RỪNG XÀ NU (Nguyễn Trung Thành)
Không có phản hồi
RỪNG XÀ NU (Nguyễn Trung Thành)
Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông có bút danh khác là Nguyên Ngọc. Nguyễn Trung Thành là bút danh được dùng trong những năm ông hoạt động ở chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Truyện ngắn Rừng xà nu công bố lần đầu năm 1965. Khi đó, cách mạng miền Nam đã trải qua thời kỳ đen tối đến lúc Đồng khởi và đang tiếp tục cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai. Theo lời Nguyễn Trung Thành, ông nhớ rất rõ ngày 8-3-1965, mấy vạn lính thủy quân lục chiến Mĩ đổ bộ vào bãi biển Chu Lai. “Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán một mất một còn trực tiếp với đế quốc Mĩ”. Vấn đề đặt ra trong truyện ngắn là vấn đề trung tâm của toàn dân tộc lúc đó: con đường duy nhất lúc đó cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong một thế tương quan lực lượng chênh lệch về vũ khí kỹ thuật, đâu là sức mạnh mang lại thắng lợi cho chúng ta? Truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành góp phần tìm ra câu trả lời: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Ý chí quyết đấu là nguồn gốc của sức mạnh. Tác phẩm cũng chỉ ra vẻ đẹp tinh thần của nhân dân Tây Nguyên bất khuất. Lúc nhà văn định viết một truyện ngắn về đồng bằng đánh Mĩ nhưng mấy đêm thức ròng ông không sao viết được. Ông chuyển qua viết về miền núi và trong một đêm giữa năm 1965, Rừng xà nu đột ngột đến với tác giả. Mặc dù câu chuyện hư cấu nhưng các nguyên mẫu đều là có thật, nhà văn đã gặp họ ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác. Nguyễn Trung Thành kể là ông đã quen biết ông Núp, ông Mết từ hồi đánh Pháp, khoảng năm 1963 đã gặp anh Đề người Xê-đăng và nghe anh kể, năm 1959 anh Đề đã cùng 10 trai làng dùng dao dựa, giáo, mác giết được một tiểu đội lính Diệm. Cuối năm 1963, trong một hội nghị ở huyện Đắc-lây, Nguyễn Trung Thành đã gặp một cô gái người Ê-đê xinh đẹp, vừa là cán bộ phụ nữ xã, vừa là du kích. Những con người ấy gặp nhau, âm thầm hình thành những nhân vật văn học trong tác giả để khi ông viết, chúng hội tụ về dưới trang văn. Quá trình viết câu chuyện trở nên dễ dàng: “Tất cả, tôi không phải “bịa” thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Mặc dầu tất cả đay hoàn toàn là một câu chuyện bịa mà như thật. Với tôi nó hoàn toàn có thật”.
Cây xà nu là cây thông. Văn học trung đại đã viết không ít về cây thông, nhưng đều tập trung khai thác ý nghĩa biểu trưng của cây thông cho phẩm chất của người quân tử. Bởi lẽ cây thông vẫn xanh tươi ngay cả giữa mùa đông lạnh giá trong khi tất cả các loài cây khác đều rụng lá. Đây là thứ cây tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất, không chịu đổi dời bản tính theo ngoại cảnh. Truyện ngắn Rừng xà nu cũng khai thác nghĩa biểu trưng của cây thông nhưng không phải là của một cây thông riêng rẽ mà là của một rừng thông, một “tập thể” thông. Tác phẩm cũng không nhằm vào biểu tượng quân tử ở cây thông mà hướng đến diễn tả sức sống mạnh mẽ, bất diệt của rừng thông như một biểu tượng về sức sống mạnh mẽ, bất diệt của những con người Tây Nguyên bình dị, không một bạo lực nào có thể tiêu diệt nổi. Đây là một nét mới của ý nghĩa biểu trưng của rừng thông mà văn học cách mạng có thể đưa vào kho tàng văn học. Nguyễn Trung Thành kể về hồi tháng 5 năm 1962 hành quân từ miền Bắc vào đến khu rừng bát ngát ở phía Tây Thừa Thiên thì gặp cây xà nu. “Tôi say mê cây xà nu từ ngày đó. Ấy là một thứ cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã, vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru”. Vì thế, khi dự định viết về miền núi đánh giặc, Nguyễn Trung Thành đã gặp cây xà nu trong những dòng đầu tiên: “Bắt đầu đến dưới ngòi bút, gần như không hề tính trước, là một rừng xà nu, những cây xà nu… rừng xà nu chợt đến và lập tức tôi biết tôi đã tạo được không khí, đã có không gian ba chiều. Và cũng đã lập tức nhập được vào không khí và không gian ấy”. Biểu tượng xà nu đã hình thành từ thực tế quan sát, suy nghĩ nhiều năm của tác giả để trong giây lát có thể xuất hiện, dẫn dắt cho mạch truyện.
Ý nghĩa tượng trưng của rừng xà nu rất dễ quan sát thấy qua việc miêu tả rừng xà nu ở phần mở đầu và phần kết thúc câu chuyện. Mở đầu thiên truyện là cuộc chiến đấu thầm lặng mà quyết liệt giữa một bên là rừng xà nu và một bên là đạn pháo của giặc. Một chi tiết được miêu tả không hề ngẫu nhiên và trái lại, được tác giả có dụng ý nhấn mạnh: giặc bắn đại bác ngày hai lần, nhưng “hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Những loạt đạn đại bác là sự thử thách nghiệt ngã đối với rừng xà nu. Hàng vạn cây xà nu bị thương, nhựa ứa ra, đau đớn uất hận như máu nhỏ. “Ở chỗ viết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh ngày hè nắng gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Nhưng nói tới sự tàn phá của đại bác giặc cũng là một cách giới thiệu sức sống bất diệt của cây xà nu. Đối lập với sự tàn phá của đạn đại bác giặc là hình ảnh rừng xà nu kiên cường, bất khuất, hệt như con người, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác vươn lên trước những làn đạn: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bui vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng […]. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã”. Kết thúc câu chuyện, nhà văn láy lại hai ý: một số cây xà nu to bị thương, nhựa ứa ra “lóng lánh nắng hè” và những cây nhỏ đang mọc lên như để thay thế những cây bị ngã: “Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê”. Rừng xà nu có dáng dấp của một tác phẩm luận đề, cách mở đầu và kết thúc hé mở triết lý mà tác phẩm sẽ phân tích, chứng minh. Có thể nói hình tượng rừng xà nu là một biểu tượng đẹp về dân làng Xô Man. Trong làng này, những người dân tộc Strá cũng quật cường, bất khuất, các thế hệ nối tiếp nhau cùng chung một truyền thống đấu tranh cách mạng kiên trung, một truyền thống không khi nào bị gián đoạn, đứt quãng. Cây xà nu ở đay cũng giống như cây tre dưới xuôi, một biểu tượng đẹp về sức sống dẻo dai bền bỉ của con người.
Nhân vật trung tâm của tác phẩm- nếu như có yêu cầu phải xác định – có thể tìm thấy ở nhân vật Tnú. Tuy vậy không thể nói là các nhân vật khác được xây dựng mờ nhạt hay đơn giản. Tnú chỉ là đại biểu cho một trong các thế hệ nối tiếp đấu tranh cách mạng ở làng Xô Man.
Dít có cách thể hiện tình cảm rất đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể hiểu được khi đặt vào bối cảnh của phong trào cách mạng miền Nam đầu những năm 60, khi gắn với truyền thống cách mạng của người dân Tây Nguyên từ hồi chống Pháp. Buổi hội ngộ đầu tiên của họ sau mấy năm Tnú đi vắng hơi bất ngờ với Tnú. Cặp mắt mở to, trong suốt, bình thản của Dít nhìn Tnú hồi lâu rồi Dít hỏi Tnú bằng cái giọng lạnh lùng: “Đồng chí về có giấy không?”. Trong sự lạnh lùng của nguyên tắc đó bao hàm một nguyên cớ thật đẹp: Dít muốn Tnú phải là một chiến sĩ giải phóng quân mẫu mực, về phép dù chỉ một đêm cũng phải có giấy phép của chỉ huy. Chỉ sau khi biết Tnú có giấy phép, Dít mới vồn vã: “Sao anh về có một đêm thôi […] Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi”. Thể hiện tình cảm cá nhân gắn liền một cách hài hòa với sự nghiệp cách mạng là một đặc điểm phổ biến của văn học cách mạng, tạo nên chất sử thi cho tác phẩm.
là một chiến sĩ cách mạng với những nét đặc trưng của người dân Tây Nguyên. Cuộc đời anh li kỳ như một huyền thoại trong thiên sử thi anh hùng ca chói lọi của núi rừng Tây Nguyên. Cụ Mết muốn câu chuyện về Tnú sẽ được các thế hệ nối tiếp nhau kể cho nhau nghe. Học chữ hay quên, nhưng Tnú rất sáng dạ, thông minh khi làm liên lac cho anh Quyết từ huyện về xã. Tnú chấp nhận khó khăn: không đi đường mòn, cứ xé rừng mà đi; không vượt sống ở chỗ nước êm mà vượt thác. Đó là vì sự an toàn của những chuyến đi chuyển thư từ, công văn. Lần cuối cùng bị địch bắt, Tnú đã kịp nuốt cái thư của cán bộ để giữ bí mật. Rồi anh vượt ngục của kẻ thù trở về. Anh gan góc, dũng cảm, ít lời mà cương quyết. Khi bị bắt, kẻ thù bắt anh phải khai ai là cộng sản. Tnú đặt tay lên bụng nói: “Ở đây này!”. Lưng anh đã phải nhận bao nhát dao chém của bọn lính. Tnú đã lao vào giữa bọn lính để cứu mẹ con Mai nhưng đã không cứu được mà thân mình bị bắt. Sự việc đó có nhiều ý nghĩa nhưng cho thấy bản lĩnh của anh. Khi chúng đốt hai bàn tay anh cũng là lúc tất cả thanh niên trong làng đã đem những cây dựa mài bằng đá núi Ngọc Linh chém chết hết mười tên lính. Mô-típ bàn tay là một mô-típ có sức diễn đạt rất sâu sắc của thiên truyện. Bàn tay Tnú như một tấm gương phản ánh tư tưởng, tình cảm của anh. Bàn tay Tnú có lcus đặt trong lòng bàn tay Mai để rồi họ thành vợ thành chồng. Bàn tay ấy hãnh diện để lên bụng để trả lời quân thù: Cộng sản “ở đây này”. Khi đau đớn, uất hận, bàn tay ấy đã bứt hàng chục trái vả mà không biết. Để đe dọa những bàn tay cầm giáo mác, cầm súng, kẻ địch quấn giẻ tẩm dầu xà nu lên mười đầu ngón tay của Tnú và đốt. Nhưng chính lúc kẻ thù định hủy diệt bàn tay thiêng liêng của người dân Tây Nguyên thì chúng đã phải nhận lấy đòn trừng phạt thích đáng nhất. Các trai làng cầm giáo mác giết chết mười tên giặc. Đốt hai bàn tay của Tnú tức là tiêu diệt ý chí đấu tranh cách mạng, chỉ đứng lên giết chết kẻ thù, chặn đứng tội ác của chúng là con đường sống duy nhất. Tnú đã không dùng dao, dùng súng mà dùng mười đầu ngón tay cụt bóp cổ chết tên chỉ huy địch cũng là một cách trả lời cho kẻ thù biết sự khủng bố điên cuồng, độc ác của chúng là vô ích. Tnú kể lại sôi nổi: “Tôi tống đầu gối lên ngực nó, tôi bóp đèn pin lên mặt nó: Dục, mày có nhớ tau không? Nó lắc đầu. Được, đây này, hai bàn tay tau đây này, nhớ chứ? Tau vẫn cầm được súng? Mắt nó trắng dã. Tôi nói: Này, tau có súng đây, tau có cả dao găm đây. Nhưng tau không giết mày bằng súng, tau không đâm mày bằng dao nghe chưa! Dục! Tau giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày thôi!”. Thằng Dục, đứa đã tẩm dầu đốt tayanh hiển hiện ở bất cứ một tên giặc nào. Trong sự hồn nhiên của Tnú có chân lý: “Chúng nó đứa nào cũng giống như thằng Dục”. Tính cách của Tnú là điển hình cho tính cách của người Tây Nguyên: ít lời, giản dị mà cương quyết, rắn chắc; cuộc đời và số phận của Tnú là điển hình cho số phận và cuộc đời của người Tây Nguyên: đầy đau thương mà quật cường , anh dũng, một lòng kiên trung với cách mạng.
Vốn là tác giả của Đất nước đứng lên, Nguyễn Trung Thành hiểu rõ và năm vững văn hóa, đất nước và con người Tây Nguyên. Ông có sở trường dựng nên không khí của núi rừng Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên. Truyện ngắn này có sức hấp dẫn nhờ nghệ thuật khắc họa những nét tính cách đặc sắc của người Tây Nguyên qua ngôn ngữ, ngoại hình, hành động của họ. Người Tây Nguyên trầm lặng, ít nói nhưng có cách bày tỏ tình cảm, tư tưởng riêng qua hành động. Khi Tnú về thăm làng cũ, có người nhảy phóc từ trên sàn nhà xuống đất để đón anh. Cụ Mết có lối mắng yêu thật lạ: “Cha mẹ mày, đi lâu thế! Để cho lũ con gái chúng nó lớn lên chẳng còn thằng thanh niên nào cho nó bắt chồng!”. Rồi cô Dít ít lời mà cũng không kém phần ý tứ: “Dít ngồi sụp xuống trước mặt anh, hai chân xếp về một bên, đưa tay kéo tấm váy che kín cả gót chân”… Ngôn ngữ nhân vật có bản sắc dân tộc, chắc gọn, đơn giản mà đầy triết lý. Những chi tiết nho nhỏ như vậy đã dệt thành một bức tranh chân dung về những người Tây Nguyên vừa lạ lùng, vừa gần gũi thân thương. Không gian núi rừng Tây Nguyên cổ sơ, trầm mặc cũng được dựng lại một cách sống động qua hình ảnh đậm chất Tây Nguyên. Đó là tiếng chày giã gạo như một nỗi nhớ da diết nhất cho những đứa con Tây Nguyên đi xa. Đó là hồi mõ dìa ba tiếng vang lên từ phía nhà ưng thôi thúc mọi người lại họp ở chỗ già làng. Đó là các cây đuốc sáng quanh nhà cụ Mết. Rồi không khí trang trọng, thành kính của dân làng vây quanh cụ Mết chờ cụ kể chuyện về cuộc đời Tnú như chờ nghe kể khan truyền thống. Rồi tiếng cồng chiêng, rồi mỏ đá mài trên núi Ngọc Linh đủ dùng cho cả trăm cuộc khởi nghĩa gươm giáo mác của Tây Nguyên. Có nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét rằng, truyện Rừng xà nu mang đậm màu sắc sử thi. Chất sử thi toát lên từ tinh thần vì cộng đồng của con người, từ những vấn đề chung, liên quan đến số phận chung của cả cộng đồng. Nguyễn Trung Thành nói “Rừng xà nu” là truyện của một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời. Nhưng nó cũng ngắn, cũng chỉ là một đêm trong sự sống vất vả, đau khổ và hạnh phúc”. Câu chuyện kể một đêm chính là nói câu chuyện cụ Mết kể cho dân làng nghe kể về cuộc đời Tnú nhân dịp anh được về nghỉ phép một đêm: “Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…”. Đó đúng là thể chức kể sử thi của người Tây Nguyên. Câu chuyện một đời của Tnú nhưng cũng là câu chuyện của cả buôn làng, không chỉ kể một đêm mà sẽ kể mãi, như những thiên sử thi đã từng được kể hàng trăm năm, ngàn năm nay. Thêm một ý nghĩa nữa của câu chuyện Tnú, một thiên sử thi của thời đại mới. Tuy vai người kể chuyện là cụ Mết nhưng thực ra, cách kể của Rừng xà nu khá linh hoạt. Điểm nhìn của người kể có thay đổi, khi là ngôn ngữ tác giả, khi là lời cụ Mết, khi là chính nhân vật Tnú hiện diện. Ví dụ, cả đoạn tả Tnú từ gốc cây xông ra đến khi anh bị bọn thằng Dục tẩm dầu vào giẻ đốt cả mười ngón tay là nhìn tâm trạng anh từ bên trong, người kể hóa thân vào nhân vật để quan sát, ứng xử và bộ lộ cảm xúc. “Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”. Đây tất nhiên không phải là lời kể của người đứng nhìn từ bên ngoài mà là cảm nhận của người trong cuộc. TRẦN NHO THÌN Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|