Truyện ngắn – Quá khứ rượt đuổi
Không có phản hồi
Truyện ngắn
QUÁ KHỨ RƯỢT ĐUỔI
Hết giờ làm, nhân viên lũ lượt kéo nhau ra về, hắn vẫn còn ngồi nán lại. Quá nửa cơ quan gọi hắn là Sếp: – Về thôi Sếp ơi! – Em về trước Sếp nhé! – Muộn rồi đấy Sếp ạ!…Hắn đáp lại cấp dưới bằng nụ cười, cái gật đầu có nhịp điệu. 5h 30 phút, hắn nhìn đồng hồ, thở dài, với chiếc áo Vét và buớc khỏi phòng làm việc. Ở nhà, vợ hắn – một phụ nữ đẹp và đài các, hai đứa con sạch sẽ, béo tốt – học sinh xuất sắc của những trường điểm trong thành phố, đang đợi hắn về dùng bữa. Mâm cơm của một số nhà giàu là biểu hiện của sự dư thừa tiền bạc, cầu kì trong chế biến, và là niềm an ủi của những bà vợ sống nhờ bổng lộc của chồng. Lẽ ra hắn đã về, nhưng khí trời se lạnh xúi dục hắn phóng xe ra bờ hồ tìm một chiếc ghế đá. Ngồi nhìn thành phố lên đèn và dòng người hối hả bon chen trong cuộc vật lộn mưu sinh cũng có cái thú. Đang trầm tư chiêm nghiệm trước những biến đổi dữ dội và lặng lẽ của đời, thì hắn nhận ra phía bên kia đường có một người quen. Đúng là một người quen… Cách đây ba hôm, hắn cũng rời cơ quan rất muộn, trên đường về hắn ghé vào một quán bia cùng dăm đồng nghiệp. Cả hội đang thưởng thức cái khẩu vị trái mùa thì một thằng bé ở đâu lò dò tiến lại. Thằng bé đen nhẻm, tay đầy vết muỗi đốt, da dẻ tím tái, xách một chiếc hộp gỗ nhỏ có đôi dép nhựa rách kẹp phía trên – Gì đấy ông tướng? – Đồng nghiệp của hắn vui đùa hỏi thằng bé. – Đánh giày đi chú? – Thằng bé trả lời bằng một câu hỏi. Hắn nhìn xuống chân thấy đôi giày đang đi không phản chiếu một tí ánh sáng nào, hắn nhìn thằng bé thương hại: – Đánh cho cẩn thận, tí tao cho thêm. Thằng bé vui vẻ xách đôi giày hiệu Fugi ra góc quán. Mười lăm phút sau, chủ quán có vẻ hài lòng vì tửu lượng của mấy ông khách. Hắn và đồng nghiệp tranh nhau rút ví. Thanh toán xong, hắn mới nhớ đến thằng bé đánh giầy. – Mẹ kiếp! biến đâu rồi. – Hắn buột miệng khi nhìn về góc quán chẳng thấy có ma nào. Sau đó, chợt nhớ ra mình là một trí thức, hắn thận trọng và lịch thiệp hơn: – Nhìn xem thằng bé đâu các cậu? – Xong rồi – Đồng nghiệp hắn trả lời và tiếp: – Lần trước tớ cũng bị chôm mất một đôi, quên hôm nay không nhắc cậu. – Hai trăm của tớ đấy! – Hắn nói như rên. Bạn bè nhìn hắn chia sẻ, rồi cả bọn kéo nhau về. Đúng là đôi giầy bị mất trị giá 200 USD – kỉ niệm lần xuất ngoại gần đây nhất của hắn đến nước Mĩ. Của đi thay người, hắn tự an ủi vậy, nhưng vẫn thấy tiếc và bực bội. Hắn không hiểu tại sao trẻ con bây giờ lưu manh thế. Thằng bé chỉ hơn đứa con đầu của hắn độ dăm ba tuổi vậy mà dám ăn cắp ngay giữa ban ngày. Gớm thật! Chắc không cha không mẹ hoạc nếu có cũng phường trộm cắp nên con cái mới ra thế. Hắn đinh ninh như vậy bởi vì hắn nghĩ nếu thằng bé được di truyền một dòng máu lương thiện như con trai hắn ở nhà thì dù có chết đói cũng chẳng dám tắt mắt của ai cái gì. Chuyện xảy ra đã ba ngày. Lẽ ra hắn đã cho qua. Một tháng có thất thoát dăm bảy triệu, thì cũng không vì thế mà hắn để vợ con phải bớt đi một sự hưởng thụ nào. Nhưng oái ăm thay, không mong mà gặp. Ngay lúc này đây, thằng bé ăn cắp đang lững thững đếm bước bên kia đường, cách chỗ hắn ngồi chừng hai ba chục mét. – Phải túm cổ thằng bé, thử đòi lại đôi giày, nếu không đòi được cũng phải quạt cho nó một trận, để lần sau chừa thói ăn ăn cắp. Nếu thằng bé không chịu thừa nhận và còn láo toét cải lại thì cứ xách cổ về đồn Công an cho họ đưa nó đi cải tạo. – Hắn nghĩ thế và lên xe, rẽ ngang đường tiến về phía thằng bé. Khi chỉ còn cách thằng bé mấy bước chân, qua ánh đèn xe máy hắn chợt thấy đít quần thằng bé có một lỗ thủng, hai gót chân đen thui, tay phải xách hộp gỗ, tay trái cầm một túi nilon, hình như bên trong đựng cơm và thức ăn, trông lẫn lộn khó phân biệt. Hắn thay đổi ý nghĩ; – Không nên tóm nó vội, để xem nó đi về đâu, vào tận hang ổ mà tóm cũng không muộn, vả lại chẳng lẽ mình comle, cà vạt thế này mà lại đi giằng co với một đứa bé trông như ăn mày giữa đường. Thiên hạ không hiểu chuyện, họ coi mình ra cái gì – Nghĩ vậy và hắn quyết đi theo… Đi hết con đường lớn, thằng bé rẽ vào một ngõ nhỏ, sau đó nó đi ra phía bờ sông. Ngay giữa lòng thành phố, vẫn còn không ít khu ổ chuột – sự mỉa mai đối với những cao ốc chọc trời. Thằng bé đi về phía xóm lao động nghèo ven sông. Hắn bước theo thằng bé và bỗng nhiên nhận ra mình đang lạc vào một thế giới không thân thuộc. Những căn nhà lụp xụp, thấp bé với giấy dầu, prôximăng, và những mái tôn hoen ghỉ, ánh áng trong nhà tung toé theo những chỗ rách nát. Nhà thằng bé ở phía cuối con đường chật hẹp và lầy lội. Hắn đoán là vậy khi thấy thằng bé dừng lại trước một cái cổng được rào chắn sơ sài bằng một bó tre gai. Nhưng đột nhiên một sự việc đã xảy ra ngoài sự kiểm soát của hắn, thằng bé bỗng dưng quay ngoắt lại, mắt nhìn trân trân, rồi như không hề có ý định bước vào căn nhà trước mặt, nó quay ra, co cẳng chạy cật lực. Trước tình thế cấp bách, hắn không kịp suy xét, chỉ còn biết bỏ chiếc xe máy lại rồi lao theo thằng bé. Xóm nhỏ phút chốc trở nên ầm ĩ bởi tiếng chó cắn và tiếng bước chân người chạy. Mấy người trong khu dân cư nghèo đang ngồi phân loại những đống rác gom nhặt trong ngày, ngơ ngác trước cảnh tượng một người đàn ông sang trọng đuổi theo một thằng bé rách rưới, họ không biết chuyện gì đã xảy ra nên đều ngước nhìn theo hai người. Thằng bé lao như điên xuống bờ sông, lau sậy trở thành vị cứu tinh của nó. Hắn bất lực đứng nhìn thằng bé biến mất trong một dãy dài những cỏ cây hoang dại. Về nhà nó xem sao… – Hắn nghĩ vậy và lững thững quay về phía căn nhà có bó tre gai khép cửa. Trong nhà không có ánh đèn, hắn khẽ kéo bó rào bước vào. – Có ai ở nhà không? – Trả lời hắn chỉ có sự im lặng. Cửa nhà không khoá, hay nói đúng hơn là không có khoá. Bên trong, một chiếc bàn mất một chân, đã được một chủ nhân vụng về thế vào bằng những viên gạch không cùng cỡ, một cái tích sứt quai, vài ba chiếc cốc. Hình như có hơi thở người, hắn giật mình quay lại góc phải căn nhà, một người đang nằm trên giường. Tối quá, hắn bật màn hình chiếc Iphone. Trên giường, một người đàn ông nằm bất động, thân hình co quắp, hình như không biết đến sự có mặt của hắn. Bên cạnh giường, một nồi cháo không đậy nắp, vài con dán đang tự do ra vào. Rùng mình, hắn toan bước ra ngoài thì bỗng dưng giật thoát. Ánh sáng từ căn nhà bên cạnh xuyên qua một lỗ thủng của bức vách nơi người đàn ông nằm, chiếu thẳng vào bức vách đối diện, nơi có một chiếc bàn thờ được đặt cao quá đầu người. Trên bàn thờ, bát hương nguội lạnh, phía sau bát hương là một bức ảnh đen trắng. Hắn không nhìn rõ mặt người đàn bà trong bức ảnh nhưng thấy rất quen. Khi tiến lại gần hắn mới đọc rõ được dòng chữ: Lê Thị Mây hưởng dương 27 tuổi. Hắn ngã khuỵ khi thấy đôi mắt to đen của người dàn bà trong ảnh đang trừng trừng nhìn hắn. … Hắn vội bước ra khỏi căn nhà như thể có một bóng ma xua đuổi. Trong đầu hắn phút chốc bao nhiêu hình ảnh nát vụn đổ xô về. Đó là những phần chắp nối khập khiễng, rách rưới của kí ức. Một kí ức không xa. Hình như trong những mạnh vụn kí ức ấy hắn nhớ có một cô gái tên Mây… Rồi lại nghe văng vẳng lời mẹ hắn: – Cái gì? Mày nói gì? Không phải mày định nói mày sẻ lấy nó chứ? Một con nhà quê, thất học, không cha mẹ …Sao cơ? Có thai? Mà có thai thì đã sao? Cứ có thai là cưới, thì mẹ phải cưới vợ cho mày bao nhiêu lần rồi hả con? Sao tự dưng mày lại dở chứng thế…? Hắn nhớ… rồi hắn lại quên. Đầu hắn quay cuồng. – Mọi việc để đấy tao lo. Thu xếp hành lí mai lên đường. Bố mày đang chờ bên ấy. Hình như đó là câu nói cuối cùng của mẹ hắn trước khi hắn lên đường du học. Rồi hắn lại nhớ ở xứ người đã có lúc hắn thấy dằn vặt về những lỗi lầm của mình. Nhưng rốt cục sau 5 năm du học trở về hắn đã quên hết, đã xóa sạch hết kí ức về một thời mà hắn cho là nông nỗi. … Người đàn bà tên Mây đã chết sau khi sinh. Đứa bé lớn lên bằng sữa đi xin. Người đàn ông đang nằm liệt trong ngôi nhà kia là ân nhân của mẹ con nó. Chính anh ta đã cứu vớt mẹ con Mây lúc chị ta bụng mang dạ chửa không nơi nương tựa. Ba tháng trước anh ta ngã dàn giáo, giờ bị liệt toàn thân. Đến lượt thằng bé trả ơn người đàn ông. Nó bỏ học đi đánh giày để lấy tiền nuôi thân và trang trải thuốc men cho bố. Dù nó biết người đàn ông mà nó gọi là bố không cùng dòng máu với nó… Đó là một phần câu chuyện mà hắn được người hàng xóm của cha con thằng bé kể lại. Sau khi nghe xong câu chuyện, hắn lặng lẽ đi ra phía bờ sông. Vẫn không hề có một chút động tĩnh. Định cất tiếng gọi thằng bé. Nhưng bỗng dưng hắn hoảng sợ, bởi trong chốc lát, hắn như trông thấy cả một thành phố giàu sang và lộng lẫy phía bờ bên kia đang dần bị nhấn chìm…chìm dần xuống đáy dòng sông… Đặng Ngọc Khương – GV Ngữ văn trường THPT Chuyên ngoại ngữ
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|