Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà thơ lớn của dân tộc. Lúc nhỏ ông tên là Thắng, quê ở thôn Vị Hạ (làng Và), xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam. Ông thuở nhỏ nhà nghèo, nhưng thông minh, học giỏi. Ông đi thi, đỗ đầu cả ba kì thi : Hương, Hội, Đình, do đó người ta còn gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến làm quan chỉ khoảng mười năm. Khi thực dân Pháp đánh chiếm xong Bắc Bộ, ông đã cáo quan về quê ở ẩn.
Thơ ca của ông chủ yếu được sáng tác vào giai đoạn sau ngày cáo quan về sống ở Yên Đổ. Nhiều bài thơ của ông rất xuất sắc, thể hiện được cái hồn của làng cảnh Việt Nam, như chùm thơ thu với ba bài thơ nổi tiếng : Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Bên cạnh đó, Nguyễn Khuyến cũng có những bài thơ mang ý nghĩa trào phúng rất thâm thuý, sâu sắc. Thơ ông mang phong cách vừa rất trữ tình, vừa mang phong vị trào phúng lúc thì hóm hỉnh, lúc lại rất chua cay thâm thúy.
Căn cứ vào nội dung bài thơ và những tài liệu còn lại, có thể xác định rằng Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến được viết khi ông đã cáo quan về sống ở quê nhà. Đây là một làng quê thuộc vùng đồng chiêm trũng, đường làng có rất nhiều tre và nhiều ao nhỏ. Các sản vật nói trong bài thơ như cá, gà, cải (rau cải), cà (quả cà), bầu, mướp đều là những sản vật thông thường ở vùng quê Hà Nam.
Một người đã từng làm quan giờ về quê, sống một cuộc đời an nhàn nơi thôn dã, chợt một ngày có người bạn già lặn lội tới thăm. Có lẽ vì cảm kích trước tình cảm yêu quý, trân trọng của người bạn tri âm tri kỉ mà ông đã viết bài thơ này. Theo một số tài liệu, người bạn ấy chính là Dương Khuê, vốn là người bạn đồng khoa gắn bó rất thân thiết với nhà thơ. Khi người bạn này mất, Nguyễn Khuyến đã viết bài Khóc Dương Khuê rất cảm động. Có thể nói, Bạn đến chơi nhà cũng như Khóc Dương Khuê và một số bài thơ khác của Nguyễn Khuyến viết về tình bạn, đã góp vào thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay những thành tựu rất đáng trân trọng.
Người xưa nói quân tử chi giao đạm nhược thủy (sự giao tiếp của người quân tử thanh đạm như nước). Ý nói tình bạn chân chính là tình bạn không vụ lợi vật chất mà dựa trên sự hòa hợp về tinh thần, về tâm hồn. Bài thơ của Nguyễn Khuyến kín đáo diễn tả quan niệm về tình bạn chân chính đó.
Nhà nho thường xuất hiện trong bài thơ với vẻ nghiêm nghị, trang trọng. Những tác giả có cái tôi trữ tình hài hước, nụ cười hóm hỉnh như Nguyễn Khuyến không nhiều. Vì vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh đến sự cách tân, đến đóng góp của ông trong cách thể hiện cái tôi này.
Tri thức về thể loại
Bạn đến chơi nhà là bài thơ Nôm (tiếng Việt), theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Về đặc điểm của thể thơ này, có thể xem ở bài Qua Đèo Ngang. Tuy nhiên, bài thơ của Nguyễn Khuyến cũng không hoàn toàn tuân theo những quy định chặt chẽ về bố cục như một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật điển hình, mà có sự phá cách, sáng tạo riêng để phù hợp với việc chuyển tải nội dung. Đó cũng là một nét độc đáo của bài thơ, là một đóng góp của nhà thơ trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật, nhằm tăng giá trị biểu hiện, phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như tâm hồn con người Việt Nam.
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Bố cục của bài thơ
Bài thơ Bạn đến chơi nhà tuy viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, nhưng căn cứ nội dung, có thể thấy bài thơ không có cấu trúc bốn phần đề, thực, luận, kết mà chỉ có ba phần :
– Câu thơ đầu : Giới thiệu việc bạn đến chơi nhà, cũng là lời chào bạn.
– Sáu câu thơ tiếp theo : Lời phân trần về tình huống trớ trêu khiến nhà thơ không có gì để tiếp đãi bạn.
– Câu thơ cuối : Khẳng định một tình bạn chân chính.
Tình huống trớ trêu, khó xử khi bạn đến chơi nhà
Bài thơ mở đầu bằng một lời giới thiệu hoàn cảnh rất tự nhiên :
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Cụm từ “đã bấy lâu nay” cho biết khoảng thời gian nhà thơ được gặp lại bạn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Đó là thời gian có lẽ cũng khá dài, mà khi nói nhà thơ hẳn đã tính từ lần trước đến đây của bạn. Từ “bác” gợi một cách xưng hô vừa thân mật, vừa trân trọng – đó cũng là lối xưng hô thân mật của những người bạn già với nhau. Lối diễn đạt như nói tạo cảm giác tự nhiên, như một lời chào bật ra vui và cảm động. Bởi lẽ, chủ nhà từ quan đã lâu, trở về quê nhà với niềm thú vui điền viên, danh lợi đã xa, thế mà nay có một người bạn vẫn lặn lội đến thăm mình, sao không quý hóa, không cảm động chứ.
Lâu ngày bạn mới đến chơi, theo lẽ thường, việc đầu tiên ai cũng nghĩ đến là chuyện sẽ làm cơm thịnh soạn để thết bạn, vừa là để tỏ tấm chân tình của mình, vừa là có dịp gần gũi hàn huyên. Tác giả cũng vậy. Nhưng thật oái ăm làm sao, bạn đến vào đúng lúc không có gì để thết đãi bạn cả. Sáu câu thơ tiếp theo chính là lời giãi bày, phân bua của tác giả về cái sự trớ trêu khó xử đó :
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá.
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương khoai.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có.
Đọc đoạn thơ, trước hết có thể thấy tấm thịnh tình của chủ nhà với bạn. Bạn đến chơi thì phải tiếp đón chu đáo. Việc cần tính đến đầu tiên là sẽ ra chợ mua thức ăn ngon, sang hơn một chút, sao có thể tiếp đãi bằng những thức thường ngày của nhà được. Mà chợ thì lại ở xa, không lẽ chủ nhà để bạn ngồi đó một mình mà đi chợ – làm như vậy không tiện lắm và bạn sẽ thấy khó xử. Thế là ý định đầu tiên trong dự định tiếp đãi bạn coi như là không khả thi. Nhưng cũng không sao, vì chủ nhà có ao thả cá, có cả một đàn gà – làm cơm mời bạn bằng những thứ nuôi được đó cũng là thịnh soạn. Thế nhưng một lần nữa, ý định của chủ nhà lại không thể thực hiện được, vì cá thì nhiều, nhưng ao sâu, nước cá, không thể chài được ; còn gà thì có nhưng vườn nhà rộng quá, hàng rào lại thưa, lũ gà chạy không sao đuổi bắt được.
Như vậy là một bữa cơm thịnh soạn cũng không thể làm mời bạn. Chủ nhà đành mời bạn dùng cơm với rau quả vườn nhà trồng được. Thế nhưng, thật trớ trêu, ra đến vườn lại gặp cảnh : cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Ý định mời bạn một bữa cơm “cây nhà lá vườn” cũng không thành. Tuy nhiên, chủ nhà vẫn còn một giải pháp cuối cùng, đó là mời bạn ăn trầu. Miếng trầu vừa thơm vừa cay, vị trầu dẫn dắt những câu chuyện tâm tình hàn huyên. Dân gian có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nên thường tình, nhà nào ngày xưa cũng có cơi trầu để mời khách. Thế nhưng, lại một lần nữa, chủ nhà lại rơi vào cảnh trớ trêu khi đến cả miếng trầu mời bạn cũng không có nốt : “Đầu trò tiếp khách, trầu không có”.
Qua sáu câu thơ, tác giả mong muốn thể hiện tấm thịnh tình đối với bạn, nhưng tất cả những ý định tiếp đãi bạn, từ những thứ ngon lành cho đến những thức rau quả bình thường, đều không thực hiện được. Tất thảy đều có, nhưng lại không đi mua được, không bắt được, hoặc chưa đến lúc có thể thu hoạch được. Vật chất đã giảm dần từ cái cực đại cho tới cái cực tiểu. Và cuối cùng, đến cả miếng trầu, thứ chỉ có giá trị lễ nghi chứ không mang ý nghĩa vật chất, cái thứ tối thiểu nhất để làm “đầu câu chuyện” cũng không có. Vật chất và nghi lễ đã bị phủ định hoàn toàn, cũng đồng nghĩa với việc không có bất cứ một thứ gì để mời bạn, thết đãi bạn cho xứng với tấm lòng quý hóa của bạn.
Cái sự không có gì, đến câu thứ bảy có thể coi là cao trào. Liệu tất cả những cái không có ấy có làm thay đổi tình cảm gắn bó thân thiết của đôi bạn già không ? Câu thơ cuối đã bất ngờ chuyển thành lời khẳng định : “Bác đến chơi đây, ta với ta!”.
Với câu kết này, Nguyễn Khuyến đã thể hiện mức cao nhất tình bạn thân thiết, tri âm, tri kỉ giữa mình với bạn, đồng thời cũng khẳng định một triết lí, một quan niệm đẹp và sâu sắc về tình bạn. Vượt lên tất cả mọi vật chất, lễ nghi thông thường, tình bạn chỉ cần có tấm lòng chân thành, một sự thấu hiểu và đồng cảm đem ra giao đãi nhau cũng đã đủ là một bữa tiệc tinh thần thịnh soạn rồi. Cái có của tấm lòng đã làm cân bằng cái “không” tuyệt đối của điều kiện vật chất. Tình bạn chân chính không lệ thuộc vào điều kiện vật chất hay nghi lễ, vượt qua mọi điều kiện và hoàn cảnh.
Bác đến chơi đây, hai ta là một, tôi như bác mà bác cũng như tôi. Cụm từ “ta với ta” kết bài thơ thật là độc đáo và sâu sắc. Đó không phải là cái “ta” của một chủ thể trữ tình cô đơn đến cực điểm khi dừng chân đứng lại ngang con đèo hùng vĩ, hoang sơ lúc bóng xế tà, đối diện với cái vô cùng của vũ trụ trong Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Cái “ta” ở đây có thể hiểu là cả tôi với bác, giữa chúng ta không có ranh giới phân biệt hai chủ thể, vì cả hai chúng ta đã là tri âm, tri kỉ rồi. Dù không có mâm cao cỗ đầy sang trọng, nhưng “ta” vẫn hạnh phúc trọn vẹn vì đã có một tình bạn thật đậm đà, thắm thiết. Như vậy, câu kết bài thơ rất bất ngờ, có thể coi đó là đỉnh điểm của cả ý và tình.
Nụ cười đùa vui, hóm hỉnh và thú vị
Nếu đọc kĩ những lời phân trần của nhà thơ với bạn, có thể thấy thực ra những tình huống trớ trêu, oái ăm khiến chủ nhà không có gì đãi bạn chỉ là những lời đùa vui, là tình huống do nhà thơ cố tình dựng lên để lấy đó làm cơ sở khẳng định tình bạn thân thiết của mình với bạn mà thôi. Thử đặt giả thiết cứ cho là Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa /Ao sâu nước cả, khôn chài cá / Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà hoàn toàn đúng với thực tế, thì giọng đùa hài hước của nhà thơ vẫn được biểu lộ qua lời phân trần về việc cây nhà lá vườn cũng không có để mà đãi bạn. Quan sát và suy luận kĩ một chút về mùa vụ trồng và thu hoạch các loại rau quả đó, ta thấy những thông tin mà chủ nhà đưa ra để phân bua cực kì mâu thuẫn nhau. Ngày xưa, người dân trồng cây gì cũng đều theo mùa vụ. Rau cải trồng và thu hoạch vào mùa đông, đầu xuân ; cà trồng tháng hai (ca dao có câu : Tháng chạp là tháng trồng khoai / Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà) ; còn bầu và mướp là những cây ăn quả trồng vào cuối xuân, khi hè về cũng là lúc bầu vào mướp ra hoa, kết quả. Căn cứ vào mùa vụ gieo trồng của dân gian phương mà tính, thì khi cải chửa ra cây có nghĩa là cải mới được gieo, chắc chắn đó là thời điểm mùa đông rồi ; còn cà mới nụ có nghĩa là lúc đó khoảng cuối mùa xuân ; và thời điểm mà bầu vừa rụng rốn, mướp hương hoa là bắt đầu bước vào mùa hạ. Chỉ trong một thời gian cụ thể, sao lại có thể là tình cảnh rau dưa của cả mùa đông, cuối xuân và lại cả đầu mùa hạ cùng tồn tại được ? Rõ ràng, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đang mỉm cười rất hóm hỉnh khi phân trần vì cái tình cảnh oái ăm của mình – làm gì có chuyện vào đúng một thời điểm bạn đến chơi mà lại xảy ra bao nhiêu cái sự ngỡ ngàng như thế. Rau quả của cả mấy mùa cũng được đưa ra để phân bua ?
Như vậy, tất cả những điều Nguyễn Khuyến giãi bày chỉ là một cách nói quá, cường điệu lên như thế để đùa vui cùng với bạn tri kỉ của mình mà thôi chứ chẳng phải nhà thơ đang than thở về chuyện mình không có gì đãi bạn. Đùa như thế, cũng là một cách để hai người bạn già thấy vui, thấy hạnh phúc vì tình bạn của mình vượt lên tất cả mọi điều kiện vật chất, chẳng cần thiết phải có mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị sang trọng thì mới đến được với nhau. Thế mới biết, nụ cười của một nhà nho mới thật hóm hỉnh và nhiều ý vị.
Vẻ đẹp của vườn tược làng quê
Qua những lời nhà thơ nói với bạn, người đọc như cảm nhận được cả vẻ yên bình, những màu sắc tươi tắn, mát dịu và sự sống đáng yêu của những mảnh vườn quê. Những câu thơ gợi ra hình ảnh ao sâu nước cá – một đặc điểm quen thuộc của làng quê vùng đồng chiêm trũng ; những khu vườn rộng với những đàn gà kiếm ăn. Có cả sự sống đang nhú mầm xanh tươi trong hình ảnh cải chửa ra cây ; có hình ảnh những bông hoa cà chúm chím, gợi ra một sắc tím dịu dàng khi cà mới nụ ; cả sắc vàng tươi như nắng của mướp đương hoa ; cả sự sống bắt đầu kết trái của hình ảnh bầu vừa rụng rốn. Những từ ngữ rất giản dị, gần với ngôn ngữ đời thường đã gợi ra được sự sống động trong cái hồn của làng quê Việt Nam xưa : chửa ra, mới, vừa, đương – sự vật không ở trạng thái tĩnh mà như đang có sự vận động. Bên cạnh đó, việc nhắc đến miếng trầu cũng là nói về một phong tục rất đẹp của người Việt Nam xưa, không phải chỉ ăn trầu vào những dịp hiếu hỉ, mà thường ngày có khách đến chơi cũng lấy trầu để mời khách, thể hiện tình cảm trân trọng quý mến khách. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần tạo nên giá trị đặc sắc cho bài thơ.
* Bằng việc cố tình dựng lên một tình huống khó xử khi bạn đến chơi nhà, nhà thơ đã thể hiện, ngợi ca tình bạn giao hòa đậm đà, thắm thiết. Bài thơ cũng gợi ra những suy ngẫm sâu sắc về một tình bạn chân chính. Bài thơ có giọng điệu hóm hỉnh, đùa vui hài hước kết hợp với lối nói cường điệu đã khéo léo dựng lên một tình huống éo le về sự không có gì tiếp đãi bạn. Nhà thơ đã có nhiều sáng tạo trong việc vận dụng chỉ thơ Đường luật. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng được vận dụng linh hoạt, tự nhiên.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.