Bài văn đạt giải quốc gia năm 2014 (BÀI LÀM SỐ 5)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia năm 2014 (BÀI LÀM SỐ 5)
Câu 1. Mỗi vì sao đều cố gắng chiến thắng mây mù để toả sáng. Mỗi chú sư tử đều chiến đấu để bước lên vị trí tối cao trong đàn. Mỗi con người đều mang khao khát thành công cuộc sống. Vậy, phải chăng “sống là toả sáng”? Toả sáng nghĩa là khẳng định được bản thân, tìm được vị trí xứng đáng của mình trong xã hội, là bước chân lên đỉnh vinh quang. Nhưng toả sáng cũng có thể đơn giản chỉ là làm một việc với hết sức của mình, là dũng cảm đi theo lí tưởng, thách thức gian nguy và dông tố cuộc đời. Toả sáng tưởng chừng là một khái niệm rất trừu tượng mà lại vô cùng gần gũi. Tỏa sáng là khát vọng sống cao đẹp của mỗi con người, đó cũng chính là ước muốn con người trở nên có ý nghĩa và hữu ích với nhân sinh. Sống không nên hiểu là việc tồn tại vật chất. Sống không chỉ là hoạt động trao đổi chất với môi trường, không chỉ ăn và ngủ. Sống phải là một hoạt động mà sự tồn tại của nó góp ích cho nhân loại. Sống phải xứng đáng với danh hiệu cao quý – CON NGƯỜI. Sống là toả sáng, ý kiến đã đưa ra một quan niệm sống tích cực cho con người. Sống để khẳng định bản thân mình? Sống là nỗ lực không ngừng. Sống là toả sáng! Đây là một quan niệm đúng đắn. Sống có phải là sống không nếu chỉ là một ngày ba bữa cơm, là làm những công việc vô bổ để mà “giết thời gian” và tối đến thì ngủ vì “không có việc gì làm”? Có phải là sống không nếu ngày nào ta cũng chỉ biết làm có từng ấy việc, lặp đi lặp lại, không hề có điều gì mới mẻ, không hề có niềm vui hứng thú? Phải chăng, sống chỉ là bình yên trong “ao đời phẳng lặng”? Một cuộc sống như thế đâu đáng sống! Một xã hội chỉ toàn những kiếp sống (mà đúng ra là tồn tại!) như vậy thì đâu thể nào phát triển được. Khi con người cố gắng để “toả sáng” họ sẽ sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn rất nhiều. Họ sẽ nỗ lực hoàn thiện bản thân, sẽ không ngần ngại bước đi trên con đường lí tưởng, sẽ không bỏ lỡ một phút giây vàng ngọc nào. Đó mới đích thực là cuộc sống. Trong thực tế, đã có rất nhiều tấm gương trở thành minh chứng cho quan điểm trên. Có biết bao nhiêu tài năng âm nhạc đã cố gắng rèn luyện bản thân để “toả sáng” trên sân khấu bằng chính thực lực của mình. Ngay cả chúng tôi, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng cố gắng rèn luyện, học tập để có thể khẳng định vị trí của mình khi bước vào đời. Hằng năm, nước ta có biết bao nhiêu giải cao trong các cuộc thi Ô-lym-píc quốc gia và quốc tế. Trong các kì thi Rô-bô-con (Cuộc thi sáng tạo rô-bốt châu Á-Thái Bình Dương), rô-bốt của Việt Nam luôn đúng trong thứ hạng cao. Có biết bao thanh niên góp hết sức mình trong các phong trào tình nguyện. Đó chẳng phải là những con người đã “toả sáng” sao? Là học sinh miền sơn cước, tôi rất ngưỡng mộ anh học sinh hai lần đoạt huy chương vàng trong kì thi Vật lí quốc tế. Một học sinh Sơn La đã đạt được một thành tích mà ngay cả học sinh nơi các thành phố lớn cũng phải khâm phục. Đó là anh Ngô Phi Long, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Sơn La. Anh đã “toả sáng”, mang lại danh tiếng cho chính bản thân mình. Đồng thời, đó cũng là ngôi sao soi sáng tên tuổi của ngôi trường anh học: Trung học phổ thông chuyên Sơn La, một trường mà trước đó vẫn chưa có vị trí cao trong hệ thống các trường học trên cả nước. Tuy nhiên, sống toả sáng, không phải là dễ dàng. Ai cũng có cơ hội để toả sáng. Nhưng con đường nào trải bằng hoa hồng cũng ẩn giấu vô số những mũi gai. Và không phải ai cũng có đủ dũng khí, quyết tâm, tài năng để đi hết con đường ấy. Để có thể đội lên chiếc vòng nguyệt quế cao quý kia, mỗi con người cần có ý chí kiên cường và cũng phải rèn luyện tài năng của mình. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về một chú chim chỉ hót một lần trong dời nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần, chú bay đi tìm bụi mận gai và giữa dám cành gai góc, chú cất lên bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Những bài ca kia đã khiến cho thế giới im lặng lắng nghe, cho sơn ca, hoạ mi phải ghen tị và cả thượng đế cũng phải mỉm cười. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được nếu chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại.” (Tiếng chim hót trong bụi mận gai). Khi “sống toả sáng”, họ sẽ được mọi người kính phục, noi theo. Chàng thanh niên Pa-ven dù phải chịu bao hi sinh, bao đau đớn nhưng vẫn một lòng phục vụ cách mạng, theo đuổi lí tưởng (Thép đã tôi thế đấy). Một Ri-va-rếch dù phải hi sinh cả tình cảm cá nhân và cá tính mạng mình vẫn sống với lí tưởng của mình, sống với cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý (Ruồi trâu). Trong kháng chiến chống Pháp và Mĩ có biết bao chàng trai, cô gái, đã hi sinh cuộc sống của bản thân vì tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã bôn ba khắp nơi trên trái đất để tìm “hình của nước”, để tìm con đường đấu tranh đúng đắn cho dân tộc. Những con người ấy đã ghi tên mình vào bất tử. Thời gian có thể huỷ hoại thân thể họ nhưng linh hồn họ, trái tim họ vẫn mãi trường tồn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết “sống là toả sáng”. Có rất nhiều người sống trong đời một cách mờ nhạt. Họ sống trong vòng quanh quẩn, ngày nào cũng thế, tháng nào cũng vậy. Họ sống “Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu/ Tới hay lui cũng từng ấy mặt người” (Huy Cận). Họ có “khát khao cất cánh bay nhưng lại bị nỗi lo cơm áo ghì sát đất” (Nam Cao, Sống mòn) để rồi phải chịu sống cuộc “Đời thừa”, “Chết ngay cả khi đang sống”. Cũng có những người tuyệt đối hoá sự “toả sáng” đến mức cực đoan. Họ cho rằng “toả sáng” là nổi tiếng. Họ làm đủ mọi cách để có sự “toả sáng” ấy. Có rất nhiều ca sĩ, người mẫu cố tình tạo ra những vụ bê bối, tai tiếng mong để được mọi người quan tâm đến. Như vậy là “toả sáng”, là họ đã được nối tiếng! Những cách nghĩ, lối sống như vậy cần phải lên án và bài trừ. Có vậy thì xã hội mới có thể phát triển được. Xuân Diệu đã từng viết: Thà một phát huy hoàng rồi chợt tắt, Còn lại buồn le lói suốt trăm năm (Giục giã) Cuộc đời con người là vô cùng ngắn ngủi mà thời gian thì lại trôi chảy nhanh đến không ngờ. Chúng ta dùng để thời gian trôi đi mất rồi mới tiếc nuối vì sao không thế nọ, đáng lẽ phải thế kia. Hãy sống hết mình, sống để toả sáng. Dù đã rất lâu rồi, tôi vẫn nhớ đến Thép đã tôi thế đấy cùng câu châm ngôn của Pa-ven: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn…”.
Câu 2. Có một câu chuyện kể rằng: Khi một tên trộm đánh cắp được chiếc va-li của một người giàu có, hắn đã thấy trong đó có một quyển truyện. Đọc xong quyển truyện ấy, cảm động với nhân vật trong truyện, ông đã trả lại cái va-li với một lời cảm ơn và đi đầu thú. Câu chuyện có phần hơi phóng đại nhưng cũng thể hiện rất rõ khả năng giáo dục của văn chương: “nâng con người lên”. Nói về chức năng ấy của văn học, có ý kiến cho rằng: “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Văn học chân chính là văn học hướng về con người. Nó phải có khả năng làm cho tâm hồn con người trong sáng hơn. Nó “giữ con người không sa xuống thành con vật, nhưng cũng không biến thành những ông thành vô bổ, vô duyên”. Nó phải phục vụ cho chân – thiện – mĩ và hướng con người đến chân – thiện – mĩ. Ai đó đã nói rằng, xét đến cùng, chức năng của văn chương là nhân đạo hoá con người. Vì vậy, nó phải thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Cái đẹp, cái thiện trong văn học có thể hiển hiện rõ ràng ngay trong tác phẩm. Đó là cái đẹp của tài sắc vẹn toàn của nàng Kiều: Làn thu thuỷ nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai. Đó cũng có thể là cái đẹp của thiên lương trong sáng và tài hoa trác tuyệt của Huấn Cao, là cái đẹp của bức lụa với “những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người” và cái khí phách “Nhất sinh để thủ bái mai hoa” (Cả đời chỉ cúi đầu bái hoa mai) của Cao Bá Quát, nguyên mẫu hình tượng nhân vật Huấn Cao. Đó là vẻ đẹp “đua tinh hoa với trời đất, tranh tài của tạo hoá” – một Cửu Trùng Đài nguy nga… Đó cũng có thể là những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn con người. Đó là tình yêu thương con vô bờ bến của một người đàn bà bất hạnh phải mang trên mình ngoại hình khắc khổ và một số phận đau thương (Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa). Đó là tình người chân thật và khát vọng được yêu thương của một Thị Nở – con người “ngẩn ngơ như những người đàn trong cổ tích” và “xấu ma chê quỷ hờn”, “cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hoá công…” (Nam Cao, Chí Phèo) và một tâm hồn, một lượng tri trỗi dậy của con quỷ làng Vũ Đại. Nhìn vào cái mặt của một con vật lạ…, nó vàng vàng mà nhuốm sạm màu gió, nó vằn ngang vằn dọc không thứ tự biết bao nhiêu là sẹo” kia, ai có thể thấy được một khao khát trở lại làm người lương thiện của Chí. Chỉ có Nam Cao mà thôi. Đó chính là những cái đẹp thể hiện rõ nét trong các tác phẩm. Tuy nhiên, không chỉ viết về cái đẹp mới là “thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”, mới là văn chương chân chính. Ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác, văn học cũng nhằm hướng tới cái đẹp và cải thiện. Có thể nhìn bề ngoài, đây là một mẫu thuẫn nhưng khi đi sâu vào bản chất của văn học, ta sẽ thấy mối liên quan của chúng. Khi nói về cái xấu, cái ác nhà văn đâu có: khuyến khích người đọc: hãy ác như nó, xấu xa như nó. Không, không hề có thứ “văn chương chân chính” nào lại khuyến khích con người tội lỗi cả. Văn học nói đến cái xấu, cái ác là để cho mọi người nhìn rõ bản chất của nó, để mọi người phê phán nó, bài trừ nó ra khỏi con người mình. Văn học viết về cái xấu, cái ác là để khơi lên những cảm xúc thẩm mĩ tích cực của con người. Văn học nói về cái xấu, cái ác là để con người tự nhìn nhận lại bản thân và hướng tới việc hoàn thiện mình hơn. Như vậy, cái đích của việc miêu tả cái xấu, cái ác vẫn là để hướng về cái đẹp và cải thiện. Đọc Tấn trò đời của Ban-dắc, ta thấy rõ bộ mặt của xã hội Pháp đương thời – một xã hội mà đồng tiền lên ngôi còn những giá trị tốt đẹp của con người bị vùi dập. Nhưng qua đó, Ban-dắc hướng con người đến một lối sống đẹp hơn, biết coi trọng giá trị con người hơn. Đọc Vua Lia của Sếch-xpia ta thấy căm túc nhưng cũng giật mình soi lại lương tâm. Liệu đã bao giờ ta sống ích kỉ như vậy chưa? Ta đã báo đáp được gì cho những bậc sinh thành? Và từ đó, ta sẽ hướng tới một cách sống đẹp hơn. Đâu thể sống không tốt với cha mẹ khi mà chính ta căm ghét thái độ sống đó. Vũ Trọng Phụng là cây bút xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông đã bị nhiều người chỉ trích. Họ cho rằng những đứa con tinh thần của Vũ Trọng Phụng chỉ mang tính tố cáo hiện thực xã hội đồng tiền xấu xa, “chó đểu” chứ không hề mang lại giá trị nhân đạo, không hề giúp tâm hồn người đọc trong sáng hơn. Nhưng tôi không cho rằng vậy. Sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc” đã bóc trần bộ mặt xấu xa của xã hội và qua đó, hướng người đọc đến với những cảm xúc thẩm mĩ tốt đẹp. Đọc Giông tố, ta thấy sao mà căm tức tên Nghị Hách vừa dâm lại vừa đểu, sao mà khinh những nhà nho ra vẻ rất đường hoàng của một người có học nhưng rồi lại chạy theo đồng tiền mà bỏ mặc hạnh phúc của con. Ta thấy sao mà thương, mà giận Long, Mịch – những con người lương thiện bị xã hội đỏ đen kia làm cho tha hoá. Những cảm xúc ấy sẽ là ngọn đèn soi sáng bước chân ta, là biển báo cấm ta đi vào con đường sai trái. Số đỏ – một đỉnh cao trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng cũng là một tấm biển như thế. Một ông Tuýp-phờ-nờ luôn vì sự nghiệp Âu hoá nhưng lại cấm tiệt vợ và con ông mặc những sáng tạo của ông. Một tên Xuân Tóc Đỏ “ma cà bông” bỗng trở thành “Đốc-tờ Xuân”, anh hùng cứu quốc,… Cả Số đỏ là một vở hài kịch và mỗi chương lại là một màn kịch rất đắt giá. Hạnh phúc của một tang gia là một trong những màn hay nhất của vở hài kịch về xã hội thượng lưu đương thời. “Hạnh phúc” lại đi đôi với một từ đáng lẽ phải mang sắc điệu buồn “tang gia” đã phần nào vén tấm màn mâu thuẫn. Một đám tang “to”, kết hợp cả “ta, Tàu, Tây” nhưng lại thiếu đi cái quan trọng nhất: tình người, sự tiếc thương cho người mới mất. Một ông Văn Minh đắn đo xem phải xử trí sao với Xuân Tóc Đỏ – “gây hai cái tội nhỏ và một cái om to” (làm cho ông cụ già “đáng chết” phải chết!). Một bà Văn Minh, ông “Phán mọc sừng” suy tính kiếm ăn. trên xác chưa lạnh của người đã chết. Một cô Tuyết muốn chứng minh cho mọi người biết mình chưa mất cả chữ “trinh”. Một Xuân Tóc Đỏ đi xe chen vào giữa đoàn người đưa ma để gây nổi bật. Cậu Tú Tân và các bạn lấy đây làm dịp để khoe những chiếc máy ảnh mang từ bên Tây về, “đứng cả lên những ngôi mộ xung quanh chụp ảnh cho đỡ giống nhau”. Tất cả những nhân vật ấy đã làm nên một màn hài kịch cười ra nước mắt, cảnh tỉnh con người trước sự băng hoại đạo đức. Tuy nhiên, văn chương chân chính không chỉ có nội dung mà còn phải có phương thức thể hiện độc đáo. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, không có sáng tạo, tác phẩm văn chương sẽ không thể “nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Ý kiến trên đã cho ta một cách nhìn nhận tác phẩm sâu sắc. Đây là một ý kiến đúng đắn, là kim chỉ nam cho những người tiếp nhận. Đừng bỏ rơi tác phẩm vì nó viết về cái xấu, cái ác, hãy rút ra những bài học làm người từ đó. (Bài đoạt giải Nhì – 17/20 điểm)
NHẬN XÉT
Bài làm đã đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu cơ bản đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Người viết đã nêu rõ cách hiểu “sống là toả sáng”: Toả sáng nghĩa là khẳng định được bản thân, tìm được vị trí xứng đáng của mình trong xã hội, là bước chân lên đỉnh vinh quang. Nhưng toả sáng cũng có thể đơn giản chỉ là làm một việc với hết sức của mình, là dũng cảm đi theo lí tưởng, thách thức gian nguy và dông tố cuộc đời. Toả sáng tưởng chừng là một khái niệm rất trừu tượng mà lại vô cùng gần gũi, Toả sáng là khát vọng sống cao đẹp của mỗi con người, đó cũng chính là ước muốn con người trở nên có ý nghĩa và hữu ích với nhân sinh. Từ đó, đồng tình và bày tỏ quan điểm sâu sắc của mình về vấn đề “sống là toả sáng”. Bài viết có bố cục rõ ràng, mạch lạc. Có những luận điểm viết chắc tay, chẳng hạn: Sống phải xứng đáng với danh hiệu cao quý – CON NGƯỜI… Sống để kháng định bản thân mình, sống là nỗ lực không ngừng… Tuy nhiên, sống toả sáng, không phải là dễ dàng. Ai cũng có cơ hội để toả sáng. Nhưng con đường nào trải bằng hoa hồng cũng ẩn giấu vô số những mũi gai. Và không phải ai cũng có đủ dũng khí, quyết tâm, tài năng để đi hết con đường ấy. Người viết cũng đã có ý thức bàn sâu, mở rộng vấn đề khi viết: Có rất nhiều người sống trong đời một cách mờ nhạt. Họ sống trong vòng quanh quẩn, ngày nào cũng thế, tháng nào cũng vậy… để rồi phải chịu sống cuộc “Đời thừa”, “Chết ngay cả khi đang sống”. Cũng có những người tuyệt đối hoá sự “toả sáng” đến mức cực đoan. Họ cho rằng “toả sáng” là nổi tiếng. Họ làm đủ mọi cách để có sự “toả sáng” ấy. Có rất nhiều ca sĩ, người mẫu cố tình tạo ra những vụ bê bối, tai tiếng mong để được mọi người quan tâm đến. Như vậy là “toả sáng”, là họ đã được nổi tiếng! Những cách nghĩ, lối sống như vậy cần phải lên án và bài trừ. Tuy nhiên, phần luận bàn về biểu hiện, bản chất, cách thức toả sáng còn chưa sâu. Bởi vậy, bài viết chưa có điểm nhấn, chưa để lại những thức nhận thật sâu sắc trong lòng người đọc.
Ở câu 2: Phần lí luận bàn trúng vấn đề chức năng của văn học chân chính, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cải thiện). Có một số ý viết chắc tay, ví dụ như đoạn: Khi nói về cái xấu, cái ác nhà văn đầu có khuyến khích người đọc hãy ác như nó, xấu xa như nó. Không, không hề có thứ “văn chương chân chính” nào lại khuyến khích con người tội lỗi cả. Văn học nói đến cái xấu, cái ác là để cho mọi người nhìn rõ bản chất của nó, để mọi người phê phán nó, bài trừ nó ra khỏi con người mình. Văn học viết về cái xấu, cái ác là để khơi lên những cảm xúc thẩm mĩ tích cực của con người. Văn học nói về cái xấu, cái ác là để con người tự nhìn nhận lại bản thân và hướng tới việc hoàn thiện mình hơn. Như vậy, cái đích của việc miêu tả cái xấu, cái ác vẫn là để hướng về cái đẹp và cái thiện. Phần cảm thụ tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định, người viết có sự lựa chọn tinh tế và khá phong phú các tác phẩm văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, từ đó phân tích được những biểu hiện cụ thể của cái xấu, cái ác trong mỗi tác phẩm, làm nổi bật được khát vọng của nhà văn, thông qua việc miêu tả cái xấu, cái ác, hướng người đọc đến với cảm hứng nhân văn cao đẹp. Tuy nhiên, tác phẩm được huy động để làm sáng tỏ nhận định hơi tham về số lượng nên viết chưa sâu, chưa có điểm nhấn. Bài viết có vẻ hơi vội, gây cảm giác tiếc nuối ở người đọc.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|