Bài văn đạt giải quốc gia (BÀI LÀM SỐ 2)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia (BÀI LÀM SỐ 2) Câu 1. Tôi là ai? Sự sống của tôi có ý nghĩa gì? Ba trăm năm nữa liệu có ai còn biết đến sự tồn tại của tôi trên cõi đời này? Tên tuổi tôi, cuộc đời tôi có lẽ nào sẽ chìm khuất vào quên lãng? Có người hỏi tôi rằng: Phải chăng, sống là toả sáng? Chao ôi! Chắc chắn sống là toả sáng. Bất kể ai có ý thức sống đều muốn vươn lên những cái đẹp, cái thiện cao hơn, vươn lên trở thành Con Người viết hoa. Mỗi người có một lối sống khác nhau, tuỳ theo mơ ước, khát vọng của riêng mình. Cá nhân tôi cho rằng, sống đẹp là chưa đủ, con người cần phải sống “toả sáng”. Cố nhiên sống đẹp thì mới có thể “toả sáng” nhưng “toả sáng” còn là sự khẳng định mình, làm cho mình không bị quên lãng trong kí ức của mọi người. Trái ngược với sáng là tối. Cuộc đời như đêm tối thì không ai thấy, do vậy mà không ai nhớ. Con người không chỉ cần “đẹp” mà còn là “đẹp theo một cách riêng”. Nói “toả sáng” là một cách diễn đạt rất giàu hình ảnh. Sự sống của ta có thể “toả sáng” được chắc chắn phải có những phẩm chất. Đó là những nét đẹp được cả cộng đồng thừa nhận và khuyến khích. Nói một cách cụ thể, trước khi muốn “toả sáng” thì phải “sống cho ra người”. Không thể là một nhân cách lệch lạc, một đạo đức khuyết, một trí tuệ không đầy đủ. Con người trước khi vươn tới cái đẹp, thì cần phải sống – như GS. Hoàng Ngọc Hiến nói – cho “hẳn hoi”. “Hẳn hoi” là một từ rất Việt, khó có thể tìm một từ nào trong ngôn ngữ khác có ý nghĩa thật gần với nó. Nhưng “hẳn hoi” không hề khó hiểu. Sống cho “hẳn hoi” chính là nền tảng cho sống “toả sáng”. Bản thân sống hẳn hoi cũng có ánh sáng của nó, đó là ánh sáng của cốt cách vững vàng, của một con người tuy không nổi trội nhưng “đẹp, đẹp hài hoà, đẹp cân xứng”. Có rất nhiều người không hiểu do vô tình hay cố ý mà không sống “hẳn hoi” được: kẻ thì quá đề cao vật chất, sống không biết đến sự di dưỡng tinh thần, người thì sống ảo tưởng, lấy điểm tựa siêu hình để bào chữa, cho rằng “nghèo” mới giữ đạo đức thanh cao được. Nhưng “toả sáng” không phải chỉ là “hẳn hoi”. Muốn “toả sáng” được nhất định phải có một thế mạnh của riêng mình. Sở trường không thể làm nên toàn bộ giá trị của một người nhưng chính là yếu tố khẳng định giá trị của con người. Muốn “toả sáng” trước hết phải có tài năng. Tài năng có thể do bẩm sinh nhưng phần nhiều do rèn luyện mà có. Tài năng là khả năng làm những công việc đạt được hiệu quả cao, vượt lên trên mức trung bình, thậm chí vượt lên trên người khác. Mỗi người có một tài năng riêng, do vậy, tài năng chính là yếu tố khẳng định của mỗi người. Những chiếc huy chương ở các kì thế vận hội chính là sự khẳng định của tài năng, đó là “toả sáng”. Những thành tích, thành tựu cao không thể không có sự đóng góp của tài năng. Có người nói, trong điểm mười tuyệt đối thì tám điểm là của sự cố gắng, nỗ lực, chỉ có hai điểm thuộc về năng khiếu. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng xin bổ sung thêm, hai điểm của “năng khiếu” chính là điểm chín và điểm mười. Nếu không có tài năng thì dù có nỗ lực đến đâu cũng chỉ là tối đa điểm tám. Muốn có chín, có mười nhất thiết phải giỏi hơn người bằng cái tài. Trong một bài kiểm tra hay trong cuộc sống, người được điểm mười là người “toả sáng”, được nhớ đến! Tuy thế, sống là toả sáng không chỉ là vượt trội, là “vĩ đại” trong khoảnh khắc. Muốn sự sống của mình thực sự toả sáng thì phải kiếm được điểm chín, điểm mười cho bài thi tốt nghiệp của cuộc đời. Nghĩa là điểm mười được “chấm” cho cả đời người. Khẳng định được tài năng của mình là toả sáng. Nhưng không phải chỉ mình ta mới có tài năng. Mà lịch sử lại thường chỉ ghi danh những người tài giỏi bậc nhất. Do đó, muốn thực sự “toả sáng”, cần phải đẩy tài năng của mình lên đỉnh cao nhất, luôn luôn phấn đấu vượt qua những người giỏi nhất. Để không chìm vào quên lãng, không thể không biến mình thành số một hoặc ít nhất là nỗ lực để biến mình thành số một. Điều đánh dấu sự trưởng thành cũng như khẳng định chính xác nhất một tài năng chính là những thành tựu. Xét cho cùng thì lịch sử cũng chỉ đánh giá một tên tuổi dựa trên thành tựu. Những điều ta làm được sẽ quyết định rằng ta có “toả sáng” hay không. Cuộc sống thường khắc nghiệt nhất ở điều ấy. Cho dù ta nói rằng bản thân đã cố gắng hết mình, nhưng nếu kết quả là thất bại, anh vẫn là kẻ thất bại. Nếu chỉ ôm ấp tài năng của mình, ngồi tự hào về nó trong buồn ngủ thì vĩnh viễn không thể “toả sáng”. Để có được thành tựu lớn nhất của mình, con người cần phải hành động quyết liệt. Sự “toả sáng” của một người suy cho cùng cũng là để nhân loại không lãng quên mình. Do đó, muốn thực sự “toả sáng” được, cần phải có những đóng góp vào cuộc đời chung. Sự sống về vật chất của ta sau sinh, lão, bệnh ắt sẽ đến tử. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Con người chỉ có thể bất tử khi cuộc đời, sự nghiệp của mình ghim vào kí ức cộng đồng. Hơn thế nữa, khi con người chỉ đặt mục tiêu sống vì mình, chúng ta sẽ không bao giờ tạo ra được một thành quả to lớn. Muốn có thành tựu vĩ đại, phải hướng đến những lí tưởng phục vụ cho cuộc sống chung. Bên cạnh chất “cao cả” của lí tưởng, một mục tiêu lớn mới có khả năng thúc đẩy con người phát huy hết năng lực của mình, đạt được những thành tựu kì vĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra đi từ bến Nhà Rồng không có mục đích nào khác ngoài lí tưởng giải phóng cho dân tộc. Tôi cho rằng, Bác đã thành công một nửa khi dám nghĩ, dám làm, dám đặt ra mục đích của một đời như vậy. Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng, cuộc sống vốn đã đẹp, được sống, được tận hưởng thế giới đã là một điều may mắn và mãn nguyện. Nhưng trong chúng ta, bao nhiều người còn nhớ về cụ nội của mình? Và bao nhiêu người sẽ được chắt mình nhớ tới? Chỉ trong vài thế hệ, cả một cuộc đời đã chìm vào quên lãng. Cuộc đời tôi không thể như vậy!
Câu 2. Người ta thường nói, văn học, nghệ thuật là địa hạt của cái đẹp. Biê-lin-xki cho rằng: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật. Nếu thiếu cái đẹp thì không có, không thể có nghệ thuật”. Vậy nhưng, trong lịch sử, ta thấy vẫn có những tác phẩm văn chương viết về cái xấu, cái ác mà vượt qua thời gian và mọi sự sàng lọc để trường tồn. Sức sống của chúng minh chứng rằng văn chương bao giờ cũng là địa hạt của cái đẹp, đẹp ngay cả khi đề cập đến cái tàn ác, xấu xa. Đúng như ý kiến: “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Văn chương là nghệ thuật sử dụng chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Và “văn học chân chính” phải là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện đời sống con người cũng như cái nhìn sâu sắc, mới lạ của nhà văn về thực tại ấy. “Văn học chân chính” là chuyện đời, chuyện người, chính xác hơn, là tình đời, tình người. “Cái ác, cái xấu”,… là những phương diện tiêu cực, có tác hại xấu đến đời sống. “Cái đẹp, cái thiện” là những giá trị, những hiện tượng có tính thẩm mĩ cao nhất, làm đẹp, làm “tốt” hơn cho con người cũng như xã hội. Nhận xét trên đã khẳng định một quy luật của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung: Luôn luôn hướng tới cái đẹp. Ngay cả khi viết về cái xấu, cái ác cũng phải là tạo “cớ” để thể hiện khát vọng vươn tới cái cao cả và đẹp đẽ, để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ của con người. Phải thừa nhận rằng, trong lịch sử văn chương có những tác phẩm viết về cái đen tối, cái tiêu cực nhưng vẫn có sức sống cao. Trước hết, văn học phản ánh cuộc sống của con người. Các Mác quan niệm: “sự tồn tại của mọi người chính là quá trình sống thực tế của họ”. Trong quá trình sống thực tế của xã hội có tồn tại cái ác, cái xấu. Văn học, với tư cách là một hình thái ý thức, không bỏ qua sự “phản chiếu”, ghi lại cuộc sống ở cả mặt bóng tối. Mặt khác, theo nhà văn Nga M. Go-rơ-ki thì “văn học là nhân học”. Trong bản chất “nhân học” ấy, văn chương chú ý tới thể nghiệm, khám phá con người tự nhiên, con người với những mong muốn, khát vọng nhân bản cũng như những đặc trung tâm lí bản năng. Không phải ngẫu nhiên mà các sáng tác bị cho là “dâm” và “tục” của Hồ Xuân Hương có sức sống lâu bền đến vậy. Trong con người ở góc độ “tự nhiên”, trong tính cách thiên nhiên của nhân loại cũng ẩn tàng mầm mống của cái ác, cái xấu, của lòng đố kị, tính ích kỉ. Vậy cái xấu, cái ác tồn tại trong văn chương là điều không thể phủ nhận. Nhưng không phải không có một “chuẩn” nào cho những tác phẩm có giá trị thực sự. Khi phản ánh những “góc khuất”, những phương diện tiêu cực của đời sống con người, để có được những sản phẩm nghệ thuật chân chính, nhà văn phải đứng ở đỉnh cao của lí tưởng thẩm mĩ để soi chiếu. Nhà văn lấy tâm hồn cao đẹp của mình để nhìn vào bóng tối, vạch trần nó, phán xét nó. Bằng cái nhìn của lí tưởng thẩm mĩ, người cầm bút mới có được khả năng khai thác sâu sắc cái xấu, cái ác. Hơn thế nữa, càng là những nhân cách cao cả, những tâm hồn cao đẹp, con người ta càng nhạy cảm với cái đen tối, cái xấu xa. Vũ Trọng Phụng được giáo dục trong một môi trường gia giáo mà người mẹ của ông đặt ra, bằng những tư tưởng Nho gia chặt chẽ. Do đó, không ai phát hiện, nhìn thấu cái dâm, cái đểu, cái bịp bằng ông (cố nhiên cũng là cái “tạng” riêng của nhà văn). Nhiều người khi đọc Nguyễn Huy Thiệp chế văn ông “ghê ghê” nhưng nhà văn này lại có điểm tựa thẩm mĩ của mình, đó là thiên tính nữ (các nhân vật nữ của Thiệp hầu hết đều vô cùng đẹp), là mối quan hoài, nỗi lòng xót xa trước cuộc đời. Ở một góc độ khác, cần phải nhớ rằng, một trong bốn biểu hiện quen thuộc nhất của chủ nghĩa nhân đạo (humanisme) là lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống, lên thân phận con người. Một trong những nội dung của chủ nghĩa này là phê phán cái xấu, cái ác. Những tác phẩm văn chương chân chính thường không thể thiếu được sự kết tinh của chủ nghĩa nhân đạo. Do vậy, nếu viết về cái xấu, cái ác cũng là để công kích nó. Quan trọng hơn, là thể hiện khát vọng vệ cái thiện, cái đẹp. Trong đời sống nói chung, cái đẹp và cái xấu, “ánh sáng” và “bóng tối” không phải bao giờ cũng phân biệt rạch ròi. Chẳng những thế, con người có một đặc tính mà như Lép Tôn-xtôi gọi là tính “lưu luyến” (fluidité). Khi thông minh, khi lại ngu dốt, khi mạnh mẽ, khi lại yếu đuối, khi ác, khi thiện… Chính con người cần đến văn chương để bồi đắp lí tưởng thẩm mĩ, dùng cái nhìn của văn học để nhận thức, phân biệt thiện – ác, tốt – xấu. Quan trọng hơn, văn nghệ, văn học giúp người ta ghét cái ác, yêu cái thiện, ghê cái xấu, mến cái tốt. Hoặc bằng thái độ phê phán hoặc châm biếm, có khi cả hai, văn chương giúp con người ta tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp, cái thiện. Có thể nói, văn chương chân chính từ xưa đến nay, ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Trong văn học Việt Nam, từ truyện cổ tích, từ ca dao đến thơ ca ngày nay đều mang đặc tính ấy. Truyện Tấm Cám xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập thuộc hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Mẹ con Cám là các nhân vật phản diện, là hiện thân của cái ác. Ở đây, tác giả dân gian khai thác, thể hiện sự tăng tiến của cái ác. Từ việc đối xử không công bằng với Tấm đến những âm mưu và hành động hãm hại Tấm, thậm chí lấy mạng cô Tấm. Chính sự gia tăng tội ác này mới là đáng sợ. Qua quá trình gia tăng ấy, tác giả dân gian muốn hình thành ở người đọc sự căm ghét và phản đối ngày một quyết liệt hơn. Quan trọng hơn, khát vọng về cái đẹp, cái thiện được đề cao. Cụ thể qua hai tình tiết. Thứ nhất, mặc dù mẹ con Cám hết lần này đến lần khác hãm hại Tấm, thậm chí ngày một tàn độc hơn, cô Tấm vẫn bền bỉ, vẫn tiếp tục hoá thân để chuẩn bị cho sự trở lại. Nhân dân thể hiện niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, công lí. Rằng chúng là bất diệt, cái ác không bao giờ chiến thắng được hoàn toàn cái thiện. Thứ hai, với sự “lên ngôi” của cô Tấm và việc mẹ con Cám bị trừng phạt, tác giả dân gian thể hiện khát vọng về chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, cái thiện cũng như sự diệt vong của cái ác, cái xấu! Mặc dù trong phần lớn câu chuyện, cái ác, cái xấu liên tục thắng thế, chèn ép cái thiện, cái đẹp. Nhưng khi truyện kết thúc, độc giả vẫn hài lòng với sự bất diệt tất yếu của cái đẹp. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có hai tuyến nhân vật. Một bên là Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, bên kia là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Ung, Khuyển,… Cuộc đời Kiều long đong, lận đận, tủi nhục, đau khổ vô cùng cũng là do sự vô nhân tính, độc ác của một loạt những kẻ xấu. Mối tình với Kim Trọng tan vỡ, Từ Hải bị hại, Kiều phải hứng chịu “biết bao gió dập sóng dồi”. Bằng bản Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du lên án xã hội phong kiến và những thối nát, xấu xa của nó, bày tỏ lòng đồng cảm, xót thương với con người tài hoa, bạc mệnh. Bất cứ ai cũng không khỏi day dứt trước sự thiếu công bằng mà xã hội phong kiến dành cho người phụ nữ mà nhất là người phụ nữ tài hoa. Khát vọng về cái thiện, cái đẹp đã góp phần giúp cho đại thi hào Nguyễn Du có được một cái nhìn vô cùng nhân văn. Cái nhìn ấy thể hiện qua câu nói của Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươ Trăng tàn mà lại hơn mười nằm xưa. Nguyễn Du khẳng định, sau bao nhiêu tủi cực, khổ nhục, Kiều vẫn đẹp, đẹp viên mãn. Thậm chí, Kiều còn đẹp hơn xưa, cái đẹp của Kiều “hơn mười nằm xưa”. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu ra đời năm 1983, trong thời kì văn học Việt Nam đang bắt đầu chuyển mình. Từ quỹ đạo chiến tranh, đời sống trở về nhịp độ hoà bình. Truyện viết về đời sống của những người lao động nghèo thời kì đất nước mới ra khỏi lửa đạn. Trong giai đoạn ấy, bóng đen thực dân, đế quốc đã không còn, nhưng lại có những bóng đen khác đang đè nén con người. Nhà nhiếp ảnh Phùng tận mắt chứng kiến cảnh một người chồng đánh vợ mình bằng chiếc thắt lưng một cách tàn bạo. Lão chồng quật liên tiếp vào lưng vợ, vừa đánh vừa nghiến răng ken két, vừa đánh vừa nguyền rủa: “Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Nhưng không phải chỉ một lần, người đàn bà còn bị đánh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Điểm sâu sắc của Nguyễn Minh Châu là cắt nghĩa, lí giải cái ác này. Cụ thể, tác phẩm, nhà văn đưa ra ba lí do. Thứ nhất là cái khổ. Có những “vụ bắc”, cả gia đình “toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Chính người vợ nói rằng cứ khi nào cảm thấy khổ quá là lão lôi chị ra đánh. Thứ hai là sự bế tắc. Vì không biết giải quyết cái khổ thế nào nên lão đàn ông phải tìm cách giải toả. Đánh vợ như một sự giải toả đối với anh ta. Như những người khác thì uống rượu. Nhưng uống rượu cũng chỉ là sự bế tắc. Quan trọng nhất là lí do thứ ba này: sự u mê về ý thức làm người. Trong hoàn cảnh gian khổ khó khăn, đáng ra cả gia đình phải biết yêu thương, đùm bọc – lẫn nhau. Đằng này họ lại hành hạ nhau. Bởi gã đàn ông đó cả đời lênh đênh trên biển, xa cách khỏi xã hội, hắn không hiểu thế nào là sống cho ra người. Từ sự cắt nghĩa, lí giải đó, Nguyễn Minh Châu đề nghị một cái nhìn thẳng thắn vào tình trạng xã hội. Qua đó, thể hiện mong muốn cải tạo đời sống con người, trước hết là làm cho no ấm đời sống vật chất. Sau đó là hướng đời sống tinh thần đến cái thiện, cái đẹp. Có thể nói văn học viết về cái xấu, cái ác còn là trên góc độ những nạn nhân của chúng. Tức là khai thác mâu thuẫn giữa cái đen tối và cái tốt đẹp cũng như với thân phận con người. Từ việc chỉ ra cái xấu, cái ác và sự xâm hại của nó đến cái đẹp, đến những giá trị cao cả, văn học đem đến cho con người cảm nhận về cái bị (tragic). Cái bị cũng hướng tâm hồn con người đến cái đẹp, cái thiện. Và cũng như Arít-xtốt nói, có khả năng “thanh lọc” (catharsis) tâm hồn con người. Ông viết trong Thi học: “…với những tình tiết làm thức tỉnh tình thương và sự sợ hãi, và qua đó, thực hiện sự thanh lọc đối với những cảm xúc ấy”. Từ góc độ mĩ học, có thể nhìn nhận cái xấu, cái ác như những phạm trù thẩm mĩ cục bộ – với cái đẹp – mang ý nghĩa khái quát, là hạt nhân của mĩ học, cái mà để chính xác nên gọi là cái thẩm mĩ (aesthetic). Có thể nói, cái xấu, cái ác cũng là một phần tạo nên cái thẩm mĩ, là một biện chứng của cái đẹp (cục bộ). Do đó hoàn toàn có thể xuất hiện trong nghệ thuật. Cố nhiên, nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện, Nếu viết về cái tiêu cực mà không có điểm tựa lí tưởng thẩm mĩ và nhất là định hướng thẩm mĩ, tác phẩm sẽ rơi vào chủ nghĩa tự nhiên hoặc chủ nghĩa dung tục. Chức năng thẩm mĩ là chức năng quan trọng nhất của văn chương, nó làm cho nghệ thuật trở thành hoạt động tinh thần không thể thay thế được. (Bài đoạt giải Nhất – 18/20 điểm)
NHẬN XÉT Bài làm đã đáp ứng tốt những yêu cầu cơ bản đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Người viết đã bàn luận rất trúng và thuyết phục về vấn đề “sống là toả sáng”. Cách triển khai hệ thống luận điểm khoa học, chặt chẽ, giàu sức thuyết phục chứng tỏ người viết rất thông minh và có sự trải nghiệm cuộc sống sắc sảo, già dặn. Người viết khẳng định: Cá nhân tôi cho rằng, sống đẹp là chưa đủ, con người cần phải sống “toả sáng”. Cố nhiên sống đẹp thì mới có thể “toả sáng” nhưng “toả sáng” còn là sự khẳng định mình, làm cho mình không bị quên lãng trong kí ức của mọi người. Từ đó người viết đưa ra những yếu tố cần thiết để con người có thể “toả sáng” đó là: muốn “toả sáng” thì phải “sống cho ra người”, sống cho “hẳn hoi”; muốn “toả sáng” phải có tài năng, sống là toả sáng không chỉ là vượt trội, là “vĩ đại” trong khoảnh khắc; sự “toả sáng” của một người suy cho cùng cũng là để nhân loại không lãng quên mình. Do đó, muốn thực sự “toả sáng” cần phải có những đóng góp vào cuộc đời chung. Sức hấp dẫn của bài viết ở chỗ, người viết đã xác định được một tâm thế của người trong cuộc. Làm bài không chỉ đơn thuần là việc giải một đề thi văn, mà quan trọng hơn là một dịp đối diện với bản thân mình. Không phải chỉ nghị luận cho người khác, về người khác, mà là tâm sự chuyện của mình, nói từ mình, nói cho mình. Bài viết mang màu sắc cá nhân rất rõ, giọng văn cá tính. Phần khai mở và kết của bài viết hay, súc tích và đọng lại nhiều dư ba. Tuy nhiên, nếu có thêm dẫn chứng, bài viết còn hay hơn nữa.
Ở câu 2: Phần lí luận viết tốt. Với vốn kiến thức chắc chắn, có phần uyên bác về triết học và lí luận văn học, người viết đã luận bàn thật sâu sắc về vấn đề chức năng của văn học chân chính là hướng thiện và hướng mĩ, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cái thiện). Người viết cũng đã lựa chọn được một số tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, từ đó phân tích được những biểu hiện cụ thể của cái xấu, cái ác trong mỗi tác phẩm, làm nổi bật được khát vọng của nhà văn thông qua việc miêu tả cái xấu, cái ác, hướng người đọc đến với cảm hứng nhân văn cao đẹp. Tuy nhiên, nếu lấy thêm một vài tác phẩm văn học nước ngoài để minh chứng cho lời nhận định thì có lẽ bài viết sẽ thuyết phục hơn. Diễn đạt lưu loát và linh hoạt, văn viết trí tuệ, súc tích, thể hiện một giọng điệu riêng, một màu sắc riêng rất đáng trân trọng.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|