Ca dao biểu đạt toàn diện các trạng thái tình cảm, các mảng màu hiện thực cuộc sống con người : có tiếng hát nghĩa tình thắm thiết, tiếng hát than thân xót xa, cay đắng và tiếng cười trào lộng lạc quan, vui vẻ. Các thể loại khác của văn học dân gian như vè, câu đố, đặc biệt là truyện cười cùng thể hiện một cách sâu sắc, phong phú tiếng cười dân gian. Ở mảng nội dung này, ca dao vẫn có cách phản ánh riêng gắn với những thủ pháp nghệ thuật độc đáo tạo nên tiếng cười trào lộng vui tươi và giàu ý nghĩa giáo dục.
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Bài 1 : Bài ca mở đầu bằng câu thơ dường như không ăn nhập lắm với nội dung phản ánh “Cái cò lặn lội bờ ao”. Lối mở đầu này cốt để bắt vần, để ứng khẩu nhanh, cần thiết trong các sinh hoạt ca hát mang tính tập thể cũng như trong sáng tạo, truyền miệng và diễn xướng văn học dân gian :
Cái cò lặn lội bờ ao,
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng ?
Đến câu thứ hai xuất hiện tình huống, đó là câu hỏi của “tôi” với đề nghị mai mối, cầu hôn cô gái mặc yếm đào cho “chú tôi”. Trong quan niệm của người xưa, cái yếm đào biểu hiện cho vẻ đẹp, sự trẻ trung của người con gái nên chắc chắn cô gái mặc yếm đào phải là cô gái xinh gái, đáng yêu. Vậy “chú tôi” là người như thế nào mà muốn ướm hỏi cô gái làm vợ ? Tác giả đã đáp ứng sự mong đợi của người nghe khi giới thiệu “chú tôi” :
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.
Chân dung của người đàn ông được tạo nên với những nét biếm họa tài tình. Sự lặp lại tới bốn lần từ “hay” (nghĩa là giỏi) đầy mỉa mai, châm biếm : hay tửu hay tăm nghĩa là nghiện rượu, hay nước chè đặc nghĩa là nghiện chè. Những thông tin cho thấy đây là con người nghiện ngập, bê tha. Còn cái “hay” nữa là “hay nằm ngủ trưa”, thông tin về sự lười nhác, chỉ hay ăn, không hay làm việc. Bài ca dao lại cụ thể hơn về sự lười biếng của gã đàn ông sức dài vai rộng. Ước muốn đêm ngày thường trực của anh ta là chỉ mong ngày thì toàn ngày mưa để không phải đi làm, được ở nhà nằm ngủ. Đêm thì mong không chỉ có năm canh (cách tính thời gian của người xưa : đêm năm canh, ngày sáu khắc) mà phải nhiều “ hơn để được nằm ngủ, không phải làm gì khác cả. Bức biếm họa đã được hoàn thành làm người nghe bật cười về một anh chàng nghiện ngập, ưa hưởng thụ, lười biếng nhưng lại ước vọng viển vông.
Tiếng cười ở đây từng bước được nâng cao. Hai câu cuối khai thác cái đáng cười bằng phương pháp phóng đại, hướng đến mâu thuẫn trái với lô– gíc, trái với tự nhiên thông thường khiến người nghe bật cười vì ước muốn lạ lùng, không bao giờ có thể xảy ra trong hiện thực : ngày thì chỉ toàn ngày mưa, nhất là đêm không chỉ có năm canh theo quy luật tự nhiên mà mong muốn kéo dài thời khắc đêm nhiều hơn nữa để ngủ cho thỏa thích.
Cái cười lại còn được chứa đựng trong lối nói ngược ở bài ca. Thông thường ngỏ lời mối mai, ướm vợ cho ai đấy thì người ta phải giới thiệu những ưu điểm của đối tượng thì ở đây người giới thiệu lại toàn nói đến cái xấu của đối tượng để mỉa mai, giễu cợt. Những cái “hay” toàn là những điều nói mỉa mai, nói ngược lại. Nghe xong lời giới thiệu, chắc chắn chẳng cô gái nào lại dại dột mà “rước” một người lười biếng, vô tích sự ấy về làm chồng.
Bài ca dao có chức năng gây cười vừa mua vui, vừa phê phán hạng người nghiện ngập, lười biếng, bê tha mà thời nào cũng có và cũng đáng bị chê cười. Ngày nay, cuộc sống quanh ta vẫn còn hiện tượng những người sức dài vai rộng nhưng lười lao động bê tha rượu chè, cờ bạc. Những câu ca xưa vẫn luôn phát huy tác dụng giáo dục trong cuộc sống hiện tại.
Bài 2 : Bài ca dao có tính chất giễu nhại lời của thầy bói nói với người đi xem bói. Trong suốt nghìn năm Bắc thuộc, và trong 10 thế kỉ quân chủ độc lập, nền văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ trung đại. Căn cứ vào ngày sinh tháng đẻ, một Đạo gia kiêm Nho gia đời Tống sơ, tên là Đỗ Nam, hiệu là Hi Di, đã tập hợp các kiến giải về lí thái cực của vũ trụ, xem xét sự vận chuyển của trời đất, suy diễn ra hành động của vạn vật rồi áp dụng các hệ quả của nó vào nhân tướng học để giải đoán tâm linh, vận số của con người, mở đầu cho Lí số và tướng số học. Chính ông đã tìm ra nguyên tắc viết nên lá số tử vi để tìm hiểu số phận con người. Quan điểm của con người theo thuyết định mệnh cho rằng, cuộc đời con người sung sướng hay bất hạnh, giàu sang hay nghèo nàn, thành công hay thất bại đều do định mệnh, đều được an bài bởi thiên mệnh.
Bói tức là một hành động của người giỏi tử vi, tướng số xem về những điều xảy ra trong tiền vận, hiện tại, tương lai của mỗi con người. Trong hiện thực cuộc sống, quả thật có một số ít người có khả năng kỳ lạ, biết trước và tiên đoán một thông số nào đó về số phận con người trong số người có khả năng siêu phàm ấy không nhiều. Rất nhiều người dựa vào niềm tin mù quáng của những người luôn hoài nghi về sức mạnh của chính bản thân mình để hành nghề bói toán bịp bợm kiếm ăn. Ở đây cần có sự phân biệt giữa tín ngưỡng và mê tín. Tín ngưỡng là niềm tin, là sự ngưỡng vọng của con người vào thế giới siêu nhiên, phi trần thế như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ mẫu,… còn mê tín là niềm tin có phần mê muội, cuồng tín quá mức của con người, thường mang ý nghĩa tiêu cực.
Bài ca dao đã chế giễu những kẻ hành nghề thầy bói nhưng lại hành nghề một cách lừa bịp, không có tri thức. Hãy nghe thầy đã bói cho người xem bói (ở đây là đối tượng nữ được thì gọi là “cô”, nội dung quẻ bói của thầy toàn là những điều thật trọng đại đối với đời sống một con người). Đó là tổng quan về số mệnh bản thân, về gia đình cha mẹ, về nhân duyên vợ chồng, đường con cái. Vậy mà những thông tin thầy bói cho người xem bói lại là những thông tin ai cũng có thể nói được vì nó là lối nói nước đôi, lập lờ, nói dựa :
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Câu mở đầu đã khiến người nghe bật cười vì lối nói nước đôi ấy. Thầy chứng minh thêm cho sự tiên đoán của mình bằng một hiện tượng phổ biến trong các gia đình Việt Nam từ xưa đến nay là từ nhà giàu đến nhà nghèo thì ngày 30 Tết bao giờ cũng có xâu thịt, chân giò để ăn Tết, làm cỗ cúng tổ tiên, ông bà rồi gia đình quây quần bên mâm cỗ. Giàu và nghèo là hai đối cực, thầy đã bói cái điều ai cũng biết.
Thông tin thứ hai mà thấy phán tiếp là thông tin về cha mẹ, có thể coi là về đường gia sự khiến người nghe bật cười to hơn vì tính chất nói dựa, nói những điều ai cũng biết :
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.
Bài ca dao đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật châm biếm bằng phương pháp phóng, đại cường điệu về tính vô nghĩa trong thông tin của thầy bói : những điều thầy nói dựa vào hiện thực hiển nhiên ai cũng biết. Đã sinh ra ở đời thì ai chẳng có cha, có mẹ. Đã là mẹ thì tất nhiên phải là đàn bà, cha phải là đàn ông. Về nhân duyên vợ chồng, về đường con cái là cái mà người đi xem bói thường hồi hộp chờ đợi nhất cũng được thầy “tiên tri” những điều hiển nhiên mang tính quy luật như hết đêm là ngày vậy.
Cái hay của nghệ thuật trào lộng, châm biếm ở bài ca dao này là sự tạo dựng mâu thuẫn : mâu thuẫn giữa nghề nghiệp phải biết trước mọi điều và thực tế thầy không nói được điều gì mới mẻ cả. Thầy bói đã tự bộc lộ cái kém cỏi, dốt nát, lừa bịp bằng chính lời nói của mình. Tác giả dân gian không cần bình luận gì thêm, chỉ cần thuật lại một cách khách quan, để cho lời thầy làm bẽ mặt thầy, dùng thuật “gậy ông đập lưng ông” vậy. Ngoài ra, còn kể đến nghệ thuật ba lần dùng điệp từ “số cô” để tăng tính chất quan trọng của những điều thầy sắp phán, lối nói phủ định hoặc khẳng định : “chẳng… thì…”, “có… có,…” dùng các từ khẳng định, phủ định to tát thế rồi nói ra những điều phỏng đoán mà không xem bói ai cũng biết, đó chính là lối nói “giơ cao rồi hạ thấp”, tạo sự bất ngờ cho người nghe.
Bài ca dao này châm biếm những kẻ bịp bợm bằng nghề bói toán, đồng thời phê phán những con người u mê, mù quáng quá tin vào bói toán không có căn cứ khoa học. Bài ca dao đã trở nên rất quen thuộc, trở thành cơ cửa miệng để mọi người bao đời nay nhắc nhở nhau. Tuy được sáng tác từ lâu những ý nghĩa thời sự của bài ca dao vẫn luôn sâu sắc, có ý nghĩa lâu dài.
Bài 3 : Đây là bài ca dao có yếu tố gây cười mang tính chất ngụ ngôn. Nhân vật trong bài ca dao là các con vật được miêu tả có ý nghĩa biểu trưng. Nghệ thuật nhân cách hóa, cách quan sát, miêu tả kinh tế đặc điểm các con vật là đặc sắc nổi bật ở bài ca dao này. Cái chết thương tâm của con cò được diễn tả bằng từ chết rũ và cũng là nguyên nhân để tác giả dân gian miêu tả cảnh tượng đám ma của nó trong bài ca dao : Con cò chết rũ trên cây.
“Con cò” biểu trưng cho người nông dân, người lao động chăm chỉ, hiền lành, tội nghiệp đáng thương. Nhiều bài ca dao nói lên điều đó : Con cò mà đi ăn đêm / Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao ; Cái cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non ;…
“Cò con” là thế hệ sau của con cò tội nghiệp xem ngày giờ tiến hành tang lễ. Chi tiết này được miêu tả thật phù hợp vì xem ngày giờ trong tang lễ là điều tối quan trọng với phong tục và tâm linh người Việt :
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần,
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.
“Cà cuống” biểu trưng cho những kẻ có địa vị, có quyền lực trong làng xã như chánh tổng, lí trưởng xưa kia cho nên trong tang lễ, gia đình, họ hàng người chết thường bối rối với bao thủ tục rườm rà mà cà cuống vẫn ung dung ngồi uống rượu, mà uống nhiều, uống say sưa đến độ “la đà”. “Chim ri” biểu trưng cho những kẻ có chút máu mặt như các cậu cai, lính lệ vừa lăng xăng điều hành, vừa lợi dụng dịp may để chia chác, hôi của. Trong đám ma, lẽ ra người đến dự phải đau buồn mà chim ri chỉ nghĩ đến hưởng lợi nên uống quýt “ríu rít bò ra lấy phần”. Ở đây, chúng ta chú ý đến nghệ thuật nhân cách hóa và việc sử dụng các tính từ chỉ trạng thái như “la đà”,”ríu rít” trong miêu tả loài vật. Cà cuống với dáng bay liêu xiêu, chao đảo được tác giả liên tưởng tới những kẻ uống rượu say la đà thì quả tài tình. Chim ri dáng điệu lanh chanh cùng tiếng kêu luôn náo động được miêu tả so sánh nhằm với kẻ tham lam, thực dụng kiếm phần lợi cho mình. Chào mào trong bộ cánh rực rỡ, cái mào đỏ chót biểu trưng cho những kẻ làm công việc không thể thiếu trong mỗi đám ma là đánh trống. Dân gian có câu “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Chim chích với bộ dạng cởi trần, vác mõ đi giao gợi đến hình ảnh những anh mõ chuyên gõ mõ giao tin tức cho cả làng xã biết việc mới xảy ra. Bài ca dao đặc sắc, lí thú ở chỗ từ sự quan sát rất tinh tế những đặc điểm sinh học của loài vật như cách di chuyển của cà cuống, tiếng hát ríu rít của chim ri, bộ cánh, cái mũ sặc sỡ của chào mào, sự nhanh nhẹn của chim chích,… tác giả đã nhân cách hóa thế giới loài vật để phản ánh hiện thực của thế giới loài người. Nghệ thuật miêu tả sinh động, việc chọn mỗi con vật để đóng vai một loài người, một hạt người trong xã hội thật phù hợp, đem đến cho người đọc những liên tưởng vừa thú vị, vừa bất ngờ. Với việc sử dụng phép ẩn dụ, mượn thế giới loài vật để nói về thế giới loài người bài ca dao đã đạt được hiệu quả nghệ thuật cao, vừa giúp người nghe hiểu rõ hơn những đặc điểm của sự vật qua lối miêu tả sinh động, hấp dẫn đồng thời nội dung phê phán châm biếm cũng sâu sắc, kín đáo, ý nhị hơn tạo nhiều hướng liên hệ, tưởng tượng cho người tiếp nhận. Thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, có thể tải thông tin một cách cô đọng. Mỗi dòng thơ khắc họa được một cách sinh động, rõ nét đặc điểm một loài chim tương ứng với một hạng người trong xã hội.
Tính chất hài hước, châm biếm ở bài ca dao này là vạch ra sự mâu thuẫn, sự không phù hợp giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng. Cảnh tượng được miêu tả trong bài ca dao là một hiện thực đáng buồn, không phù hợp với một đám ma. Giữa cảnh ngộ tang tóc, đau buồn của gia đình người chết, một số hạng người lợi dụng để rượu chè, chia chác theo kiểu “đục nước béo cò”. Bài ca dao còn có ý nghĩa phê phán hủ tục ma chay trong xã hội cũ. Hủ tục ấy ngày nay vẫn còn tồn tại ở một số vùng miền, một số dòng họ, gia đình,… cần loại bỏ.
Nghệ thuật miêu tả tài tình, phép nhân hóa thế giới loài vật trong bài ca dao mang tính chất ngụ ngôn này được rất nhiều thế hệ các nhà văn, nhà thơ sau này tiếp thu, kế thừa, phát triển thành những câu chuyện, những bài thơ đạt tới giá trị cao về nội dung và hình thức như Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Đám ma bác giun của Trần Đăng Khoa,…
Bài 4 : Bài ca dao miêu tả chân dung cậu cai, tức cậu cai lệ, người được mang chức cai quản, trông nom đám lính lệ canh gác và phục dịch ở các phủ, huyện ngày xưa. Được chút chút nước nhỏ như thế nhưng các cậu cai thường rất hách dịch, hay nạt nộ, hạch sách mọi người. Bài ca dao đã vẽ lên chân dung cậu cai với những nét đặc tả tài tình :
Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Tác giả dùng cấu trúc câu định nghĩa để định nghĩa cậu cai với hai dấu hiệu cơ bản : “nón dấu lông gà” và “ngón tay đeo nhẫn”. Cậu cai hiện ra thật là oai vệ với nón chóp có đính chiếc lông gà và cái nhẫn thể hiện sự phong lưu, khá giả. Nhân dân xưa hay dùng đại từ “cậu” để gọi cậu cai, cậu lính làm các cậu đẹp lòng. Ở bài ca dao này, cách gọi ấy có pha phần châm biếm, mỉa mai. Cái lối định nghĩa thiên về dấu hiệu hình thức ấy, đặc biệt là cách mở đầu và khép lại từ “cậu cai” của cặp lục bát : “Cậu cai… gọi là cậu cai” ít nhiều mang tính chất hài hước. Sau vẻ oai phong về hình thức ấy, thực chất công việc và cuộc sống của cậu cai ra sao :
Ba năm một chuyến đi sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
“Chuyến sai” ở đây với nghĩa là chuyến đi công cán, là dịp được thể hiện quyền lực của con người trong công việc. Vậy mà phải đợi ba năm, cậu cai mới có một dịp may nhưng mỗi khi có niềm vinh dự ấy thì cậu ta phải đi mượn áo ngắn, đi thuê quần dài. Thực trạng công việc và thân phận của cậu thật là thảm hại, nó đối lập với vẻ phô trương, làm dáng bề ngoài : “nón dấu lông gà”, “ngón tay đeo nhẫn”.
Nghệ thuật châm biếm nổi bật trong bài ca dao là nghệ thuật tạo dựng mâu thuẫn giữa hình thức bề ngoài và thực chất bên trong, đặc tả cậu cai chỉ bằng một vài từ ngữ, chi tiết được chọn lọc “rất đắt”, đã dựng lên chính xác chân dung một cậu cai phô trương bề ngoài mà thực chất thật tội nghiệp. Ở truyện cười cũng như ca dao hài hước, châm biếm, các tác giả thường vận dụng nghệ thuật phóng đại, cường điệu, nâng đối tượng gây cười cao lên rồi bất ngờ hạ xuống thấp, tạo điều kiện để cái cười bật lên giòn giã ở chỗ đáng cười nhất.
*Những câu hát châm biếm thể hiện khá tập trung nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Thông qua các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, thủ pháp nói ngược hay lối nói cường điệu, phóng đại…, các câu hát châm biếm đã tập trung phê phán, phơi bày và chế giễu những thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.