Phân tích tác phẩm QUAN ÂM THỊ KÍNH
I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ 1.Tri thức về thể loại –Chèo là một loại hình kịch hát dân gian truyền thống của người Việt, chủ yếu thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc (từ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra), trung tâm là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này được hình thành trên cơ sở trò diễn và ca vũ dân gian từ thế kỉ XIII, phát triển cực thịnh vào thế kỉ XIX, sau đó phân hóa và suy yếu dần. Từ nửa đầu thế kỉ XX, chèo được cải cách, nâng cao để trở thành một loại kịch hát, đáp ứng được nhu cầu của công chúng hiện đại. – Về cái tên chèo, có ý kiến cho rằng là do cách gọi chệch đi của chữ trò hay chữ trào (nghĩa là cười). Cũng có ý kiến khác cho rằng chữ chèo là biến âm của chữ trạo (nghĩa là bơi thuyền, chèo đò). Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có nói đến chữ “trạo phường” (phường chèo chải), là những tổ chức ca kĩ dưới thời nhà Lí, thường đi hát rong. – Ngay từ lúc ra đời, chèo đã thực hiện chức năng kể chuyện của dân ca với những phương diện khác nhau của nghệ thuật sân khấu (diễn viên, hóa trang, bài trí, múa, điệu bộ,…). Một số truyện cổ tích và truyện thơ cũng được sân khấu hóa, diễn lại trong chèo với những gia giảm nhất định. Bên cạnh đó, chèo cũng có những sáng tác riêng. – Ban đầu, chèo mang cái tên dân gian là chèo sân đình. Thời xưa, đình là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng làng xã. Sân khấu chèo chỉ là một chiếc chiếu trải giữa sân đình, không có phông màn, bài trí. Khán giả xem chèo ngồi bao quanh cả bốn mặt “chiếu chèo”. Phục trang của diễn viên cũng rất đơn giản, chỉ là y phục thường ngày, riêng vai hề là được vẽ mặt để gây cười. Giữa diễn viên và khan giả luôn có sự gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt là qua tiếng đế. Tiếng đế là tiếng của khán giả xem chèo trực tiếp tham gia đối đáp với diễn viên, có thể tham gia hát và đỡ giọng cho diễn viên. Sau này, đến đầu thế kỉ XX, chèo sân đình ra sân khấu thành thị đã có nhiều cải tiến, được gọi là chèo văn minh. Sau đó, chèo văn minh lại được cải tiến một lần nữa cho phù hợp với thị hiếu của người dân thành thị, trở thành chèo cải cách (hay còn gọi là chèo cải lương). – Trong chèo dân gian truyền thống, các nhân vật được phân loại với những tên gọi khác nhau, như nữ chính, nữ lệch, hề chèo,… Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, nhân vật nữ chính là Thị Kính ; nhân vật nữ lệch là Thị Mầu, nhân vật mụ ác là Sùng bà. Làn điệu trong chèo rất phong phú, mượn nét nhạc của dân ca (chủ yếu dân ca miền Bắc), nhưng được chế tác thêm cho phù hợp với yêu cầu thể hiện tính cách của các loại nhân vật. 2.Về tác phẩm Trích đoạn chèo Nỗi oan hại chồng được trích từ vở chèo nổi tiếng Quan âm Thị Kính. Vở chèo này lấy tích từ truyện Nôm Quan Âm tân truyện (còn gọi là Quan Âm Thị Kính), được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Đoạn trích trong SGK thuộc phần thứ nhất : Án giết chồng. Trước đoạn trích này là lớp Vu quy (Về nhà chồng). Đặt trong tổng thể các sự kiện chính của vở chèo, nỗi oan giết chồng chính là một trong hai nút chính của tác phẩm, là khởi đầu cho những tai họa mà Thị Kính phải chịu. Xung đột kịch bắt đầu phát triển. Sau khi bị vu cho cái tội định giết chồng, Thị Kính bị bố mẹ chồng chửi mắng và trả về cho Mãng ông – cha đẻ của Thị Kính. Thị Kính đã giả trai lên chùa đi tu, sau lại bị Thị Mầu đổ vạ, mang thêm cái án hoang thai cho đến lúc hóa. II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM 1.Vẻ đẹp phẩm chất và số phận của nhân vật Thị Kính -Vẻ đẹp phẩm chất : Tình huống kịch được xây dựng dựa trên sự hiểu lầm. Qua đoạn đầu của trích đoạn và cách cư xử của nhân vật Thị Kính lúc bị vu oan, có thể thấy Thị Kính mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa (1). Đó là người phụ nữ đảm đang, chăm chỉ, chăm sóc chồng chu đáo, hiền thục. Khi chồng ôn thi mệt muốn nằm nghỉ, nàng đã dọn kỉ rồi quạt cho chồng nghỉ. Thấy cằm chồng có chiếc râu mọc người, nàng băn khoăn, lo lắng. Những lời nàng nói đã thể thể hiện đức hạnh của một người vợ, luôn quan tâm, yêu thương, lo lắng sao cho đẹp mặt chồng,vun đắp hạnh phúc gia đình cho trọn đạo phu thê : Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta … Dạ thương chồng, lòng thiếp sao an. Và vì vậy, nàng đã không suy nghĩ gì nhiều, liền quyết định : “Âu dao bén, thiếp xén tày một mực”. Tình thương và sự lo lắng của nàng đối với chồng đã được thể hiện bằng hành động cụ thể, trong sáng đến độ nàng không hề lường hết tình thế éo le, “tình ngay lí gian” khi chồng bất chợt tỉnh dậy đã thấy “dao kia kề cổ”. Khi bị bố mẹ chồng vu cho cái tội khủng khiếp : “Gái say trai lập chí giết chồng ?”, thậm chí còn bị chửi bới, mạt sát, sỉ nhục, lời lẽ của Thị Kính trước sau vẫn như một mực giữ đúng khuôn phép của một người con dâu, chỉ biết khóc vật vã, kêu van chứ không dám phản ứng gì, kể cả bằng lời nói. Sự nhẫn nhục, cam chịu của Thị Kính là sản phẩm của quan niệm đạo đức phong kiến, người phụ nữ được giáo dục là phải biết cam chịu, chấp nhận, không được có thái độ phản ứng hay hỗn hào với chồng và bố mẹ chồng, kể cả khi bị hành hạ, ngược đãi. Đây là nhân vật vai nữ chính nên không có yếu tố nổi loạn. Nàng cam lòng chấp nhận nỗi oan khiên vì quan niệm, lễ giáo phong kiến đã giáo dục người phụ nữ phải biết cam chịu như vậy. -Nỗi oan và bi kịch của Thị Kính : Đoạn trích đã thể hiện thành công tình cảnh cay đắng, bi thảm của số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền qua án oan giết chồng của Thị Kính. Bất ngờ bị rơi vào tình thế “tình ngay lí gian”, nàng lập tức bị vu cho cái tội định giết chồng. Một người phụ nữ đoan trang, thùy mị, hiền thục khi bị rơi vào tình cảnh đó không thể minh oan được, cũng không được ai bênh vực, bảo vệ, không được ai đứng ra phân giải đúng sai, Thị Kính hoàn toàn cô độc, thân cô thế cô trong gia đình nhà chồng. Nàng kêu oan năm lần, song những lời kêu oan đó không giúp nàng thay đổi được điều gì cho tình cảnh của mình. Kêu oan với mẹ chồng ba lần, cả ba lần đều bị mắng chửi át đi, bị đay nghiến. Kêu oan với chồng cũng không có ích gì, người chồng đớn hèn, bạc nhược đó cũng không đủ bản lĩnh, sự cứng cỏi và tình yêu thương để bênh vực, bảo vệ người vợ của mình. Anh ta không có một lời nói đỡ cho vợ, hoàn toàn im lặng chứng kiến cảnh vợ bị mẹ mình đay nghiến, chửi rủa và rồi cũng đi vào buồng trong theo lời của mẹ, phó mặc tất cả hạnh phúc riêng tư của mình cho mẹ quyết định. Lần thứ năm, Thị Kính kêu oan với Mãng ông, nhưng kêu oan với người cha nông dân nghèo ở nhà bố mẹ chồng “cao môn lệnh tộc” cay nghiệt, độc ác, tàn nhẫn thì dù người cha có thương xót con đến mấy cũng đành bất lực mà thôi. Những lời kêu oan của Thị Kính cùng những lời van xin thiết tha, đau khổ cuối cùng cũng không giúp được gì cho nàng.Rút cục, nàng bị đuổi ra khỏi nhà chồng mang theo cái tội “mèo mả gà đồng lẳng lơ”, “say hoa đắm nguyệt”, “trên dâu dưới Bộc hẹn hò” nên mới “lập chí giết chồng”. Trong xã hội phong kiến, người đàn bà khi vướng phải cái tội ấy, bị đuổi khỏi nhà chồng là một nỗi nhục lớn, sẽ không còn mặt mũi nào để trở về nhà cha mẹ đẻ và cũng khó lòng sống được như một người bình thường trong một cộng đồng làng xã vốn nặng tư tưởng định kiến cổ hủ. Vì vậy, dù Mãng ông thương con, khuyên con “đứng dậy về cùng cha, rồi cha liệu cho con” thì Thị Kính cũng không trở về, vì “có trở về như vậy, cũng không sao tránh khỏi tiếng mỉa mai”. Đây là lúc nàng tự quyết định tìm lối thoát cho mình. Và nàng đã quyết định “thay áo quần giả dạng nam nhi”, “quyết tâm trá hình nam tử để đi tu hành”, để “cầu Phật tổ chứng minh” cho tấm lòng đoan chính của nàng. Hình ảnh Thị Kính trước lúc ra đi thật tội nghiệp và đáng thương làm sao. Nàng đã bước đi theo cha mấy bước, rồi “dừng lại và thở than, quay vào nhìn từ cái kỉ đến sách, thúng khâu, rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, bóp chặt trong tay”. Hành động của nàng thể hiện một nỗi niềm đau khổ, tiếc nuối khi hạnh phúc dở dang, tổ ấm cùng cái thú vui nghi gia nghi thất của người phụ nữ khi bước chân về nhà chồng giờ đây đã bị ruồng bỏ. Với một người phụ nữ như nàng, như vậy là đã mất hết tất cả, cuộc sống không còn một niềm vui gì nữa. Những lời của nàng đã thể hiện tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng, cay đắng khi hạnh phúc bỗng nhiên tan vỡ bất ngờ : Thương ôi ! Bấy lâu sắt cầm tịnh hảo Bỗng ai làm chăn gối lẻ loi. Nghĩ trách mình phận hẩm duyên ôi Cho nên nỗi thế tình run rủi ! Ngay cả nỗi oan khiên bất ngờ giáng xuống, giờ nàng cũng chẳng biết kêu ai, trách ai, nàng chỉ còn biết tự trách mình phận hẩm duyên ôi, còn lời trách kẻ gieo oan trái cho mình lại quá yếu ớt : Trách lòng ai nỡ phụ lòng Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi Nếu xét theo quan điểm thời hiện đại, hành động đi tu của Thị Kính có vẻ mang tính chất tiêu cực, không thể hiện ý chí vượt lên hoàn cảnh hay đấu tranh để đòi lại công bằng cho mình. Nhưng đặt nhân vật trong hoàn cảnh xã hội nam quyền đương thời, ở một xã hội trọng nam khinh nữ, chúng ta sẽ thấy người phụ nữ ấy chỉ là một thân phận bọt bèo, bé nhỏ, vốn “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, không thể đương đầu được với cả một nếp nghĩ đã hàng ngàn đời ăn sâu vào tư duy và hành động của toàn xã hội. Nên việc nàng từ bỏ cõi trần để nương nhờ cửa Phật, dưới một góc độ nào đó, dẫu sao vẫn tích cực hơn là tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trinh bạch như nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Mặt khác, vở chèo này có cách lí giải đời sống theo cái nhìn của Phật giáo, nên việc Thị Kính tìm lối thoát cho sự bế tắc của mình, cũng là một cách lựa chọn theo quan điểm của Phật giáo. 2.Nhân vật Sùng bà Đây là nhân vật thuộc kiểu nhân vật mụ ác, đại diện cho cái ác, cái xấu. Các tác giả dân gian đã khai thác khéo léo vai trò của ngôn ngữ và hành động để diễn tả tính cách này. Ngôn ngữ của Sùng bà bộc lộ đặc điểm hợm của, khoe của, khoe dòng giống, độc ác, cay nghiệt, ngoa ngoắt. Ngay sau khi chạy ra, Sùng bà đã lập tức kết tội con dâu : “Cái con mặt sứa gan lim này ! Mày định giết con bà à ?” và “dúi đầu Thị Kính ngã xuống”. Cũng là một người phụ nữ, nhưng ở nhân vật này không hề có một chút nhẹ nhàng, từ tốn, đúng mực, đoan trang, mà từ lời nói đến hành động luôn tỏ ra ngoa ngắt, lấn lướt lời nói của người khác. Trong gia đình, Sùng bà là người có vai trò chỉ đạo, quyết định tất cả mọi việc. Với Sùng ông, bà gắt, bà trách cứ : “Úi chao ! Tôi đã bảo ông mà ! Lấy vợ cho con thì phải kén họ. Tôi đã bảo là phải kén những nơi công hầu kia mà”. Rồi bà rủa cả chồng : “Úi giời ơi ! Chồng với con !… Lúc nào cũng rượu, lúc nào cũng say. Ăn nói thì lèm bèm lèm bèm…”, bà ngoa ngoắt giục chồng sang gọi Mãng ông để trả lại Thị Kính : “Không biết gọi Mãng tộc sang đây mà giao trả con Thị Kính kia đi… Thôi ông đi đi !”. Với Thị Kính, bà càng lấn lướt, miệt thị bằng những lời lẽ cay nghiệt, không để cho con dâu có cơ hội giãi bày. Qua những lời lẽ của mụ, có thể thấy mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thực chất là mối quan hệ giai cấp, bà là chủ, là kẻ có quyền, còn nàng dâu chỉ là loại thấp hèn, “con nhà cua ốc”, khi không vừa ý thì “gọi Mãng tộc, phó về cho rảnh”. Ở nhân vật này, ta thấy tuyệt nhiên không có chút tình cảm gì. Có chăng, chỉ là sự xuýt xoa, vỗ về của bà với Thiện Sĩ : “Úi chao ! Hú hồn hú vía cho con tôi”, “Thôi con vào rửa mặt mà đọc sách. Rồi đây mẹ lấy cho dăm vợ, tiếc gì cái đồ sát chồng kia nữa”. Cách hành xử của Sùng bà thật độc đoán và tàn ác, sẵn sàng lập tức đuổi nàng dâu ra khỏi nhà mà không cần có sự bình tĩnh để nhận rõ trắng đen, những ẩn tình trong hành động của con dâu, cũng không có một chút tình người khi gọi Mãng ông tới để hạ nhục cả nhà thông gia. Trong đoạn trích, khi Sùng bà xuất hiện, hầu như chỉ thấy bà nói, ra lệnh, điều khiển, lấn lướt lời các nhân vật khác. Tuy bà nhận nhà bà là “cao môn lệnh tộc”, “giống phượng giống công”, nhưng thứ ngôn ngữ mà bà dùng với chồng, đặc biệt là với nàng dâu thì lại không hề có sự cao quý, lịch lãm của tầng lớp quyền quý, mà chỉ là những lời chửi rủa, đay nghiến, nhiếc móc, khinh miệt của loại người tiểu nhân, độc ác, vô văn hóa. Bà không một chút mảy may động lòng trước những lời van xin, kêu oan đáng thương của con dâu. Bà xưng hô với con dâu bằng ngôn ngữ của bà chủ với người ở : “Cái con mặt sứa gan lim này ! Mày định giết con bà à ?” ; “Này con kia ! Tam tong tứ đức nhà mày để ở đâu hử ?” ; “Này, bà bảo cho mà hay này” ; “Này ! Nhà bà đây cao môn lệnh tộc” ;… Mối quan hệ giữa hai giai cấp cũng được bộc lộ rõ trong những lời tự cao, tự đại về dòng giống của bà, với những lời miệt thị về xuất thân của con dâu. Bà tự nhận mình một cách hợm hĩnh : giống phượng giống công ; cao môn lệnh tộc ; trứng rồng lại nở ra rồng ;còn nhà con dâu thì bà gọi là tuồng bay mèo mả và đồng đẳng lơ ; mày là con nhà cua ốc ; đồng nát thì về Cầu Nôm ; liu điu lại nở ra dòng liu điu ;… Có thể nói, chỉ qua một trích đoạn ngắn, nhưng tính cách của nhân vật Sùng bà đã được khắc họa rất rõ nét. Sùng bà điển hình cho kiểu nhân vật mụ ác độc ác, cay nghiệt, vừa là điển hình cho sự tàn nhẫn của những kẻ có quyền, có thế trong xã hội phong kiến. 3.Nhân vật Thiện Sĩ và Sùng ông Hai nhân vật này so với Sùng bà thì xuất hiện có vẻ mờ nhạt hơn, bởi lẽ đã bị nhân vật Sùng bà lấn át gần hết. Tuy vậy tính cách của từng nhân vật cũng được thể hiện qua lời nói, thái độ, hành động. Nhân vật Thiện Sĩ ở đoạn đầu, trong lời nói với Thị Kính, bộc lộ là một học trò, một thư sinh đang dùi mài kinh sử “soi kinh bóng quế”, “đợi hội long vân”, có vẻ rất chính trực. Khi bất chợt tỉnh dậy, thấy “dao kia kề cổ”, theo bản năng anh ta la toáng lên. Nhưng điều đáng trách nhất là khi chứng kiến cảnh vợ mình bị kết tội, bị mắng nhiếc, ngược đãi ngay trước mắt mình, anh ta đã không có một lời nói, hành động gì, để bênh vực, chỉ rõ phải trái. Hay chí ít thì cũng tỏ ra thương cảm cho người vợ đã từng ân cần chăm sóc từng li từng tí cho anh ta. Anh ta giống như một cái máy không có chút cảm xúc gì, và khi Sùng bà giục “vào trong rửa mặt mà đọc sách”, anh ta cũng nghe theo lời mẹ ngay, để mặc người vợ của mình muốn ra sao thì ra. Rõ ràng, Thiện Sĩ chỉ là một gã thư sinh đớn hèn, nhu nhược, không có bản lĩnh, không có chính kiến của một trang nam nhi, nghiễm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc, hầu hạ của người vợ song lại câm nặng hoàn toàn khi người vợ bị ngược đãi, làm theo sự điều khiển của Sùng bà như một con rối không có chút cảm xúc. Bên cạnh đó, Sùng ông cũng được khắc họa là một kẻ “lúc nào cũng rượu, lúc nào cũng say. Ăn nói thì lèm bèm lèm bèm”. Ông bố chồng này cũng chỉ là một kẻ thụ động, Sùng bà bảo làm gì thì làm nấy, nhưng khác Thiện Sĩ ở chỗ Thiện Sĩ thì im lặng, còn lão thì a dua theo mụ vợ. Khi Sùng bà mắng chửi Thị Kính : “Mày ngửa mặt lên cho bà xem nào !”, Sùng ông cũng phụ họa theo : “Thì mày ngửa lên cho bà ấy xem !”. Khi Sùng bà đay nghiến : “Ơ hay, thế ông vẫn ngồi chết ở đấy à ?”, Sùng ông cự lại theo lối cùn : “Sao bà bảo tôi ngồi chết gí xuống đây thì tôi đừng ngồi à ?”, “Ừ thì đi !”. Lão còn lừa Mãng ông, ban đầu nói với Mãng ông rất nhẹ nhàng : “Ông Mãng ơi, ông sang mà ăn cữ cháu !”, để rồi khi Mãng ông tưởng thật vui vẻ chạy sang, lão mỉa mai rồi kết tội con dâu, hạ nhục hai cha con nhà thông gia rồi đuổi về, thậm chí còn đẩy ngã Mãng ông, không mảy may động lòng khi hai cha con Mãng ông ôm nhau than khóc trong sự nhục nhã, cay đắng. Nhân vật Thiện Sĩ và Sùng ông là những kẻ lạnh lùng, vô cảm, là một hình ảnh điển hình của tầng lớp thống trị dựa vào tiền của và thế lực, đối xử với Thị Kính theo cách của tầng lớp thống trị với tầng lớp bị trị, hoàn toàn không có một chút tình nghĩa giữa con người với con người, và càng không có một chút màu sắc của tình cảm giữa những con người sống trong một gia đình. Sự xuất hiện của hai nhân vật này, bên cạnh là nhân vật Sùng bà, làm hoàn thiện thêm bức tranh về bản chất lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn của giai cấp thống trị, tăng giá trị hiện thực và sức tố cáo cho vở chèo. 4.Tình huống bất ngờ, đầy kịch tính Nỗi oan khiên của Thị Kính được khởi đầu từ một sự việc có vẻ rất đỗi bình thường, trong sáng : nàng cầm con dao để cắt chiếc râu mọc ngược của chồng, nhằm tránh những điều không hay cho chồng. Nào ngờ, nàng bỗng nhiên rơi vào tình cảnh “tình ngay lí gian”, khi chồng chợt giật mình chàng thức dậy, nắm lấy dao kêu ầm lên. Nếu ở vào một gia đình có tấm lòng từ tâm, bố mẹ chồng và chồng hiểu biết, có thể sự việc sẽ được phân giải rõ ràng, và tình thế “tình ngay lí gian” của Thị Kính sẽ được hóa giải. Thế nhưng Thị Kính chỉ là một người con dâu, đã xuất thân từ “con nhà cua ốc”, nàng hoàn toàn cô độc giữa một gia đình giàu có, bà mẹ chồng cay nghiệt, độc đoán, phân biệt đối xử. Hoàn cảnh ấy đã đẩy Thị Kính vào một nỗi oan khiên tày trời không thể hóa giải. Từ đó, trích đoạn kịch đã làm nổi bật sự bế tắc số phận của người phụ nữ và những đối lập giai cấp thông qua xung đột gia đình, hôn nhân trong xã hội phong kiến. Tính cách của các nhân vật được bộc lộ khá rõ nét qua ngôn ngữ, hành động. Nhân vật Thị Kính đoan trang, hiền thục, cam chịu, bất lực, trước sau chỉ biết kêu oan, van xin chứ không dám có phản ứng gì. Nhân vật Sùng bà độc ác, lời lẽ cay nghiệt, vô văn hóa, phân biệt đẳng cấp sang – hèn. Nhân vật Thiện Sĩ nhu nhược, thụ động, còn Sùng ông thì tát nước theo mưa, cũng không có chính kiến gì, khi bị vợ điều khiển thì cũng tàn nhẫn, lạnh lùng, đểu giả. Đặc sắc nhất là hình ảnh nhân vật Sùng bà. Thói độc đoán, sự cay nghiệt của một kẻ có tiền nhưng lại thiếu tấm lòng nhân ái và văn hóa ứng xử đã biến bà ta trở thành kẻ nhiều lời nhất. Sùng bà luôn chửi rủa bằng những thứ ngôn ngữ chua ngoa,cay độc : xưng bà, gọi mày, bay với con dâu, dùng những từ đầy sắc thái miệt thị (mặt sứa gan lim ; mèo mả gà đồng ; trên dâu dưới Bộc ; chém bố băm vằm xả xích mặt ; mặt gái trơ như mặt thớt ; ngựa bất kham ;…). Sùng bà lấn lướt hết tất cả mọi người, và cay độc hơn, mụ còn bảo Sùng ông sang gọi Mãng tộc đến để trả Thị Kính về. Sùng bà là nhân vật điển hình cho sự nhẫn tâm, độc ác, cậy quyền thế ức hiếp kẻ nghèo của giai cấp thống trị. *Trích đoạn chèo Quan Âm Thị Kính đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp, nỗi oan bi thảm và sự bế tắc của người phụ nữ ; những đối lập giai cấp thông qua xung đột gia đình, hôn nhân trong xã hội phong kiến. Tình huống kịch bất ngờ, tạo ra xung đột gay gắt. Tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét qua hành động, ngôn ngữ, đặc biệt là nhân vật Sùng bà. Trích đoạn đã thể hiện khá cô đọng những nét nghệ thuật đặc sắc của sân khấu chèo truyền thống.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|