Ý NGHĨA VĂN CHƯƠNG
I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ –Hoài Thanh (1909 – 1982), quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là một nhà phê bình văn học xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Thi nhân Việt Nam (viết chung với Hoài Chân), xuất bản lần đầu năm 1942. – Văn nghị luận của Hoài Thanh rất hấp dẫn người đọc bởi lối viết có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố : lí lẽ chặt chẽ, ngôn ngữ giàu cảm xúc và hình ảnh, có chiều sâu của tư tưởng. – Văn bản Ý nghĩa văn chương được trích từ phần đầu tiểu luận Ý nghĩa văn chương, in trong bình luận văn chương do hai soạn giả Nguyễn Ngọc Thiện và Từ Sơn (con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh) biên soạn (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998). Trên tạp chí Tao đàn số 7 – 1939, toàn văn tiểu luận này được in với nhan đề Ý nghĩa và công dụng của văn chương, kí tên Hoài Thanh. Văn bản thuộc bài nghị luận. Trong văn bản, tác giả đã đề cập, bài luận về một trong những vấn đề chung rất quan trọng của văn chương : Ý nghĩa của văn chương trong đời sống tinh thần của con người. Theo tác giả, văn chương có nguồn gốc từ tình cảm và lòng vị tha, vì thế, công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và lòng thị tha.Văn chương còn sáng tạo ra sự sống, gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Văn chương có công dụng to lớn trong việc bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người. II – PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH 1.Bố cục của văn bản Văn bản in trong SGK có một số ý đã được lược bớt. Tuy vậy, có thể chia văn bản thành 3 đoạn như sau : – Đoạn 1 (từ đầu đến “nguồn gốc của thi ca”) : Nêu ý cơ bản khái quát của văn bản : Tình thương yêu là nguồn gốc của thi ca. – Đoạn 2 (từ “câu chuyện có lẽ” đến “không có gì là quá đáng”) : Bàn về nguồn gốc, nhiệm vụ, công dụng của văn chương. – Đoạn 3 (còn lại) : Đánh giá, khẳng định đóng góp của nhà văn nhà thơ đối với lịch sử xã hội loài người. 2.Nghệ thuật nghị luận đặc sắc Trong bài văn, chủ yếu tác giả nêu lên những nhận định về văn chương, còn phần giải thích, chứng minh cho những nhận định đó đầu như rất ít. Vì vậy, để hiểu và đánh giá được những nhận định đó, đòi hỏi người đọc phải có vốn kiến thức tương đối sâu rộng về văn học, có sự liên tưởng, liên hệ từ văn bản với vốn kiến thức của mình Văn bản được mở đầu từ một câu chuyện truyền thuyết kể về một nhà thơ Ấn Độ khóc thương cho con chim sắp chết, tiếng khóc ấy mà dẫn vào nhận định : Tình thương là gốc của văn chương nghệ thuật. Cách dẫn dắt như vậy làm lời văn nghị luận giàu hình ảnh và cảm xúc, tự nhiên. Trong các đoạn tiếp theo (phần thân bài), tác giả tiếp tục nêu những đánh giá, nhận xét về công dụng, ý nghĩa của văn chương đối với cuộc sống của con người. Theo tác giả, nguồn gốc cốt yếu (và cũng là công dụng cốt yếu) của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài. Quan niệm này của Hoài Thanh xuất phát từ góc nhìn cảm thấy sáng tạo và nhân cách của người nghệ sĩ. Nhà văn, xuất phát từ cái tâm của mình, xúc động, thương yêu trước cảnh ngộ số phận của con người, rộng ra là của cả muôn loài,… mà sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, tác giả còn đưa ra quan điểm : Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống. Đây chính là hai đặc điểm cơ bản nhất của văn chương : tính phản ánh và tính sáng tạo. Từ hình dung mang tính chất của một danh từ, có thể hiểu như “hình ảnh”, kết quả của sự phản ánh, miêu tả. Văn chương chính là một tấm gương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng, có nhiệm vụ đem đến cho người đọc những hiểu biết về cuộc sống quanh mình, cả những cuộc sống mà mình không bao giờ tiếp cận được theo cách thông thường. Thế giới mà văn chương đem đến cho người đọc là muôn hình vạn trạng, bởi nó mở ra cuộc sống của biết bao số phận, bao cuộc đời, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mở ra cả thế giới tâm hồn vô hình, đầy bí ẩn với bao cảm xúc, tâm trạng, tình cảm, tính cách,… Cuộc sống của mỗi cá nhân vốn chỉ là hữu hạn, bé nhỏ, nhờ đặc tính đó của văn chương mà được mở rộng ra và thêm chiều sâu về nhận thức, tư tưởng. Nhưng văn chương không chỉ phản ánh, văn chương còn sáng tạo ra sự sống. Bởi vì nghệ sĩ không đơn giản là người sao chép hiện thực cuộc sống như một tấm gương phản chiếu tự động mà còn là một chủ thể sáng tạo tích cực có khả năng mang quan niệm riêng của mình về cuộc sống và con người với trí tưởng tượng phong phú, năng lực hư cấu mà tạo ra một cuộc sống khác mang chân lí nghệ thuật. Các tác phẩm văn học xuất sắc đều là những sáng tạo mang dấu ấn riêng của nhà văn. Sự nhào nặn, tái tạo, xây dựng những hình tượng nghệ thuật chính là quá trình sáng tạo ra cuộc sống của người nghệ sĩ, khiến hình những hình tượng được thể hiện trong tác phẩm có tính chất điển hình, tập trung phản ánh được những nét bản chất nhất của hiện thực đời sống. Mặt khác, có thể hiểu văn chương sáng tạo ra những giá trị tinh thần, những vẻ đẹp để làm giàu cho cuộc sống. Qua việc phản ánh thực tại, văn chương giúp ta phát hiện ra những vẻ đẹp mà một người bình thường không nhận thấy được. Hiểu từ một góc độ khác, văn chương còn dụng lên những hình ảnh, những ý tưởng mà cuộc sống hiện tại có thể chưa có, để mọi người phấn đấu, xây dựng biến chúng thành hiện thực trong tương lai (nếu là những điều tốt đẹp mà con người mong muốn), và có ý thức tránh không để nó xảy ra (nếu là những điều không tốt đẹp, những điều con người không muốn có). Đây chính là tính dự báo sâu sắc của văn chương, giúp con người vượt qua những thời gian để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Theo Hoài Thanh, văn chương còn giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha. Đây cũng là một đặc tính quan trọng của văn chương. Tác phẩm văn học thông qua những hình tượng đẹp, gợi cảm mà khơi gợi, bồi đắp, xây dựng những tình cảm cao đẹp cho con người, giúp con người phân biệt, nhận thức được cái tốt, cái xấu. Từ đó biết yêu quý, trân trọng, học tập cái đẹp, cái tốt, lên án, phê phán, đấu tranh với những cái xấu. Về khía cạnh này, văn chương có sức mạnh tác động tới nhân cách con người, giáo dục con người biết sống đẹp, sống cao thượng và giàu lòng vị tha hơn. Để làm rõ quan điểm này, tác giả đã đưa ra một ví dụ : Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những chuyện ở đâu đâu. Để rồi sau đó, tác giả khẳng định luôn về sức mạnh của văn chương bằng một câu hỏi tu từ : Há chẳng phải là chứng cớ cho cái mãnh lực lạ lùng của văn chương hay sao ? Quả thực, đến với văn chương, người đọc đến với đủ loại con người, số phận khác nhau, để rồi từ đó mà vui buồn, căm phẫn, yêu thương,… cùng cuộc đời của các nhân vật. Cũng từ những quan điểm đó mà Hoài Thanh tiếp tục mở rộng, bổ sung thêm những công dụng khác của văn chương : gây cho ta những tình cảm ta không có ; luyện những tình cảm sẵn có ; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.Nhận định này rất đúng đắn và sâu sắc. Trong thực tế, mỗi cá nhân chỉ có thể sống một cuộc đời của mình, và những tình cảm của cá nhân cũng nảy sinh, bắt nguồn từ cuộc đời của chính mình. Nhưng văn chương là những cánh cửa mở ra bao cuộc đời khác có thể không hoàn toàn giống cuộc đời của ta, hoặc rất khác cuộc đời của ta. Vì thế mà văn chương bồi đắp, gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Thế giới tâm hồn, tình cảm của ta vì vậy mà trở nên giàu có, phong phú, sâu sắc hơn rất nhiều. Đoạn cuối bài, tác giả cũng khẳng định những giá trị của văn chương đối với nhận thức của con người về tính thế giới tự nhiên : Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non , hoa cỏ trông mới đẹp ; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nên mới hay.Như vậy, nhờ có văn chương mà con người mới phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống bình dị quanh mình, những cảnh vật mà con người lúc đầu chỉ thấy bình thường, không thấy đẹp, thấy hay. Cách đưa nhận định của tác giả cũng rất tự nhiên : Có kẻ nói… khiến ý kiến mang tính khách quan, tăng sức thuyết phục cho người đọc. Cuối cùng, trong phần kết bài, tác giả khẳng định ý nghĩa của văn chương bằng cách đưa ra một giả định : “Nếu trong pho lịch sử loài người xóa các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh ngoài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào !”. Với giả định mang tính tưởng tượng đó, có thể thấy tác giả đã đánh giá rất cao ý nghĩa của văn chương trong đời sống tinh thần của nhân loại, cũng là đánh giá cao công lao, đóng góp của các nhà văn : Nếu không có văn chương loài người sẽ trở nên nghèo nàn đi rất nhiều. Như vậy, văn chương chính là một thứ của cải quý giá đem lại sự giàu có, phong phú không gì thay thế được trong suốt những chặng đường lịch sử đã qua của loài người. 3.Một vài lưu ý khi phân tích văn bản Văn bản thuộc kiểu bài nghị luận văn chương, nhưng không phải bàn về những hiện tượng văn chương cụ thể mà là bàn về những vấn đề chung của văn chương. Vì vậy, bài viết đề cập đến những vấn đề thuộc phạm vi lí luận văn học, người viết đưa những ý kiến, quan điểm, đánh giá của mình về một đối tượng thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Do đó, trong quá trình tìm hiểu không nên coi những ý kiến của Hoài Thanh là duy nhất đúng, mà cần thấy rằng, ý kiến của Hoài Thanh là một góc nhìn, một cách nhìn về nguồn gốc và ý nghĩa của văn chương. Bàn về nguồn gốc của văn chương, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động. Lao động sáng tạo ra con người, đồng thời sáng tạo ra cái đẹp, trong đó có văn chương. Từ góc nhìn này, chúng ta nhận thấy văn học nghệ thuật ra đời từ cơ chế vận động xã hội, lịch sử. Do đó, khi đánh giá, tìm hiểu những quan điểm của Hoài Thanh, chúng ta không nên tuyệt đối hóa cách hiểu của ông. Chẳng hạn, nói nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài là nói yếu tố cơ bản nhất, chứ không phải chỉ có lòng thương người mới là yếu tố duy nhất tạo nên cảm hứng sáng tạo của nhà văn. * Văn bản Ý nghĩa văn chương thuộc kiểu bài nghị luận văn chương rất tiêu biểu trong phong cách của Hoài Thanh. Các luận điểm, luận chứng rõ rang, sáng rõ, đầy sức thuyết phục. Cách đưa ra các dẫn chứng đa dạng, lời văn giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc. Văn bản thể hiện quan niệm sâu sắc của nhà văn về nguồn gốc, nhiệm vụ và công dụng của văn chương trong lịch sử nhân loại.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|