TUYỂN CHỌN NHỮNG BÀI VĂN ĐOẠT GIẢI QUỐC GIA HỌC SINH GIỎI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 2007
Không có phản hồi
Năm 2007
ĐỀ BÀI
Câu 1. (8.0 điểm) Trong việc nhận thức, F Ăng-ghen có phương châm: Thà phải tìm kiếm sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời, C. Mác thì thích câu châm ngôn: Hoài nghi tất cả. Anh (chị), hiểu thế nào về những ý tưởng trên?
Câu 2. (6,0 điểm) Có ý kiến cho rằng: Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thật sự bắt đầu. Anh (chị) hãy bình luận ý kiến đó.
Câu 3. (6,0 điểm) Cảm nhận của anh (chị) về đoạn văn sau đây trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam: Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên nào. Con tàu như mang một chút thế giới khác qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và im lặng. (Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
YÊU CẦU LÀM BÀI
Câu 1. Đối với câu này, người viết có quyền tự do lựa chọn thể loại để trình bày cách hiểu của mình. Tuy nhiên, cần phải đạt được hai nội dung căn bản sau đây:
Ý căn bản: đối với con người, thà vất vả tìm hiểu trong một thời gian ngắn (suốt đêm) để có được một nhận thức rõ ràng, khai thông được tư tưởng về một vấn đề nào đó, còn hơn là cứ để nó tồn đọng như một việc chưa được giải quyết, khiến cho mối nghi ngờ về nó luôn đè nặng mình trong thời gian dài (suốt đời).
Ý căn bản: cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận mọi điều, chớ thụ động, cả tin vào những gì mà chính mình chưa suy xét, kiểm chứng.
Cần thấy mỗi ý tưởng ấy đều hợp lí. Bề ngoài chúng có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng bên trong lại thống nhất. Mỗi câu nhấn mạnh vào một khía cạnh của vấn đề nhận thức, các khía cạnh ấy bổ sung cho nhau.
– Sự thật là những chân lý khách quan. Tìm hiểu sự thật là mục đích quan trọng đối với việc nhận thức. Nếu không nắm được sự thật thì sẽ gây khúc mắc và ngờ vực, nghi hoặc. Nghi ngờ là một trạng thái tinh thần tiêu cực bất lợi đối với đời sống. – Phương châm của Ăng-ghen là đúng đắn. Thà mất công tìm hiểu sự thuật suốt đêm là giải pháp tích cực. Còn để trạng thái nghi ngờ đè nặng mình suốt đời là tiêu cực. Mất công trước mắt mà có được lợi ích lâu dài vẫn luôn là lựa chọn khôn ngoan của con người nói chung, của việc tìm hiểu khoa học nói riêng.
Châm ngôn C. Mác thích là một ý tưởng đúng đắn: – Hoài nghi là phẩm chất tích cực, là thái độ tỉnh táo khoa học và sự cẩn trọng trong tìm hiểu và tiếp nhân. Trong cuộc sống cũng như trong nghiên cứu khoa học, thái độ hoài nghi là điều cần thiết. Nó giúp con người có được sự cẩn trọng và chắc chắn trong hiểu biết, tránh được những hồ đồ, cả tin dễ dẫn tới sai lạc, lầm lẫn. – Cần phân biệt hoài nghi khoa học và sự nghi ngờ như đã nói trên và thói đa nghi. Đặc biệt lưu ý đa nghi là một căn bệnh tiêu cực. Nó khiến người ta không tin vào bất cứ điều gì.
– Câu châm ngôn C. Mác thích thì nhấn mạnh vào sự cần thiết của thái độ hoài nghi khoa học như một tiền để gợi cảm hứng cho con người tìm kiếm sự thật. – Còn câu của F. Ăng-ghen thi nhấn mạnh vào việc tích cực dấn thân tìm kiếm sự thật để hoá giải mối nghi ngờ. – Cả hai đều là những phương châm đúng đắn và cần thiết đối với việc nhận thức của con người.
Câu 2. Có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần đạt được một số yêu cầu sau:
Người viết cần phải xác định ý kiến này thực chất là đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học. Nó để cao vai trò của chủ thể tiếp nhận là người đọc. Khi tác phẩm kết thúc là khi tác giả đã hoàn thành tác phẩm cũng là khi người đọc đã dọc xong tác phẩm; ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu nghĩa là, lúc bấy giờ tác phẩm mới thực sự sống đời sống của nó trong tâm trí người đọc, tác phẩm mới thực sự nhập vào đời sống thông qua người đọc.
– Khẳng định đây là một ý kiến đúng đắn. Nó đã chỉ ra được mối liên hệ thực tế giữa nghệ thuật và đời sống, giữa sáng tạo và tiếp nhận. Nó đề cập được vấn đề cốt lõi của vòng đời tác phẩm. Nó nhấn mạnh vai trò của người đọc tri âm và là người đồng sáng tạo, người quyết định đến đời sống thực sự của tác phẩm nghệ thuật. – Khẳng định đây là mot ý kiến súc tích, chứa đựng những ý tưởng sắc sảo với hình thức diễn đạt gây ấn tượng.
Để làm sáng tỏ và tăng tính thuyết phục cho việc giải thích và bình luận của mình, người viết cần phải minh hoạ bằng các tác phẩm văn học mà mình nắm vững.
Câu 3. Đây là dạng để tương đối mở. Người viết không nhất thiết phải để cập tất cả những đặc sắc của đoạn văn mà được tự do trong việc cảm nhận. Có thể cảm nhận về toàn thể, có thể về một khía cạnh nào đó của đoạn văn. Tuy nhiên, dù cảm nhận theo hướng nào cũng không được thoát li văn bản. Dưới đây là một số đặc sắc căn bản của đoạn văn mà người viết có thể cảm nhận: – Vẻ đẹp của tầm hồn nhân vật Liên. Một tâm hồn trong trẻo vừa mẫn cảm đối với ngoại giới vừa giàu mơ ước về một cuộc sống tươi vui tràn đầy âm thanh và ánh sáng. Nó hiện ra trong những cảm nhận tinh tế, những quan sát tinh vi và một nỗi niềm tâm tư kín đáo đầy ắp buồn nhớ và mơ tưởng. – Vẻ đẹp của văn chương Thạch Lam. Ngôn ngữ giàu chất thơ, glọng điệu tâm tình đẩy thương cảm, chí tiết và hình tượng nghệ thuật bình dị giàu sức gợi, bút pháp tương phản nhuần nhị. Qua đó, có thể thấy một tấm lòng trắc ẩn mênh mông mà thấm thía dành cho những con người nhỏ bé trong cuộc sống nhọc nhằn ở những miền đời bị quên lãng.
BÀI LÀM SỐ 1
Câu 1.
Câu hỏi cuối cùng cho thế giới vẫn còn đó (Anh-xtanh) Nói đến C. Mác và F. Ang-ghen là nói đến hai vị lãnh tụ tinh thần tối cao của phong trào vô sản thế giới, và cũng là nói đến một đôi bạn thiên tài. Ở họ có rất nhiểu tư tưởng chung mà tư tưởng về sự nhận thức là một trong số đó. F. Ăng-ghen có phương châm: Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời, còn C. Mác thì thích câu châm ngôn: Hoài nghi tất cả. Có lẽ ta sẽ tìm thấy trong lời hai bậc vĩ nhân chân lí về việc nhận thức của con người. Nhận thức là việc tìm tòi, khám phá thế giới vạn vật xung quanh ta, hay đi sâu vào kho tàng nhân loại để tìm những chân trời tri thức. Rộng hơn, nhận thức là sự hấp thụ những tinh hoa kiến thức nhân loại, tạo ra nguồn nội lực bản thân để có thể vươn tới chân lí vĩnh hằng. Chính vì vậy, Ang-ghen khuyên ta tìm hiểu sự thật suốt đêm là muốn ta không ngừng nhận thức những quy luật của vạn vật, của vũ trụ. Nhưng điều quan trọng là sự nhận thức có đứng yên không, liệu có cái gọi là “chân lý cuối cùng” không? C. Mác lại tiếp tục khai sáng cho ta một con đường nhận thức: Hoài nghi tất cả. Hoài nghi là một phương thức phủ định triết học, người biết hoài nghi là người luôn nhìn sự vật ở quy luật duy vật biện chứng, tức là không có gì đứng yên; luôn có sự thay đổi tương đối về chất và lượng trong chúng. Vì vậy sự hoài nghi là một bước phát triển cao hơn của nhận thức; là khả năng nhìn nhận sự vật ở bề sâu, bề rộng nội tại của nó. Trên lập trường mác-xít, C. Mác đã nhận ra: Hoài nghi tất cả là một phương diện triết học của mình. Nhưng vì sao ta luôn phải nhận thức và hoài nghi trong cuộc sống? Không cần phải là nhà triết học, bạn cũng thấy vũ trụ này rộng lớn đến thế nào. Có không biết bao nhiêu điều cần khám phá, cần khai mở mà ta chưa nhận thấy. Tất cả đã ở bên ta rồi, chỉ có điều ta chưa khám phá ra mà thôi. Chỉ cần đi sâu vào một lĩnh vực khoa học, người ta cũng thấy hàng trăm mối quan hệ phức tạp giữa nó và các bộ môn khác. Thế giới này như một mê lộ của tri thức, nếu như ta không liên tục nhận thức để tìm đường ra, đến với những chân trời mới thì ta cứ đi lạc mãi mà thôi. Đến Niu-tơn, một nhà bác học uyên thâm, am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực từ toán học, vật lí đến triết học, thiên văn học… cũng chỉ dám nhận mình là hạt cát trước đại dương mênh mông trí thức nhân loại. Chính sự trái ngược giữa kho tàng tri thức khổng lồ với sự hạn hẹp của tầm nhận thức cá nhân con người đã thúc đẩy loài người liên tục tìm về phía trước để vươn tới những phát kiến mới. Nếu không khao khát nhận thức cái mới, thì cái lâu đài văn hoá suốt hàng vạn năm của nhân loại không chóng thì chẩy sẽ đến ngày sụp đổ. Vì thế, có thể coi nhận thức không ngừng là một tín ngưỡng căn bản của loài người. Nhận thức không ngừng vẫn chưa đủ. Ngày nay, chúng ta sống trong mot xã hội biến đổi như vũ bão từng phút, từng giây, nên “thoả mãn tức là chết”. Mới mấy chục thế kỉ mà bộ mặt thế giới thay đổi không biết bao nhiêu lần. Từ lửa đến bom nguyên tử, từ giáo mác đến đại bác…. những vườn địa đàng đã biến mất, con người bị thần thánh bỏ rơi giữa cái hỗn mang cuộc sống. Họ chỉ còn biết không ngừng lao động và sáng tạo để cải biến cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn. Trong mười năm, tivi từ màn hình lồi sang màn hình tinh thể lỏng chẳng phải minh chứng đó sao. Dòng lịch sử luôn có những biến thiên vĩ đại mà cá nhân không cưỡng lại nổi; vì thế mỗi người phải luôn thay đổi, luôn hoài nghi những cái cũ để tiến kịp bước nhân loại. Sự hoài nghi ở đây đồng nghĩa với sự tiến bộ tất yếu của lịch sử. Và thế giới “hậu hiện đại” ngày nay đang là sự hỗn loạn những tư tuởng. Nguời ta còn đòi “phản tự sự” để lập ra học thuyết “không cái gì hết”. Thật đáng buồn biết bao khi họ biến hoài nghị thành một sự phủ định vô căn cứ. Vì thế, bạn ơi, hãy biết hoài nghi nhưng đừng bi quan để hoài nghi không biến thành phá hoại hoặc thúc thủ bó tay hay biến mình thành “kẻ ghét đời”. Sự nhận thức của ta trước thế giới được biểu hiện như thế nào? Điều đó tuỳ thuộc mỗi cá nhân. Nhưng ở ai cũng vậy, muốn nhận thức được phải thay đổi nguồn nội lực của mình trước đã. Phải không ngừng trau dồi năng lực, nâng cao tự duy,… mới có đủ tâm thế để nhận thức xung quanh. Nhớ khi xưa, Vương Dương Minh bỏ mười năm đọc sách chỉ để nâng cao tri thức đến mức tìm hiểu ra “cách vật” mới thôi. Nay, ở những công ty liên doanh, không có trình độ vi tính, ngoại ngữ,… thì tấm bằng chuyên môn của anh cũng bỏ đi. Thế mới biết, nâng cao nội lực quan trọng thế nào. Sau khi nhận thức lại chính mình, ta lại phải thay đổi nhận thức, phải “hoài nghi” để phù hợp với xung quanh. Cứ nhìn việc nước ta gia nhập WTO là ta đã hiểu rõ việc hoài nghi chính mình quan trọng thế nào. Các doanh nhân, các nhà lãnh đạo biết phải dẫn con tàu đất nước theo những con đường quanh co, khúc khuỷu của toàn nhân loại, chứ nhất quyết không đi theo con đường đơn tuyến của một nuớc Việt Nam. Trong thời buổi toàn cầu hoá này, biết rõ đâu bạn đâu thủ là điều kiện tiên quyết để kinh tế nước nhà đi lên. Là người công dân của nước Việt Nam, tôi biết rõ trách nhiệm đang đè nặng lên đôi vai mình. Nhưng “vui gì hơn làm người lính đi đầu”, tôi sẽ không ngừng trau đi bản thân và học theo những tinh hoa văn hoá thế giới để cùng toàn dân tộc bị vào kỷ nguyên ánh sáng Ngoài ra, tôi còn muốn đi theo con đường nghiên cứu văn học. Không chỉ học văn như trên ghế nhà trường, tôi tự biết mình phải nỗ lực không ngừng mới theo kip bước tiến của văn chương thế giới. Tôi đọc Pa-vic, Oe Ken-za-bu-zô, Am-bét-tô Ê-cô, Ốc-ta-vi-ô Pát, Mi-lan Kun-đơ-ra,… để hiểu những tác giả quan trọng đương thời; cũng như đọc thuyết giải cấu trúc, nhân học tưởng tượng, phân tâm học, kí hiệu học.. để biết được phê bình – lý luận thế giới đang diễn tiến thế nào. Ngoài ra tôi còn muốn mình phải hiểu thêm triết học, mĩ học, ngôn ngữ học, xã hội học,… để “hiện đại hóa” cái tầm vóc tí hon của mình trước bước đi vĩ đại của văn chương thế giới. Trước mắt tôi là con đường sương mù, nhưng tôi biết mình phải di, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Để-các nói: Tôi tư duy tức là tôi tồn tại, nhưng sự tư duy của ta đã là gì với trị thức ngoài kia. Vì thế, C. Mác và Ăng-ghen khuyên ta đừng bao giờ biết thoả mãn về nhận thức. Ngày mai thế giới này sẽ thế nào? Ai mà biết được. Và bạn ơi, chỉ mình bạn mới có thể trả lời được câu nói ấy mà thôi vì bạn là một thực thể biết hoài nghi và quan trọng hơn bạn biết trả lời bằng cách của mình thế nào. Và bạn ơi, có một lời khuyên chân thành dänh cho bạn: Hãy chỉ tin vào những gì mình thực nghiệm được. Hay nói như An-đơ-rê Gi-đơ. Đoc xong sách của tôi, hãy quẳng nó đi. Ai biết được ngày mai thế giới sẽ thay đổi vì bạn?
Câu 2. Nếu như trong cuộc sống, C. Mác khuyên ta hãy biết hoài nghi tất cả thì khi đọc một tác phẩm văn học, ta có phải hoài nghi không? Khi mà những nhân vật, thôi câu chuyện của họ, ta gấp sách lại và an tâm rằng thế là mình đã biết hết; liệu thế có được chăng? Tất nhiên là không rồi, vì khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu. Ngay từ xưa, Hê-ghen trong Triết học tinh thần đã yêu cầu việc xem xét tác phẩm trong hệ thống “tác giả – tác phẩm – người đọc” vì ông cho rằng sự tồn tại của tác phẩm chỉ tồn tại trong ba yếu tố quan hệ hữu cơ với nhau ấy thôi. Còn người Trung Quốc xưa, lại cho rằng tác phẩm tồn tại trong lòng của người tri kỉ chứ không trên trang giấy; vì thế việc viết văn là việc của tấm lòng. Lí luận hiện đại lại cho rằng tác giả “mã hoá” văn bản và người đọc là người “giải mã” nên tác phẩm là sự “tập hợp các dấu vết mã hoá”. Vậy thì cuối cùng, vấn để thực sự của lí luận tiếp nhận là gì, và tại sao tác phẩm chỉ sống khi dấu chấm hết văn bản xuất hiện? Tác phẩm văn học là một văn bản ngôn từ. Nhưng đặc trưng của ngôn từ là tính mơ hồ đa nghĩa nên người ta gọi tác phẩm văn học là một “văn bản mở”. “Văn bản mở” nghĩa là tác phẩm gồm hai phần: “phần cứng” là những con chữ bé mặt văn bản đang nằm im, “phần mềm” là hệ thống tư tưởng, ý nghĩa được xuất hiện trong quá trình tiếp nhận. Vì thế, cái gọi là “tác phẩm văn học” chỉ thực sự tồn tại khi nó biến thành cái “phần mềm” kia, còn nếu không nó trở thành “quyển sách”. Mà rõ ràng, ý muốn của nhà văn là truyền đến bạn đọc những lẽ sống của đời chứ không phải để bán sách. Chính vì thế, tác phẩm chỉ thực sự tồn tại khi người ta ý thức được về nó mà thôi. Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người. Cảm kích trước tấm lòng bạn đọc, tác phẩm tái sinh trong lòng họ, và ban cho họ những xúc cảm thẩm mĩ riêng biệt. Vì thế, mỗi tác phẩm là một tiếng mời gọi tha thiết tấm lòng bạn đọc đến với mình, tri âm với mình để mình có được một đời sống mới. Tác phẩm không phải một thứ giáo điều được định trước mà nó thẩm thấu vào tâm hồn bạn đọc bằng chính tình yêu thương mà độc giả dành cho nó. Sức sống của tác phẩm không nằm ở lối ra lệnh của nhà binh hay truyền giáo của tu sĩ mà nằm ở trường nhìn, trường cảm của từng cá nhân đọc khác nhau. Ta cũng biết, tác phẩm là một “ảnh”, một “phiên bản” của hiện thực đời sống nên nó không bao giờ trùng khít với đời sống, nhất là các tư tưởng, các luật lệ ngoài đời. Vì thế để xác định các “luật” trong tác phẩm, giữa người đọc và tác giả có một “quy ước ngầm” với nhau về sự “như thật” của tác phẩm. Chính sự “quy ước” ấy là sự tương thông giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận mà khi chuyển hoá qua văn bản nó tạo ra sức sống cho tác phẩm. Ngẫm ra, tuỳ từng tư tưởng, kinh nghiệm, thẩm mỹ của mỗi độc giả mà sự “quy ước” ấy cao thấp khác nhau, và cũng vì thế tác phẩm có muôn ngàn cuộc sống khác nhau. Bởi vậy, tác phẩm vừa là nó, vừa chẳng là nó. Sự thú vị trong đa dạng tiếp nhận cũng chẳng kém sự thú vị trong đa dạng sáng tạo. Vì thế sức sáng tạo của nhà văn, qua bạn đọc cứ nhân lên đến vạn lần. Và thế là nghệ thuật có sự sống vĩnh hằng vì nghệ thuật có hai con đường: sáng tạo và đồng sáng tạo. Nhưng “quy ước” sự sống kia lại có vấn đề: liệu cái rung động đời này có làm xúc động thời khác không. Ta vẫn biết trường tư tưởng, trường thẩm mĩ của mỗi thời mỗi khác nên sự cảm hiểu của một cá nhân, một cộng đồng có thể thay đổi liên tục là bình thường. Cứ lấy Đôn Ki-hô-tê làm ví dụ. Người Tây Ban Nha gọi chàng là kẻ điên rồ, người Pháp gọi là chú hề đáng thương, các môn đệ của chủ nghĩa lãng mạn gọi Đôn Ki-hô-tê là người anh hùng còn sót lại, còn chủ nghĩa hiện thực lại coi là biểu tượng của sự suy vi một thời phong kiến đã qua. Vậy rõ ràng, những môi trường văn hoá khác nhau tạo ra những “phạm trù hiểu” không cùng hướng. Vậy thì sự “đúng – sai” trong “quy ước” có làm tổn hai sự sống tác phẩm không? Lí luận xưa “đổ lỗi” cho người đọc vì họ coi văn bản là “mẫu mực”, nhưng lí luận hiện đại không cho như vậy vì họ coi tác phẩm có rất nhiều “khoảng trống” cần được bù lấp bởi cảm quan riêng của độc giả. Ta coi tác phẩm như cái dài nhiều dải tần, ai thích nghe sóng nào thì nghe, nhưng phải bắt đúng dải sóng nếu không chỉ có tạp âm thôi. Vì thế, sự “đúng – sai” trong tác phẩm là quy luật nội tại tất yếu của văn học, nó chỉ thúc đẩy sự sống của tác phẩm trường tồn mà thôi. Vậy thì lịch sử văn học, xét đến cùng, là lịch sử sáng tạo và tiếp nhận văn học. Nói đến lí luận tiếp nhận ứng vào thực tế văn chương ở Việt Nam, tôi nhớ đến bài thơ Văn cảnh trong Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta đã tốn hàng bao nhiêu giấy mực để bàn cãi về một chữ “lưỡng” trong bài thơ. Đây là từ chìa khoá để khai mở bài thơ. Xuân Diệu coi “lưỡng” ở đây là hai sự vô tình khép kín một đời hoa, còn Trần Đình Sử coi “lưỡng” là phó từ, còn chủ ngữ hàm ẩn “quyết định nghĩa” bài thơ là người tù Hồ Chí Minh tự trách mình vô tình. Thú vị nhất là Nguyễn Khắc Phi khi đưa ra quan niệm “lưỡng vô tình” là sự trôi chảy liên tục, bất biến của thời gian đã làm cho người tù bất bình. Giáo sư đã dùng văn học so sánh để chứng minh đầy thuyết phục nhưng cũng chẳng bác bỏ được hai luận điểm trên. Thế mới biết, cái sức sống thanh xuân của Bác truyền cả vào bài thơ, làm cho người ta nghĩ suy không dứt lẽ đời, về việc hành xử với cái đẹp. Khi bài thơ kết thúc, có lẽ Người cũng không thể ngờ sức sống của nó còn mãnh liệt hơn hoa hồng, “hương thơ” nhờ lòng độc giả mà bay khắp nhân gian. Còn riêng tôi, tôi vẫn cho rằng giáo sư Nguyễn Khắc Phi đúng, nhưng tầm kiến thức hạn hẹp chẳng thể chứng minh nổi theo cách của mình. Li luận văn học đi từ tác giả (phê bình tiểu sử) đến tác phẩm (thi pháp học, giải cấu trúc) rồi đến độc giả (phê bình “cái đọc”). Rõ ràng đó là một con đường nhận thức dài của nhân loại. Nhưng có một điều không đổi thay là tấm lòng bạn đọc dành cho tác phẩm mãi mãi vĩnh hằng. Dù ngày nay có tiểu thuyết “đa cốt truyện” nhưng những kiệt tác xưa cứ mãi mãi tồn tại vì đã nhập hồn, hoá thân vào độc giả mất rồi.
Câu 3. Nói đến văn học lãng mạn Việt Nam mà không nói đến Thạch Lam cũng giống như đi thăm rừng mà quên cây cổ thụ lớn nhất vậy. Văn Thạch Lam đến nay vẫn là một thanh âm trong trẻo lạ thường giữa nền văn học nước nhà. Mỗi truyện của ông đầy chất thơ, chất thơ của những câu văn như dòng thơ không xuống dòng, chất thơ của những tâm hón nhỏ bé bình dị đang tồn tại như một thanh âm trầm lắng. Ông quan niệm văn học là thứ “khí giới thanh cao và đắc lực” để chống lại những giả dối bất công ở đời, nên không chỉ “gò câu, dúc chữ” mà Thạch Lam còn ẩn sau mỗi trang văn để nói lên tiếng nói bi thiết về một xã hội khốn cùng mà mỗi cá nhân trong đó đang chờ “một cái gì tươi sáng hơn” cho đời họ. Hai đứa trẻ là một minh chứng cho điều ấy. Mỗi đoạn văn đều để lại ấn tượng sâu đậm. Nhưng có lẽ đoạn văn từ Chuyến tàu đêm nay không đông đến đồng ruộng mênh mang và yên lặng vẫn choáng ngợp hồn tôi. Mở đầu là một nhận xét khách quan của Liên về chuyến tàu đêm, cái mà cô bé chờ đợi, hy vọng. Nó đem lại chút thất vọng cho cô khi mà “thưa vắng người ” và kém sáng hơn”. Điều đó biểu hiện cho một hiện thực nghèo nàn, tăm tối hơn đang bao trùm ngoài kia và nó tạt ngang qua phố huyện chỉ làm nỗi buồn xót thêm bi thảm mà thôi. Nhưng dù trái với mong ước, Liên vẫn tự an ủi mình để thoát khỏi bóng tối thăm thẳm của màn đêm phố huyện: Nhưng họ ở Hà Nội về!… Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Thạch Lam đã thật thạo dò la những chỗ tế vi trong tâm hồn trẻ thơ. Người ta cho rằng đây là sự trốn tránh hiện thực, sự chìm lấp vào quá khứ nhưng tôi cho rằng khi ý thức cá nhân đạt đến cao độ, nó chuyển hoá thành sự làm chủ cả quá khứ và tương lai. Thương yêu vô cùng nhân vật của mình, Thạch Lam không thể để Liên bị bóng tối kia làm cho bào mòn ý thức như những nhân vật khác nên ông tạo cho cô bé một điểm tựa tinh thần: Hà Nội. Nó không chỉ là một không gian xác định mà là một nơi tượng trưng cho mộng tưởng, mơ ước của Liên. Nó khác hẳn phố huyện, nó là nơi tâm hồn Liên có thể mở ra đón lấy hạnh phúc của đời. Nhưng mơ rồi cũng tỉnh, Liên vẫn nhận ra mình đang bị tù túng trong không gian phố huyện, còn con tàu chỉ là “một chút thế giới khác đi qua”. Nhưng đối với Liên, khi bóng tối trở thành một “thói quen” của thế giới tinh thần, thì một chút ánh sáng ấy thôi cũng đủ để cô có nghị lực sống. Thế giới trong mắt Liên được đo bằng “ánh sáng” vì nó là cái duy nhất có ý nghĩa với người dân ở phố huyện, nó tồn tại leo lắt trong ngọn đèn chị Tí, ánh lửa bác Siêu. Nhưng điều quan trọng không ở những “hột sáng” đó mà nằm ở tâm hồn muốn toả sáng của Liên. Tâm hồn ấy khao khát được sống với cái day dứt khôn nguôi về “sống là thay đổi” nhưng hoàn cảnh lại không chấp nhận cái ước vọng bình dị ấy. Đêm tối trở thành một lực lượng ám ảnh không gian nghệ thuật tác phẩm. Nó bao bọc chung quanh… và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng. Cái không gian vô vọng và không hề thay đổi ấy muốn bóp nghẹt con người bằng cái sức mạnh của sự vô nghĩa. Vô nghĩa ở đây chính là sự đối chiếu giữa tiếng kêu than của người với sự im lặng của xã hội. Biện pháp lấy ánh sáng để tả bóng tối đã thể hiện thành công điều ấy. Ngẫm ra ở bể sâu văn bản, ta như thấy sự đối thoại ngầm giữa ánh sáng của hi vọng le lói và bóng đêm của sự tù hãm. Sự đối thoại ấy đồng nghĩa với tiếng kêu cấp cứu của Thạch Lam với xã hội, khi mà con người đang dần mất ý thức về sự toả sáng của chính mình. Không hiểu sao đọc đoạn văn, tôi tưởng như đọc một đoạn dằn vặt nội tâm nào đó trong bi kịch của Sếch-xpia. Hai đứa trẻ cũng là một bi kịch mà thôi. Trên cái phông nền phố huyện, bóng tối và ánh sáng từ những đèn chiếu lấp loáng thay nhau làm chủ sân khấu, và Liên ngồi đó, lẳng lặng nhìn tất cả, dòng độc thoại hiện ra miên man day dứt về “nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh”. Bi kịch thực sự xảy ra khi đoàn tàu vụt đến, vụt đi, để lại một cái Đẹp thoáng chốc tồn tại như một “hư ảnh”, Và Thạch Lam thật đau đớn khi chọn nhân vật chính chỉ là một đứa trẻ. Tại sao trẻ con bình thường sống trong hạnh phúc về tương lai mà Liên lại phải quay đầu về quá khứ, một quá khứ xa xăm. Và tại sao ánh sáng đoàn tàu không rọi sáng toàn phố huyện mà chỉ tạo nên một dư âm đầy chua xót. Những câu hỏi đó tạo nên “chất thơ” của một bi kịch cổ điển khi mà con người bị tước đoạt ra khỏi cái chân – thiện – mỹ. Những câu văn ngắn, nhiều vần bằng; một sự khai phá hiện thực ở bề sâu bằng những chuyện vặt thường ngày là phong cách của Thạch Lam. Ông mất đi quá sớm như đoàn tàu kia nhưng ánh sáng của ông cứ toả rạng với muôn đời. Đó là thứ ánh sáng của con người cả đời lên án những sức ép và thực tại nào tạo ra sức ép để con người không được được sống với tận độ cá nhân mình. Đó là ánh sáng của lương tri đang soi rọi những uẩn khúc, đổ vỡ của lòng người khi va chạm với thực tại bất công ngang trái nhưng vẫn khao khát sống, khao khát yêu thương. Vâng, Thạch Lam với Hai đứa trẻ vẫn là một con tàu đầy ánh sáng đi trong lòng ta, đi trong cuộc sống của ta. (Bài đoạt-giải Nhất – 18/20 điểm)
NHẬN XÉT Bài làm đã đáp ứng tốt những yêu cầu đặt ra trong đề bài. Ở câu 1, người viết hiểu đúng thông điệp trong câu nói của C. Mác và Ăng-ghen. Với vốn tri thức đời sống tương đối sâu rộng, người viết đã luận bàn khá thuyết phục về mối quan hệ giữa việc tìm hiểu sự thật và sự hoài nghi trong cuộc sống. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lí lẽ già dặn, diễn đạt trôi chảy. Tuy nhiên, nhiều chỗ bàn luận còn chưa sâu (có lẽ do chịu áp lực thời gian); đoạn cuối viết hơi khô, ít nhiều mang tính thuyết giáo. Ở câu 2, bài viết súc tishc và có tầm của một học sinh giỏi quốc gia, ít nhiều bộc lộ năng lực văn chương của người viết. Những hiểu biết rộng và sâu về vấn để tiếp nhận văn học, vốn tri thức khá đầy đặn về tác phẩm văn chương đã dược vận dụng nhuần nhuyễn và có hiệu quả trong việc làm sáng tỏ mối liên hệ giữa nghệ thuật và đời sống, giữa sáng tạo và tiếp nhận văn học, vai trò của chủ thể tiếp nhận người đọc. Có nhiều chỗ khá thú vị vì chất đổi thoại và cách dẫn dắt vấn đề linh hoạt. Ở câu 3, với khả năng cảm thụ văn chương khá tốt, người viết đã chi ra được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên và thấy được phần nào vẻ đẹp của văn chương Thạch Lam. Tuy vậy, nếu phân tích sâu hơn chút nữa về vẻ đẹp nghệ thuật của đoạn văn thì bài viết sẽ hoàn hảo hơn.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|