Bài văn đạt giải quốc gia năm 2014 (BÀI LÀM SỐ 4)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia năm 2014 (BÀI LÀM SỐ 4)
Câu 1. Lúc nhỏ, tôi được thầy giáo kể cho nghe câu chuyện về hai cây nến. Có hai cây nến đang được thắp sáng ở hai căn phòng khác nhau. Bỗng xuất hiện cơn gió mạnh làm vụt tắt cả hai cây nến. Cây nến ở căn phòng thứ nhất nghĩ rằng nếu có cố gắng cháy sáng nữa thì cũng bị dập tắt mất thôi. Cây nến ở căn phòng thứ hai thì nghĩ ngược lại. Nó cố gắng hết sức làm bùng lên những tàn lửa cuối cùng, và nó đã cháy sáng, mang lại ánh sáng ấm áp cho cả gian phòng, đối lập hoàn toàn với căn phòng chìm trong bóng tối của cây nến kia. Với tôi, cuộc sống con người cũng phải như cây nến ở căn phòng thứ hai vậy. Sống là phải toả sáng. Từ xa xưa đến nay, có rất nhiều quan điểm sống đúng đắn mà con người có thể lấy làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. “Sống là toả sáng” là một trong những phương châm sống tốt đẹp đó. Sống, theo nghĩa từ nguyên, là tồn tại trong mối quan hệ với tự nhiên và trong các mối quan hệ với cộng đồng xã hội. Sống là tồn tại ở trạng thái dương vô cùng. Con người không chỉ có đời sống vật chất, đảm bảo mọi điều kiện để trao đổi chất dinh dưỡng với môi trường tự nhiên mà còn có đời sống tinh thần, đảm bảo mọi điều kiện để nâng cao năng lực nhận thức của trí tuệ và tâm hồn. Sống là để toả sáng. Phải. Bạn sống, tôi sống, chúng ta sống là để khẳng định cái tài và cái tâm của mình. Sống là để khẳng định giá trị và tài năng của bản thân và sống theo đúng chuẩn mực đạo đức của xã hội. Theo tôi, sống được như vậy là đã toả sáng. Tạo hoá đã ban tặng cho con người một đặc quyền thiêng liêng – đó là sống. Van-gốc đã từng thốt lên rằng: “Đối với tôi không có gì tốt đẹp hơn là cuộc sống”. Dù cho ai nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy vững tin rằng cuộc sống xung quanh ta chứa đầy hạnh phúc và niềm vui. Xuân Diệu, “thi sĩ mới nhất trong các nhà thơ mới”, đã hơn một lần khẳng định lối sống “vội vàng” của mình: Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, Em, em ơi tình non đã già rồi. Ông sống gấp, sống nhanh là để tận hưởng và tận hiến. Tận hiến chính là toả sáng. Tôi chỉ toả sáng khi tôi khẳng định được bản ngã cá nhân của riêng tôi, khẳng định được cái tôi cá tính của mình, khẳng định được giá trị năng lực của riêng tôi, khi tôi có thể đánh bóng cái tên của mình thành: “là Một, là Riêng, là Thứ nhất”. Ánh sáng tôi toả ra cũng chỉ có giá trị khi nó tuân thủ đúng pháp luật và phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, luân lí thời đại. Con người có thể toả sáng mạnh nhất, đẹp nhất, có hiệu quả nhất ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nhà khoa học vĩ đại như Ác-si-mét, Nô-ben, Anh-xtanh, Đáchuyn đã cống hiến những sáng tạo để mang lại văn minh, thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại. Họ đã toả sáng. Các nhà hoạt động xã hội như mục sư Lu-thơ Kinh, mẹ Tê-rê-sa, dành cả cuộc đời mình đấu tranh cho dân quyền, bình quyền và mang yêu thương gắn kết thế giới. Họ đã toả sáng. Những nhà nghệ thuật như Bét-tho-ven, Pi-cát-sê, Vích-to Huy-gô, đã sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị muôn đời để làm giàu thêm đời sống tinh thần. Họ đã toả sáng. Ngay cả trong tình yêu, tình cảm mạnh mẽ và mãnh liệt nhất thế giới, cũng đã toả sáng hai cái tên Ô-đi-xê và Pê-nê-lốp. Không ai yêu nhau chung thuỷ và hi sinh nhiều như họ. Họ đã góp phần khẳng định: Ở đâu còn sự sống ở đó còn tồn tại tình yêu. Mỗi một cá nhân là một sự tổng hoa của các mối quan hệ xã hội. Tuy tồn tại, gắn kết trong một cộng đồng nhưng con người vẫn là một cái tôi cá nhân vô cùng độc đáo. Trên đời có triệu triệu vì sao nhưng cũng không thể phong phú bằng triệu triệu tế bào cấu thành nên cơ thể bạn. Tôi luôn tự nhủ với mình rằng: Tôi sinh ra không phải để làm dấu chân in trên mặt cát để sóng cuốn đi mất, tôi sinh ra là để đóng dấu tên mình trong cuộc đời. Chỉ khi bạn toả sáng thì sự tồn tại của bạn mới có ích. Khát vọng sống chân chính là khát vọng làm được điều gì đó để nâng sự sống lên và sống đúng với bản chất của con người. Sống là phải toả sáng cả tài lẫn tâm. Ánh sáng ban toả ra không chỉ giúp thế giới nhìn thấy bạn mà còn nhìn thấy những người xung quanh mình. Bạn biết Ních Vu-ji-ích chứ? Anh ấy quả thật là một người vĩ đại! Sinh ra với khiếm khuyết nặng nề trên cơ thể, không có hai tay hai chân, nhưng Ních không tuyệt vọng, vẫn luôn không ngừng hi vọng và ước mơ. Anh đi khắp nơi, truyền động lực sống cho rất nhiều người. Bản thân tôi, tôi rất khâm phục cô bạn Phương Anh – cô ca sĩ bị bệnh xương thuỷ tinh bước ra từ cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt. Bạn ấy được vinh danh là một trong những gương mặt thanh niên trẻ tiêu biểu năm 2013. Không chỉ khẳng định được tài năng ca hát của mình, bạn ấy còn trở thành đại sứ trẻ em khuyết tật của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam. Những con người như Ních, như Phương Anh, đã sống và khẳng định giá trị sống đích thực của mình! Cuộc sống đẹp thật đấy, nhưng không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. Giống như tờ giấy luôn có hai mặt, thế giới luôn tồn tại những thế cực đối lập nhau, có ánh sáng tất phải có bóng tối, có cái đẹp tất phải có cái xấu, có cái thiện tất phải có cái ác. Không phải lúc nào bạn cũng có điều kiện để toả sáng. Luôn phải biết giữ vững niềm tin, niềm lạc quan. Cuộc sống chỉ kết thúc khi bạn ngừng ước mơ. Đừng để khó khăn đánh gục. Thất bại chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. Động lực, sự kiện nhẫn, chăm chỉ và dũng cảm chính là vũ khí mạnh mẽ nhất trên hành trình đi tìm sự toả sáng. Đặc biệt hơn, bạn phải biết toả sáng ngay cả trong bóng tối, phải vượt lên hoàn cảnh. Cách tốt nhất để chiến thắng số phận là bạn phải tấn công trước mọi khó khăn, thử thách trên đường đời. Sống trên đời, ai mà chẳng muốn toả sáng, nhưng toả sáng đó phải thật sự chân chính thì mới có giá trị. Nhiều người dùng nhiều thủ đoạn để đạt được mục đích của mình nhưng họ không hiểu rằng thất bại trong tốt đẹp còn hơn thành công trong xấu xa. Am-strong bị ung thư nhưng vẫn bảy lần vô địch giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, nhưng tiếc thay trong một lần thi đấu, anh đã sử dụng đô-ping. Chính anh đã đạp đổ hình ảnh và lòng tin của mọi người dành cho mình. Hay như Na-pô-lê-ông, một trong những vị tướng và cũng là vị hoàng đế tài giỏi nhất trong lịch sử nước Pháp. Với ông, “vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục”. Tài năng của ông, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, đã giẫm đạp lên biết bao xương máu của những con người vô tội. Chúng ta không nên quá thực dụng, cũng không nên quá ảo tưởng. Hãy bắt đầu hành trình toả sáng bằng chính tài năng và tâm huyết của mình, bắt đầu ở những điều kiện phù hợp với bản thân và phù hợp với hoàn cảnh. Toả sáng chân chính là giá trị cao nhất của tồn tại con người. Thật đáng buồn cho những con người chỉ chui mình trong vỏ bọc của cuộc sống an toàn nhưng phẳng lặng và nhạt nhẽo. Họ trước hết là con người không có dũng khí, không đủ dũng cảm và không có lí tưởng để khẳng định bản thân. Họ không hiểu rằng toả sáng là đích đến cuối cùng của sự sống. Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được tầm quan trọng của việc khẳng định cái tâm và cái tài của bản thân. Chúng ta không chỉ toả sáng mà còn phải biết giúp người khác toả sáng. Hành tinh này đẹp nhất khi lấp lánh những ánh sáng khác nhau toả ra từ những cá nhân cụ thể hay từ những cộng đồng đoàn kết, lớn mạnh. “Sống là toả sáng” luôn thôi thúc tôi, một thanh niên tương lai của Tổ quốc, phải luôn học tập hăng say, hết mình cống hiến những giá trị bản thân để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Lí tưởng chính là ngọn đèn soi sáng con đường đi vào lúc tăm tối nhất. “Sống là toả sáng, sống để toả sáng” chính là một trong những lí tưởng như vậy. Đối với một cây nến, cuộc sống có giá trị đích thực chỉ khi nó cháy sáng, dùng sáp trên chính thân mình để duy trì ngọn lửa. Con người cũng vậy. Cuộc sống có giá trị chính ở trong hành trình con người tự khẳng định bản thân mình để sống có ích giữa cuộc đời này.
Câu 2. Có ai biết rằng bên trong chú ngài xấu xí lầm lũi là cánh bướm rực rỡ đang đợi ngày phá kén chui ra để điểm tô cho đời. Có ai biết rằng đằng sau lớp vỏ xù xì và đầy gai nhọn của quả sầu riêng là những múi thịt quả mềm ngọt và toả hương ngào ngạt. Có ai biết rằng, đằng sau dáng vẻ thô mộc chân chất của những chú ong kia là khả năng tạo ra những giọt mật vô cùng quý giá – là sản phẩm có thể dùng làm thức ăn duy nhất mà không huỷ diệt sự sống. Là một người học văn, tiếp xúc với khá nhiều tác phẩm văn học, tôi nghĩ rằng: văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Văn học là một đứa con trong đại gia đình nghệ thuật to lớn. Có rất nhiều ý kiến bàn về vấn đề: Thế nào là văn học chân chính? Theo quan điểm của cá nhân tôi, văn học chân chính là văn học phải có giá trị đích thực, chứa đựng đầy đủ các giá trị tư tưởng, tình cảm. Một tác phẩm chân chính phải phản ánh chân thực khách quan đời sống, phải chuyển tải được tư tưởng tình cảm của nhà văn và nâng cao năng lực thẩm mĩ cho người đọc. Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện bởi nhà văn chỉ ra được cái xấu, cái ác là muốn mọi người lên án và phê phán nó. Đó là một tình cảm đẹp. Hơn nữa, một số nhà văn phản ánh cái xấu, cái ác là để chỉ ra những vẻ đẹp bị khuất lấp bên trong, những vẻ đẹp bị bụi bặm đời thường che khuất mất. Văn học là nhân học, văn học là gia sư của xã hội”. Nó chỉ thực sự chân chính khi chứa đựng đầy đủ những giá trị văn học. Giá trị thẩm mĩ là toàn bộ các giá trị đời sống được chiếm lĩnh trong tác phẩm. Giá trị thẩm mĩ là gốc của giá trị nghệ thuật – bao gồm lí tưởng thẩm mĩ và cái hay cái dẹp mà nhà văn sáng tạo ra. Thước clo của giá trị nhận thức là sự chân thật của hiện thực được phản ánh, sự hiểu biết sâu sắc của tác giả và tầm phổ quát của tác phẩm. Thước đo của giá trị tư tưởng tình cảm là sự chân thành của cảm xúc, sự độc đáo, tinh tế, mẫn cảm, mẫn tiếp trong cách nhìn, cách cảm nhận của tác giả và đặc biệt, các tư tưởng phải được thể hiện bằng chân lí chân – thiện- mỹ. Xăng-đan đã từng nhấn mạnh: “Văn học là tấm gương lớn di chuyển dọc theo đường đời”. Chức năng của văn học là phản ánh thực tại khách quan của cuộc sống. Văn học chiếm lĩnh thế giới bằng tư duy hình tượng. Nghệ thuật là bông hoa trong gương, là vầng trăng dưới mặt nước. Cuộc sống đi qua lăng kính cá nhân chủ quan của nhà văn sẽ trở thành những hình tượng sống động. Cái đẹp là một trong những đối tượng đầu tiên và quan trọng mà văn học phản ánh. Cái đẹp là sự hoàn thiện ở mức độ cao nhất khiến cho mọi người phải nâng niu, ngưỡng vọng và đề cao. Đó có thể là vẻ đẹp thiên nhiên tươi mơn mởn và tràn đầy sức sống, tinh khôi, thanh tú: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền. (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ) Văn học phản ánh nhiều đề tài, nhưng trọng tâm nhất vẫn là con người. Văn chương đề cao con người dưới những hình thức nghệ thuật khác nhau. Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, trong tuyệt tác Đoạn trường tân thanh dựng nên hai bức chân dung của chị em Thuý Kiều đã trở thành mẫu mực của cái đẹp biết bao thời: Vân xem trang trọng khác vời, Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da. Hay như Làn thu thuỷ nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Tài năng và những phẩm chất tốt đẹp của con người cũng được rất nhiều nhà văn thể hiện trong sáng tác của mình. Đó là chàng trai Lục Vân Tiên luôn sống trọn đạo tình nghĩa, một nàng Kiều “hiếu nghĩa đủ đường”, một tay lái ra hoa của ông lái đò trên sông Đà, là vẻ đẹp và phẩm chất một thanh niên thời đại của “sợi chỉ xanh óng ánh” – Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng. Cái đẹp luôn là đích đến cuối cùng của văn chương. “Nhà văn luôn là người dẫn đường để đưa người đọc tới xứ sở của cái đẹp” như ai đó từng khẳng định. Văn học chân chính không chỉ phản ánh cái đẹp, cái thiện, cái hùng, cái cao cả mà còn đề cập tới cái ác, cái xấu, cái phi lí, cái tàn bạo, nhưng điều đáng nói là trong quá trình lí giải và phản ánh chúng, nhà văn bao giờ cũng thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Kịch liệt lên án, phê phán cái xấu cũng giống như chủ trương ngợi ca cái đẹp. Khi chỉ ra cái xấu, cái ác, con người sẽ có cảm xúc tức giận, đau đớn, phẫn nộ, và sẽ tìm cách để loại trừ cái xấu, cái ác để hướng tới cái tốt đẹp hơn. Văn học là phương tiện để nhà văn chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình. Qua quá trình lây lan cảm xúc, người đọc có thể tiếp nhận được những giá trị tình cảm đúng đắn mà nhà văn muốn nhắn gửi. Ghê tởm và phê phán cái xấu, cái ác là tình cảm tốt đẹp của con người. Đại thi hào Nguyễn Du, ngay từ cuối thế kỉ XVIII đã thể hiện cảm quan mang khuynh hướng hiện thực của mình trong bút pháp miêu tả, lột trần chân tướng tuyến nhân vật phản diện trong kiệt tác Truyện Kiều. Những kẻ vô loài, gian xảo, bán thịt buôn người hiện lên sống động dưới ngòi bút đại tài của nhà văn. Ông chỉ dùng một chữ mà có thể lật tẩy bản chất xấu xa, bóc trần mặt nạ giả dối mà nhân vật đang cố gắng đeo mang. Với Tú Bà thì: “Thoắt trông lờn lợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao”, với Mã Giám Sinh thì: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, với Hồ Tôn Hiến thì lại: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Nguyễn Du không chỉ hướng sự phê phán vào từng nhân vật cụ thể, điểm nhìn trần thuật của ông vĩ mô hơn, bao quát hơn. Ông lên án chế độ phong kiến đang trượt dốc trên đà suy thoái, bộc lộ hết những mặt phản động của nó, một xã hội bị lũng đoạn bởi đồng tiền, chà đạp danh dự và nhân phẩm của con người. Thông qua sự phản ánh này, Nguyễn Du – “người có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân) đã thể hiện một tinh thần nhân văn sâu sắc. Ông đề cao, tôn vinh, ngợi ca những đấng bậc anh hùng tài hoa, tài tử như Thuý Kiều, Từ Hải, Kim Trọng. Ông trân trọng những phẩm giá tốt đẹp của con người và đồng tình với những ước mơ, những khát vọng chính đáng ở mọi thời đại. Xuôi dòng lịch sử đến với văn học hiện đại Việt Nam, chúng ta tự hào khi có một cây bút hiện thực xuất sắc Vũ Trọng Phụng. Đúng như “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kì oan ngã tự cư” (Nguyễn Du, Độc Tiểu Thanh ki), Vũ Trọng Phụng là một phân tài hoa bạc mệnh. Ông sớm ra đi, nhưng vẫn để lại cho đời sống văn học một khối lượng tác phẩm đồ sộ và giàu giá trị. Tên tuổi của ông gắn liền với tiểu thuyết Số đỏ – bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Quan điểm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng là chỉ phản ánh “sự thật ở đời”, thật của một xã hội “giả dối, chó đểu, vô nghĩa lí” với tầng lớp trí thức thượng lưu ngu dốt nhưng hay bịp bợm khoe mẽ. Ông viết với tất cả sự lên án, đả kích kịch liệt và niềm phẫn uất không nguôi. Chính niềm phẫn uất đó đã giúp ông dựng nên những chân dung bất hủ, đặc biệt là Xuân Tóc Đỏ – một tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” (Ăng-ghen). Người đọc vừa được cười cùng ngòi bút trào phúng xuất sắc của Vũ Trọng Phụng, vừa lại tự nhận thức được cái hài “là cái trống rỗng về bên trong nhưng lại được che đậy bằng cái vỏ huênh hoang tự cho là có nội dung và giá trị đích thực” (Séc-nu-sép-xki), là cái đáng phải phê phán và bị loại trừ. Từ việc nhận thức được chân lí đúng đắn ấy cùng việc xây dựng thành công điển hình Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện khát vọng hướng tới cái đẹp của nhà văn. Lỗ Tấn, nhà văn giàu tâm huyết của Trung Quốc cũng vậy. Qua tác phẩm Thuốc, Lỗ Tấn muốn cảnh tỉnh về một căn bệnh thập tử nhất sinh của quốc dân mình – căn bệnh u mê tăm tối đang ăn dần ăn mòn tương lai của quốc gia Hoa Hạ. Phản ánh cái xấu ở đây chính là một liều thuốc tinh thần giúp nhân dân Trung Hoa tỉnh ngộ lên đường tranh đấu hướng tới thế giới tương lai tốt đẹp. Văn học chiếm lĩnh thế giới qua con đường khám phá, cắt nghĩa và lí giải các hiện tượng đời sống. Nam Cao, một cây bút xuất sắc khác của chủ nghĩa hiện thực rất thành công trong vấn đề này. Nam Cao luôn nhìn thẳng vào các vấn đề đời sống và con người thuộc về cái xấu cái ác nhưng là để tìm ra nguyên nhân của sự tha hoá ấy. Ngòi bút của ông như lưỡi dao của nhà giải phẫu, lách sâu vào từng nhân vật, khám phá con người bên trong con người. Cả đời văn Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào vấn đề nhân cách. Tài năng của ông kết tinh rực rỡ nhất ở hình tượng Chí Phèo – một tên lưu manh, một thằng quỷ dữ, thằng đầu bò gieo rắc bao nhiêu tai hoạ cho người dân làng Vũ Đại nhưng lại biết khao khát làm người. Miêu tả quá trình lưu manh hoá và bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, Nam Cao dõng dạc cất lên tiếng nói lên án cái xã hội ăn thịt người vô nhân và vô luân. Chỉ ra bản chất tốt đẹp của phần lương thiện cuối cùng trong cuộc đấu tranh giữ lại nhân tính của Chí, Nam Cao trân trọng khát vọng lương thiện và cất cao tiếng nói bênh vực nhân phẩm, bảo vệ quyền sống cho những con người bị dập vùi tàn nhẫn bởi chế độ xã hội bất công và bất nhân. Hơn năm mươi năm sau, cũng có một Nguyễn Minh Châu chỉ ra cho chúng ta thấy đằng sau người đàn bà hàng chài lam lũ thất học kia là một tâm hồn ẩn chứa vẻ đẹp ngời sáng như ngọc của một người phụ nữ giàu đức hi sinh, giàu lòng dũng cảm và thấu suốt lẽ đời bị bụi bặm ngày thường che lấp mất. Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện là một ý kiến hoàn toàn đúng đắn. Đó là bài học đắt giá cho nhà văn khi cầm bút. Muốn được như vậy nhà văn phải sống ở giữa, ở trong cuộc đời, phải có một trái tim đa cảm, biết rung động mãnh liệt trước cái đẹp và cả cái xấu, trước niềm vui và nỗi buồn của con người. Nhà văn phải có con mắt tinh đời để phát hiện ra bản chất cuộc sống, những bản chất không hiện lộ ra ngoài ở những điều dễ thấy. Nhà văn còn cần phải có tài năng để xây dựng một thế giới hình tượng hấp dẫn và có tâm huyết để phản ánh đúng sự thật cuộc sống mà không thoát li, ảo tưởng. Ý kiến trên là bài học cho cả người đọc, khi tiếp nhận văn học cần phải chủ động tích cực, đào sâu suy nghĩ những tư tưởng tình cảm mà tác giả không trực tiếp gửi gắm. Đối với đời sống xã hội và đời sống văn học, văn chương chân chính bao giờ cũng cung cấp cái nhìn nhiều chiều toàn diện về cuộc đời và con người. Nghệ thuật không chỉ phản ánh cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp thơ mộng ngay trên bề mặt, nghệ thuật phải thấu thị được bề sâu của cuộc sống với trung tâm là con người với những khổ đau, bất hạnh. Tác phẩm văn học chỉ được coi là văn chương chân chính và có giá trị khi nói về cái xấu, cái ác mà vẫn nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. (Bài đoạt giải Nhì – 17/20 điểm)
NHẬN XÉT
Bài làm đã đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu cơ bản đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Người viết đã đồng tình và bày tỏ quan điểm sâu sắc của mình về vấn đề “sống là toả sáng”. Người viết khẳng định: Sống là để khẳng định giá trị và tài năng của bản thân và sống theo đúng chuẩn mực đạo đức của xã hội. Theo tôi, sống được như vậy là đã toả sáng. Tiếp đó bài viết tập trung bàn luận sâu vào vấn đề những biểu hiện của lối sống toả sáng: Tận hiến chính là toả sáng… là một cái tôi cá nhân vô cùng độc đáo… Sống là phải toả sáng cả tài lẫn tâm. Ánh sáng bạn toả ra không chỉ giúp thế giới nhìn thấy bạn mà còn nhìn thấy những người xung quanh mình. Thức nhận về phương cách và con đường để “toả sáng”, người viết đã đưa ra những ý kiến khá sâu sắc: Không phải lúc nào bạn cũng có điều kiện để toả sáng. Luôn phải biết giữ vững niềm tin, niềm lạc quan. Cuộc sống chỉ kết thúc khi bạn ngừng bước mơ… Đặc biệt hơn, bạn phải biết toả sáng ngay cả trong bóng tối… Phần phản đề viết tốt. Tuy nhiên, đôi khi do chưa làm chủ được cảm xúc nên văn viết có những đoạn mạch liên kết lô-gích còn lỏng, chưa súc tích, chẳng hạn như đoạn: (Tạo hoá đã ban tặng cho con người một đặc quyền thiêng liêng đó là sống… Con người toả sáng mạnh nhất, đẹp nhất, có hiệu quả nhất ở nhiều lĩnh vực khác nhau.)
Ở câu 2: Hiểu đề nên đã luận bàn tương đối rõ về vấn đề chức năng của văn học chân chính, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cái thiện). Có một số ý viết chắc tay, ví dụ như đoạn: Văn học chân chính không chỉ phản ánh cái đẹp, cái thiện, cái hùng, cái cao cả mà còn đề cập tới cái ác, cái xấu, cái phi lí, cái tàn bạo; nhưng điều đáng nói là trong quá trình lí giải và phản ánh chúng, nhà văn bao giờ cũng thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Kịch liệt lên án phê phán cái xấu cũng giống như chủ trương ngợi ca cái đẹp. Khi chỉ ra cái xấu, cái ác, con người sẽ có cảm xúc tức giận, đau đớn, phẫn nộ, và sẽ tìm cách để loại trừ cái xấu cái ác để hướng tới cái tốt đẹp hơn. Văn học là phương tiện để nhà văn chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình. Qua quá trình lây lan cảm xúc, người đọc có thể tiếp nhận được những giá trị tình cảm đúng đắn mà nhà văn muốn nhắn gửi. Ghê tởm và phê phán cái xấu cái ác là tình cảm tốt đẹp của con người. Phần cảm thụ tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định, người viết có lựa chọn khá phong phú các tác phẩm văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, từ đó phân tích được những biểu hiện cụ thể của việc phản ánh cái xấu, cái ác trong mỗi tác phẩm, làm nổi bật khát vọng của nhà văn: thông qua việc miêu tả cái xấu, cái ác, hướng người đọc đến với cảm hứng nhân văn cao đẹp. Tuy nhiên, phần lí luận bàn về phạm trù thẩm mĩ và biểu hiện của cái đẹp trong văn học hơi nhiều. Giá như luận bàn về mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cái thiện) thì sẽ trúng hơn. Phần cảm thụ tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định hơi tham về số lượng nên viết chưa sâu, chưa có điểm nhấn. Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|