tri thức đáng quý cho bản thân. Sự học như con sông mênh mông không bờ không bến. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, luôn nỗ lực học tập, trau dồi ta sẽ có được kết quả xứng đáng. Và đúng như ý kiến của Yu-ki-chi, sẽ khẳng định được quyền lợi, vị thế xã hội của mỗi chúng ta. Học vấn như đôi cánh chim. Hãy nuôi dưỡng hằng ngày cho đủ lông mạnh cánh để có thể bay cao, bay xa trên bầu trời tương lai. Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống! Bạn thân.
Câu 2. “Thế giới không chỉ được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Người nghệ sĩ đến với cuộc đời, mang lại cho văn chương một phần đời riêng với những sáng tạo của riêng mình. Sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, độc đáo ấy có đôi khi không phải ở hình tượng con người mà ở hình tượng các đổ vật, sự vật. Đó có thể là một thứ thuốc chữa bệnh quái lạ trong Thuốc của Lỗ Tấn, là bức thư pháp đẹp và quý trong trang văn Chữ nguời tử tù của Nguyễn Tuân, là một công trình kiến trúc kì vĩ, tinh xảo qua vở kịch nổi tiếng Vũ Như Tộ của Nguyễn Huy Tưởng và cũng có khi nó là một cây đàn huyển thoại trong trang thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo… Những đổ vật, sự vật ấy phải mang ý nghĩa biểu tượng cho nhận thức, nhân cách, ý chí, khát vọng, số phận… của con người. Văn học là nghệ thuật ngôn từ phản ánh thế giới bằng những hình tượng nghệ thuật. Ngôn từ là chất liệu để làm nên hình tượng. Đó phải là thứ ngôn ngữ đặc biệt, mang những đặc tính riêng là tính biểu cảm, tính hàm súc, tính cá thể hoá và đặc biệt là tính phi vật thể… Ngôn ngữ văn học khác hẳn với ngôn ngữ của đời thường, quy định để tạo nên hình tượng nghệ thuật. Hình tượng là sự mô phỏng đối tượng con người và đời sống khách quan nhưng qua hình tượng ấy phải nói lên dược tư tưởng và nhận thức mà nhà văn, nhà thơ gửi gắm. Các hình tượng nghệ thuật phải giàu ý nghĩa biểu tượng. Mỗi hình tượng nghệ thuật khi ra đời phải là kết quả của sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ viết tác phẩm là sự tái hiện, mô phỏng thế giới khách quan, viết về hiện thực nhưng phải qua lăng kính chủ quan của cá nhân mình, thấm nhuần cái giọng riêng của bản thân. Nghĩa là người ấy đã mang cá tính, mang một phần của đời mình bồi đắp vào cuộc đời xung quanh qua các hình tượng nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật là sự tìm tòi, đổi mới trong nghệ thuật, trong cách xây dựng hình tượng, sử dụng câu chữ, từ ngữ để mô phỏng, tái tạo đời sống. Sáng tạo độ đáo trong nghệ thuật không nhất thiết phải là hình tượng con người – độc đáo, đặc sắc, như Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang văn Nam Cao hay người lính hào hùng bi tráng, hào hoa lãng mạn mang vẻ đẹp một thời Tây Tiến trong trang thơ Quang Dũng… Cũng có khi sáng tạo nghệ thuật độc đáo, quan trọng là ở hình tượng đồ vật, sự vật vốn tưởng như vô trị, vô giác. Từ cây chuối đời thường trong thơ Nguyễn Trãi, miếng trầu đơn sơ trong thơ Hồ Xuân Hương cho đến bức thư pháp trong trang văn Nguyễn Tuân, cây đàn huyền diệu trong thơ Thanh Thảo… đều cho thấy sự quan trọng, giá trị không nhỏ của các hình tượng đồ vật, sự vật trong việc làm nên giá trị cho tác phẩm văn chương. Phải chăng cốt lõi của văn học là ở đó? Không phải cao xa, mơ mộng mà là đời sống giản dị quanh ta, từ những điều bình dị mà ý nghĩa nhất của cuộc sống. Các hình tượng ấy đi vào trong văn học trở thành những biểu tượng có giá trị. Nó phải mang ý nghĩa biểu trưng cho nhận thức, nhân cách, ý chỉ, khát vọng, số phận… của con người. Nghĩa là sáng tác ấy phải chứa đựng tư tưởng tình cảm và sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ đối với con người và cuộc đời, bởi vì “niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người mở đường cho cải đẹp, của người biết đi tới tương lai”. Có thể nói một bức thư pháp đẹp, quý trong sáng tác của Nguyễn Tuân và cây đần huyền diệu qua trang thơ của Thanh Thảo đích thực là những hình tượng đồ vật, sự vật độc đáo, đặc sắc. Hai hình tượng ấy đã thực sự là biểu tượng cho nhận thức, nhân cách, ý chí, khát vọng… của con người được tác phẩm phản ánh, ngợi ca, góp phần bộc lộ tư tưởng của người nghệ sĩ và làm nên thành công của hai áng văn. Bức thư pháp đẹp và quý là một hình tượng nổi bật trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác “nguyện suốt đời đi tìm cái đẹp”. Ông đã nâng cái đẹp lên thành tôn giáo chí cao của mình. Cái đẹp mà văn sĩ lãng mạn Nguyễn Tuân tôn thờ chính là cái đẹp thực sự bất chấp mọi lề thói, phép tắc của luân lí và quy định xã hội. Bởi thế cho nên, ngòi bút của ông trước Cách mạng thường hướng về tìm kiếm vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng và nhân cách thanh cao, bất khuất của con người. Chữ người tử tù là một truyện ngắn như thế. Bức thư pháp đẹp minh chứng cho nghệ thuật xưa với những con chữ đẹp, bay bổng mà Nguyễn Tuân khát khao tìm kiếm. Bức thư pháp ấy đã kết tính tài năng và tình cảm của Nguyễn Tuân với con người và cuộc đời. Cũng qua bức thư pháp ấy, nhà văn đã cho thấy nhân cách thanh cao, chí khí bất khuất của ông Huấn Cao, nhân vật trung tâm của thiên truyện. Huấn Cao là một người có khí phách kiên cường, không sợ bạo lực, cũng chẳng vướng bận vào tiền tài danh vọng. Ông mang vẻ đẹp của một người anh hùng chí lớn mà thất thế, không gặp thời. Song Huấn Cao đồng thời cũng là một con người tài hoa có thiên lương trong sáng. Ông có cái tài viết chữ “rất hay và rất đẹp” được người đời ca ngợi. Những con chữ của ông là những nét chữ vuông vắn, tươi tắn” chứa đựng “hoài hão tung hoành” ngang dọc của con người và đã thực sự trở thành mơ ước lớn lao của cả một đời quản ngục. Ông đã khẳng định: “ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ”. Vì một thiên lương cao cả, một tấm lòng của người tài trước kẻ tri âm như quản ngục mà Huấn Cao đã viết bức thư pháp. Bức thư pháp đẹp đẽ ấy là nhân chứng sáng soi cho thiên lương trong sạch của Huấn Cao, cho tấm lòng trọng người tài và sở nguyện cao quý của quản ngục trong cảnh lao tù tăm tối. Đồng thời bức thư pháp trong trang văn Nguyễn Tuân cũng biểu tượng cho sự nhận thức của con người về cuộc đời. Bức thư pháp ấy là phương tiện gửi gắm tấm lòng của Huấn Cao dành cho quản ngục: “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người”. Quản ngục phải “thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”… bởi nếu không thi sẽ “nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Đó là tấm lòng của một kẻ tri âm dành cho người tri kỷ, mong muốn gìn giữ một tâm hồn, một nhân cách trong sáng, tốt đẹp trong nhơ nhuốc, tối tăm của ngục tù. Đó cũng chính là cái nhìn rất nhân bản của Nguyễn Tuân: mong muốn gìn giữ nhân cách cho con người, khám phá vẻ đẹp của con người bất chấp hoàn cảnh, thử thách. Đồng thời bức thư pháp đẹp của Huấn Cao cũng thể hiện mối quan hệ giữa cái tài với cái tâm, giữa cái đẹp và hoàn cảnh. Tài tâm phải thống nhất để cùng sáng tạo cái đẹp, cái thiện. Cái đẹp có sức mạnh cứu vớt, thanh lọc tâm hồn con người và vượt lên hoàn cảnh, không thể chung sống với hoàn cảnh. Đó là chiều sâu tư tưởng rất nhân bản của Nguyễn Tuân. Như vậy, từ một bức thư pháp đẹp đẽ, sang trọng, Nguyễn Tuân đã chất chứa trong nó sức gợi lớn lao: biểu tượng cho nhân cách, tài năng của Huấn Cao và tâm hồn quản ngục, mang giá trị nhận thức sâu sắc về tư tưởng nhân bản của nhà văn. Hình tượng ấy đã được xây dựng thông qua một loạt các hình ảnh, ngôn từ giàu sức gọi, đậm không khí cổ xưa, giọng điệu trầm lắng, đĩnh đạc. Nó đã góp phần khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân. Cùng với hình tượng bức thư pháp trong trang văn Nguyễn Tuân, hình ảnh cây đàn ghi ta cũng là biểu tượng đẹp đẽ trong trang thơ Thanh Thảo. Nó là minh chứng cho tài năng và sự tìm tòi sáng tạo của nhà thơ. Là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đi qua chiến tranh, về với thời bình, Thanh Thảo có sự tìm tòi đổi mới về hình thức biểu đạt của thơ ca. Mang hình thức tượng trưng ru-bích – hỗn độn ở bề ngoài và thống nhất ở bề sâu, bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca là một sáng tác tiêu biểu cho sự tìm tòi đổi mới của Thanh Thảo. Từ cảm hứng đặc biệt trước nhân cách và cuộc đời của Lor-ca – nhà thơ lớn của Tây Ban Nha, Thanh Thảo đã sáng tác bài thơ này. Hình tượng cây đàn là một sáng tạo nổi bật độc đáo của nhà thơ. Cây đàn ghi ta chính là biểu trưng cho cuộc đời và sự nghiệp của Lor-ca, là thế giới nơi ông sống và sáng tạo. Thanh Thảo đã xây dựng hình tượng ấy mang nét đẹp tuyệt vời cho nhân cách, tài năng, số phận của một thiên tài, qua đó gửi gắm tình cảm, cảm xúc của mình. Cây đàn ghi ta là biểu tượng cho Lor-ca. Cây đàn, tiếng đàn là tổng hợp của những đóng góp, cống hiến của ông trong sáng tạo nghệ thuật cho đất nước Tây Ban Nha. Hình tượng cây đàn, trước hết là biểu tượng cho nhân cách, số phận và cuộc đời của một người nghệ sĩ tài hoa. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh âm thanh của tiếng đàn – một biến thể từ cây đàn ghi ta: Những tiếng đàn bọt nước Câu thơ là tổ hợp của những hình ảnh lạ, ngôn từ lạ, Nó đã mở ra một sự tương phản giữa những cách tân, khát vọng tự do của Lor-ca trong nền chính trị độc tài, khắc nghiệt của Tây Ban Nha. Đàn ghi ta chính là cây đàn thơ của Lor-ca, là vật dụng biểu trưng cho ông nói riêng và cho đất nước Tây Ban Nha nói chung. Hình ảnh tiếng đàn đã gợi tả một người nghệ sĩ tài hoa có khả năng trình diễn xuất sắc bằng cây đàn ghi ta. Đàn ghi ta chính là cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhưng cây đàn ghi ta ấy với âm thanh réo rắt vui tai cũng mang liên tưởng với hình ảnh “bọt nước” gợi ấn tượng những giọt nước tròn trịa, xinh đẹp nhưng mong manh như tiếng đàn của Lor-ca: trong trẻo mà mong manh, dễ vỡ cũng như số phận mong manh của người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp. Gợi mở ra nhân cách, tài năng của Lor-ca, hình ảnh cây đàn với biến thể là tiếng đàn cũng là hình ảnh tượng trưng cho cái chết oan khuất của người nghệ sĩ thiên tài. Cái chết đã đến với con người ấy một cách đột ngột vào lúc bất ngờ nhất, khiến cho tất cả mọi người đều kính hoàng, xót xa. Tiếng ghi ta ngân lên cao trào, là biểu trưng cho cái chết đau đớn đến tột đỉnh cũng như tội ác man rợ của kẻ thù. Nó được nhà thơ xây dựng đầy ấn tượng: tiếng ghi ta nâu bầu trời cô gái ấy tiếng ghi ta lá xanh biết mấy tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy Điệp ngữ “tiếng ghi ta” lặp đi lặp lại nhiều lần càng khắc sâu ấn tượng về hình ảnh cây đàn – biểu tượng cho cuộc đời, cho sự nghiệp của Lor-ca, cũng chính là nỗi đau xa xót của một con người. Tiếng ghi ta ấy hiện lên nhiều sắc thái, cung bậc. Đó là “tiếng ghi ta nâu”. Màu nâu gợi tới màu sắc của cây đàn ghi ta, mái tóc nâu huyền của người con gái mà Lor-ca yêu thương, cũng là màu của đất. “Bầu trời cô gái ấy là bầu trời tình yêu giữa Lor-ca và cô gái. Bọn phát xít giết Lor-ca cũng là giết đi một bài ca về tình yêu. Không những thế, sắc màu gợi lên từ tiếng ghi ta còn là màu “xanh biết mấy”. Đó là màu xanh của sự sống, của tình yêu đời thiết tha. Bọn phát xít giết Lor-ca cũng là giết đi một bài ca sự sống. Khi bọn phát xít giết người nghệ sĩ thiên tài, tất cả như vỡ tan, như chấm dứt. Tình yêu đời, yêu sự sống của Lor-ca tan nát không lành lặn, Một lần nữa, hình ảnh “bọt nước” đã trở lại và giờ đây nó vỡ tan dưới tội ác của kẻ thù. Đỉnh cao của nỗi đau là hình ảnh “ròng ròng máu chảy”. Ta tưởng như đó là mũi súng đã bắn vào trái tim khao khát của Lor-ca. Máu chảy xuống là minh chứng cho tội ác của kẻ thù. Câu thơ đã gợi liên tưởng đến hình ảnh nàng Kiểu với tiếng đàn trong thơ Nguyễn Du: Một cung gió thảm mưa sầu Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay Khác với Nguyễn Du, không cần đến dây đàn, cũng chẳng cần đến những ngón tay khéo léo mà tiếng đàn của Thanh Thảo vẫn gợi được nỗi đau khôn nguôi và cái chết, số phận bất hạnh của một nghệ sĩ thiên tài. Từ đó, hình ảnh cây đàn ghi ta đã thể hiện niềm tin mãnh liệt của Thanh Thảo vào sức sống bất diệt, trường tồn của nghệ thuật chân chính và của những nhân cách cao đẹp: không ai chôn cất tiếng đàn tiếng đàn như cỏ mọc hoang giọt nước mắt vầng trăng long lanh trong đáy giếng Không một ai dám chôn cất một kẻ bị hành hình – nó vừa là nỗi đau cũng vừa là sự khẳng định mãnh liệt cho sức sống của nghệ thuật chân chính. Nó sẽ còn mãi giản dị, kiên cường như thứ cỏ mọc hoang. Cỏ tuy hoang dại, bé nhỏ nhưng sức sống thì mãnh liệt trước mọi khắc nghiệt của hoàn cảnh, thử thách. Câu thơ cũng gợi nhắc đến lời di chúc sớm của Lor-ca “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” ẩn chứa niềm mong mỏi cho nghệ thuật trường tồn bất diệt, con người luôn cách tân để vươn đến những đỉnh cao. Và với tất cả niềm trân trọng, ngưỡng mộ, xót thương, Thanh Thảo đã tạo ra sự giã từ của Lor-ca với cuộc đời một cách mãnh liệt: đường chỉ tay đã đứt dòng sông rộng vô cùng Lor-ca bơi sang ngang trên chiếc ghi ta màu bạc Đàn ghi ta giờ đây chính là phương tiện cho Lor-ca từ giã hiện thực để tiến vào cõi vô cùng. Nó chính là sự giã từ quyết liệt của Lor-ca sang một địa hạt mới của nghệ thuật; qua đó, thể hiện sự bất tử và tài năng chói sáng của người nghệ sĩ thiên tài. Như vậy, từ hình ảnh cây đàn và biến thể là tiếng đàn ghi ta, Thanh Thảo đã thể hiện niềm ngưỡng mộ, trân trọng và cũng xót xa, nuối tiếc của mình cho nhân cách cao cả và số phận oan khuất của một thiên tài. Từ đó, nhà thơ đã gửi gắm ý nghĩa sâu sắc: nghệ thuật chân chính thì đời đời bất diệt, trường tồn trước mọi băng hoại của thời gian và sự dập vùi của hoàn cảnh. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và là một sáng tạo mới ở nội dung. Nghệ thuật chân chính không phải là sự hời hợt, giản đơn với đời sống. Nó phải là sự gắn kết chặt chẽ với cuộc đời. Sự gắn kết ấy phải được thể hiện qua các hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa thay vì sự sáng tạo nửa vời, dễ dãi. Có thể nói, xây dựng một hình tượng nghệ thuật đặc sắc là một thành công lớn của người nghệ sĩ. Nó đòi hỏi người cầm bút phải có một sự trải nghiệm, thấm thía sâu sắc về cuộc sống và con người. Người cầm bút phải biết lấy chữ của đời, cần cù sáng tạo tích cóp làm nên văn chương nghệ thuật, xây dựng hình tượng chân chính: Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang. (Chế Lan Viên) Muốn thế, bàn viết của nhà thơ phải đặt giữa cuộc đời. Người nghệ sĩ phải trải lòng ra với cuộc đời “sống đã rồi hãy viết”, biết chất lọc, tích luỹ vốn sống từ đời thực để xây dựng hình tượng. Có thể là những sự vật rất bình dị nhưng điều quan trọng, người nghệ sĩ cần có sự tìm tòi khám phá để làm nên hình tượng xuất sắc. Hình tượng hay, độc đáo sẽ làm nên thành công cho tác phẩm, khẳng định tài năng của người nghệ sĩ chân chính, nó là cốt lõi của văn chương. Chỉ có xây dựng hình tượng hấp dẫn, tác phẩm mới nhận được sự đón đợi nồng nhiệt của người đọc, mang lại giá trị cho tác phẩm. “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Xây dựng một hình tượng đặc sắc chính là quy luật của văn chương chân chính muôn đời. Phải khám phá xây dựng hình tượng từ những điều bình dị nhất để làm nên giá trị cho tác phẩm và thành công của người nghệ sĩ chân chính. (Bài đoạt giải Nhì – 16/20 điểm)
NHẬN XÉT
Bài làm đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Người viết đã tỏ ra sáng tạo khi dùng hình thức một bức thư để không chỉ bàn trúng mà còn bàn sâu vấn đề được đặt ở đề bài. Vai trò của học vấn trên con đường xác lập vị trí xã hội và ý nghĩa cuộc sống đối với mỗi người được luận bàn một cách thuyết phục. Có những ý văn viết chắc tay, ví dụ như: Lan ạ, bạn hãy nhìn ngoài kia, có biết bao mảnh đời cũng cơ cực, nghèo khó. Họ cũng là người, cũng cùng chung màu da, dân tộc với ta, cũng được sinh ra đủ đầy các bộ phận trên một cơ thể. Không hề có sự khác biệt nhưng địa vị xã hội, sự tôn trọng của mỗi người dành cho họ và chúng ta khác nhau. Đó là sự khác biệt về học vấn… Một xã hội văn minh là xã hội không chấp nhận sự kém cỏi, ngu dốt, mông muội. Người kém cỏi, không học vấn sẽ bị xã hội đào thải và trở thành một người thừa vô ích, vô bổ. Tuy nhiên, bài viết sẽ sâu sắc hơn nếu ở phần mở rộng, nâng cao luận bàn thêm về ý tưởng không nên tuyệt đối hoá vai trò của học vấn trong việc tạo lập vị thế xã hội của mỗi con người; không được đồng nhất học vấn với bằng cấp. Mặt khác, nếu có thêm dẫn chứng về những tấm gương nhờ học vấn mà trở nên nổi tiếng, có vị thế quan trọng trong đời sống xã hội thì bài viết sẽ sinh động hơn.
Ở câu 2: Người viết đã hiểu đúng vấn đề cần bàn luận được đưa ra ở đề bài, biết vận dụng kiến thức lí luận văn học về hình tượng nghệ thuật, nhân vật văn học để luận chứng: hình tượng nghệ thuật, nhân vật văn học thường là con người, song nhiều khi cũng có thể là đồ vật, sự vật; ý đồ sáng tạo, tài năng nghệ thuật của tác giả sẽ quyết định tầm vóc, chất lượng của các hình tượng nghệ thuật ấy. Người viết đã chọn hình tượng bức thư pháp trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của nhà thơ Thanh Thảo để làm sáng tỏ nhận định. Phần cảm thụ viết sáng rõ, bám sát yêu cầu của đề bài. Tuy nhiên, văn viết còn thô mộc, ít sáng tạo, màu sắc cá nhân trong cảm thụ văn chương chưa được thể hiện rõ. Trong khi phân tích, cũng chưa liên hệ, so sánh, chỉ ra những nét tương đồng, dị biệt giữa các hình tượng, cặp hình tượng trong sự chi phối của quy luật sáng tạo nghệ thuật theo thể loại (tự sự, trữ tình) và dấu ấn riêng của từng tác giả.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|