Bài văn đạt giải quốc gia (BÀI LÀM SỐ 3)
Không có phản hồi
Bài văn đạt giải quốc gia (BÀI LÀM SỐ 3)
Câu 1. Con người là một sinh vật kì lạ. Chúng ta bước đi trong một cơ thể sống được tạo thành từ các hợp chất hữu cơ, nhưng lại không hoàn toàn là máu thịt. Đâu đó, trong một góc của con người nơi khoa học vẫn chưa thể giải thích hết, nảy sinh ra biết bao nhiêu ý nghĩa lạ kì của một vùng trời đa màu sắc, đa âm thanh, đa hình thù mà chúng ta vẫn thường gọi là tâm hồn. Và khi vùng trời ấy rực sáng lên, trái tim ta đỏ hồng một luồng sinh khí mới. Đấy chính là ta đang thực sự sống đúng với nghĩa CON NGƯỜI. Vậy thì phải chăng, sống là toả sáng? Khi tạo hoá đặt con người trên mặt đất, ta đã là chính ta, nguyên sơ nhất, thực nhất với những ý nghĩ độc đáo mang màu sắc của chính bản thân mình. Và rồi với từng bước chậm, ta tiến đến với thế giới của vô vàn những con người khác, chính thức gia nhập vào cộng đồng người. Những quy định chung dần xuất hiện, những luật lệ lần lượt được đặt ra, và cố nhiên ta bắt gặp một ta khác nữa, cái ta của cộng đồng, của ý thức xã hội. Những cái hồn nhiên va chạm với những quy chuẩn được đặt ra và mâu thuẫn, xung đột, để rồi con người phải lựa chọn giữa những giá trị mới, cũ, giữa giá trị của cá nhân và cộng đồng. Đôi khi, cái phần hồn nhiên kia tạm lùi ra xa, và chúng ta sống giữa cộng đồng theo những hình mẫu chuẩn mực, nhưng dường như ta chỉ đứng đó thôi, ta không thực sự sống và hoà nhập. Vậy nên nhu cầu được chia sẻ trỗi dậy như những gì bản năng nhất. Ta khẳng định lại cái phần hồn nhiên đã mất, để xã hội được thấy màu sắc thực sự của tâm hồn ta, hay chính là ý thức về giá trị của cá nhân mình. Không, ta không muốn là hình bóng, ta chỉ muốn là ta. Và khi tiếng vọng đầu tiên trong tâm hồn được cất lên thành lời nói, tất nhiên, cả thế giới rực sáng thêm một sắc màu mới, vô hình trung, ta đã trở thành một thực thể đặc biệt và duy nhất trên đời. Toả sáng không phải khi anh sống như người khác, mà chính là khi anh sống thực với mình, toàn vẹn là mình, không pha trộn. Đó mới chính là sống. Tuy nhiên, con người còn là tổng hoa của các mối quan hệ xã hội. Suy cho cùng, ý thức cá nhân vốn xuất phát từ nhu cầu được chia sẻ, vậy nên con người phải đồng thời là con người cá nhân, cũng vừa là con người xã hội. Hay nói cách khác, ta toả sáng, nhưng toả sáng như thế nào? Ta sống trong cộng đồng người, ví như một đứa trẻ khi mới nhận thức được cuộc sống. Bước vào ngưỡng cửa mầm non, bỗng nhiên, nó bị đặt vào trong những mối quan hệ hoàn toàn xa lạ và khác biệt. Nó phải học cách ứng xử với bạn bè, học cách tôn trọng thầy cô, và quá trình này khiến nó phải kiềm chế lại, một cách vô thức, những phần nguyên sơ nhất của mình. Có thể, nó không thích điều ấy, và phản kháng lại. Nhưng khi nó chỉ muốn có toàn bộ đồ chơi như nó đã từng có ở nhà, khi nó không muốn chia sẻ và chỉ làm theo những gì mình thích, những cái mình muốn thay vì cân nhắc và điều chỉnh thái độ, thì vào lúc nó nhìn ra xung quanh, các bạn đã phần nhiều cách xa nó. Đó là với một đứa trẻ, với chúng ta, khi ta chỉ muốn sống như những gì nguyên thuỷ nhất mà không chịu chọn lựa, hoàn thiện thêm, tiếp nhận những giá trị tốt đẹp từ cộng đồng trong quá trình xung đột và va chạm ý thức, cố nhiên, ta đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng, và bắt gặp sự cô đơn. Nhu cầu được chia sẻ, cái căn gốc của hành động, nay không được đáp ứng. Vậy thì để là mình, nhưng không chỉ là mình nguyên sơ từ thuở hồng hoang, mà còn là một cái mình khác nữa vừa mới xuất hiện khi bắt gặp gương mặt đồng loại, cả hai đều là mình, ta phải học cách cân bằng giữa hai phẩm chất ấy, thay vì là một cái tôi nổi loạn đối chọi lại cùng xã hội. Một cá nhân có khả năng sống đúng với khao khát của mình, đồng thời có khả năng học hỏi và hoà hợp cùng những cái tôi khác, chính là cái tôi có khả năng toả sáng. Nói cách khác, một xã hội chỉ được coi là ưu việt khi nó để con người ta tham gia vào quá trình tự phát triển và một con người có khả năng toả sáng là con người dám sống là chính mình trong sự hoà hợp với xã hội loài người. Sống là khi sống thực với mình, toả sáng là khi khẳng định được giá trị của mình, sống toả sáng là được chia sẻ, được hoà nhập, được hoàn thiện. Nhưng vấn đề đặt ra, làm thế nào để toả sáng? Cố nhiên, câu trả lời nằm ở chính bản thân con người phải tự ý thức được giá trị của mình và có khát khao, có bản lĩnh thể hiện nó tuy trong rất nhiều trường hợp, yếu tố xã hội cũng mang tính quyết định như trong xã hội phong kiến hậu kì, khi tự do tư tưởng nhường chỗ cho áp đặt tư tưởng với hàng ngàn luật lệ, hàng ngàn quy định, khuôn khổ được đặt ra và cái tôi cá nhân không có quyền lên tiếng hoặc vươn mình khỏi cái khuôn chuẩn”. Điều quan trọng hơn là ngay cả trong tình trạng như vậy những con người có bản lĩnh vẫn phá thoát được mọi ràng buộc để sống là mình, để sống là toả sáng như Nguyễn Du, Nguyễn đã đi qua cuộc sống trần gian rồi mà ánh sáng còn để lại, để hậu thế mãi còn chiếm Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…, những con người ấy ngưỡng, ngợi ca tài năng, khí phách và nhân cách. Họ hoá thân vào những trang thơ trang văn mà ông Huấn Cao với những dòng chữ đẹp lung linh trên trang viết Nguyễn Tuân là một điển hình. Một con người có khả năng toả sáng là con người dám sống như chính mình. Hãy đứng dậy, cất tiếng và hành động. Một chân trời rực sáng sẽ đón đợi ở phía trước, trách nhiệm của ta là dám bước tới chân trời ấy!
Câu 2. Tâm hồn giống như một khúc nhạc, và khi được thể hiện qua ngôn từ, thì nó trở thành văn chương. Bởi vậy, khi những làn sóng từ cuộc đời nối tiếp nhau xô vào tâm hồn ta, thì chính văn chương sẽ là cái đau xót, nhức nhối, hay cả những hài lòng, khoan khoái cất lên từ sự va đập ấy. Và chỉ có văn chương chân chính, khi va với những cái xấu xa của cuộc đời, khi thể hiện một tiếng nói bất bình, một cái trừng mắt giận dữ, thì cũng sẽ luôn nói lên được tiếng nói của trái tim ấm nóng những kì vọng và khát khao vươn tới cái đẹp. Hay nói cách khác, văn học chân chính ngay cả khi nói cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Con người không ai là hoàn hảo, chúng ta bao hàm trong mình những cái xấu xa bên cạnh những cái đẹp, những cái cao thượng và cả sự hèn mọn, cả những gì thanh khiết và vẩn đục. Vậy nên xã hội loài người sẽ không bao giờ chỉ toàn là ác hay toàn bộ là thiện. Hai mặt đối lập ấy dần biến mất, để lại những giá trị gần hơn với chân lí. Suy cho cùng, con người hướng về sự hoàn thiện như một bản năng, cũng là cái nhu cầu tất yếu trong quá trình tiến hoá chung của tự nhiên. Bởi vậy, khi văn chương là tiếng nói của tâm hồn con người thì nhu cầu hướng thiện cũng là tất yếu và chính nó làm nên cái hồn cho tác phẩm. Có thể nói, một tác phẩm chân chính để hướng về cái hoàn thiện, trước hết phải nhận ra cái chưa hoàn thiện, phản ánh lại những cái xấu của cả con người lẫn xã hội, và cũng rất cần sự tin tưởng và bản tính thiện lương của con người. Con người khi ấy, trong vai trò độc giả mới có thể tiếp tục phát triển. Nền văn học thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều tác phẩm lớn ra đời trên nền cảm hứng chung là phản ánh hiện thực xã hội nhằm hướng đến hoàn thiện con người như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Số phận con người của Sô-lô-khốp,… Tuy nhiên, theo tôi, một trong những tác phẩm có khả năng thể hiện, tố cáo, phản ánh hiện thực xã hội, đồng thời khơi gợi lòng nhân đạo dưới một hình thức kín đáo, hướng con người về cái thiện, có lẽ là truyện ngắn Người trong bao của Se-khốp. Ra đời trong một giai đoạn xã hội có nhiều biến động của nước Nga Sa hoàng, với sự ngột ngạt, bế tắc và bầu không khí thiếu sức sống của một thể chế đang cố níu giữ những ngày tàn, Se-khốp đã sáng tạo nên hình ảnh một Bê-li-cốp, một người trong bao, biểu tượng của mọi căn bệnh kì dị nhất, phản động nhất tồn tại trong tâm lí người dân Nga thời bấy giờ. Bê-li-cốp, ấn tượng đầu tiên và gần như duy nhất của ta về anh là những cái bao, không chỉ là những cái bao quần áo hay ô dù che chắn, mà là những cái bao tư tưởng. Bê-li-cốp dường như có khát vọng luôn được thu mình trong một trường an toàn để không bị ai dòm ngó, chỉ trích hay bị khiển trách từ cấp trên, và câu nói của miệng của anh luôn là: “Nhỡ có chuyện gì?”. Người đàn ông ấy thu mình lại, cố gắng tách mình ra khỏi cộng đồng và người ta nhìn anh như một sinh vật kì dị, phản cảm, đáng cười. Nỗi sợ của anh ta không phải ngẫu nhiên xuất hiện, đã ai từng hỏi vì sao anh ta cần che chắn, vì sao anh ta luôn khép mình và không dám làm bất cứ việc gì theo ý muốn. Con người, từ khi sinh ra, luôn luôn có một khát vọng được chia sẻ. Tuy nhiên, sống trong một xã hội mà những mật thám, chỉ điểm không ngừng được tăng cường, những nhà tù, trại giam không ngừng được xây lên và đồng thời ra sức kiềm chế con người bởi mọi thứ quy định, nó gây ra cho người ta một nỗi sợ, một nỗi khiếp đảm có cơ sở trước sự độc tài, độc trị. Những con người nhát gan, nhỏ bé như Bê-li-cốp không còn cách nào khác ngoài việc tự thu mình lại trong chiếc bao như một sự tự vệ. Tuy nhiên, chính bởi rời xa cộng đồng và không ngừng chịu áp lực khủng khiếp từ chế độ đè nén xuống, anh ta dần dần xa rời những ý thức tốt đẹp của cộng đồng người, sự cô lập gây ra những sai lầm về tư tưởng, dẫn đến sai lầm về hành vi. Thốt nhiên, những gì anh ta sợ hoàn toàn chiếm trọn tâm trí anh và anh lầm tưởng nó chính là những gì đúng đắn nhất định hướng cho cuộc đời mình. Sống quá lâu trong bao, cái phần con người teo tóp dần và nó chui rúc vào những xó xỉnh tối tăm, để đến khi Cô-va-len-cô chợt rạch một đường dài trên cái bao ấy, cú thúc từ cuộc đời đánh mạnh vào phần người khiến nó càng giấu mình sâu hơn nữa trong sự xung đột, bàng hoàng trước sự thực, để rồi gần như biến mất hẳn, chỉ còn phần con nhầy nhụa ngẩng đầu bước đi. Bê-li-cốp sống trong một cái bao, bởi chế độ ấy đã đe doạ anh ta, đồng thời cộng đồng người nơi anh ra sống cũng không nhìn thấy hết cái nguyên nhân sâu xa trong sự tha hoá của một con người, và họ xa lánh, chán ghét. Hết thảy những yếu tố ấy cộng lại biến Bê-li-cốp từ một nạn nhân thành một “tác nhân gây hại”. Anh ta bị xô ra ngoài xã hội và nhìn như một kẻ đối địch. Đưa vào một cái nhìn mang tính chủ quan của người đồng nghiệp, Se-khốp đã phản ánh thêm nữa, bên cạnh một chế độ độc tài là một sự sai lầm trong nhận thức của chính những người dân và sự xa lánh trong mối quan hệ giữa người với người. Cùng lúc, nhà văn phản ánh cái xấu xa trong xã hội, hơn nữa là căn bệnh trong chính con người, để hướng người ta đến nguyên nhân sâu xa của thương của cái xấu ấy; và với lòng nhân đạo, cái nhìn cảm thông, ta mới thấy hết được sự đáng một số phận người, thay vì tiếng thở phào nhẹ nhõm trước một cái chết. Và như cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, có thấy hết được nguyên nhân tận cùng, ta mới hoàn thiện và khắc phục sai lầm ấy. Trên quá trình hướng người vào cái đẹp qua những cái xấu xa, văn chương, nhà văn trước hết hướng con người vào nguyên nhân của cái xấu với một lí trí sáng suốt những bằng cả con mắt nhân đạo. Bên cạnh việc đánh thức lòng nhân đạo để cảm thông cũng là thêm phần tố cáo cái xấu xa, đồng thời thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của cái ác, thì trong quá trình hướng thiện, nhà văn, thông qua văn chương còn cần phải nâng đỡ con người trong khả năng nhận thức lại chính mình. Ở nước ta, vào những năm sau chiến thắng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, trong xu hướng nhìn nhận lại nền văn học, không ít nhà văn đã phải thay đổi cái nhìn của mình về đời sống và con người, và một trong những nhà văn thành công nhất là Nguyễn Minh Châu với truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Thời kì chiến tranh, Nguyễn Minh Châu chủ trương đi tìm vẻ đẹp ẩn giấu trong hồn người, nhưng phần nhiều hướng về những người bình thường mang vẻ đẹp lí tưởng trong cảm hứng lãng mạn. Tuy nhiên, sau chiến tranh, nhà văn nhận ra trong con người ta trộn lẫn cả rồng phượng, rắn rết và hiện thực đời sống bao giờ cũng đa diện, đa sắc chứ không chỉ rực rỡ, hoàn hảo. Sự nhận thức lại của nhà văn lập tức chi phối đến hàng loạt nhân vật trong sáng tác của mình, mà Phùng là một minh chứng tiêu biểu. Khởi hành trở lại miền đất mình từng chiến đấu, Phùng mong ước tìm thấy một bức ảnh, một sáng tác nghệ thuật gần như chạm đến cái đẹp hoàn hảo. Nhưng khi bức ảnh ấy xuất hiện, dường như nghệ thuật mà anh vẫn luôn tin tưởng này không toàn mĩ, mà nó chỉ là thứ nghệ thuật “minh hoạ” được tráng lên một lớp men lãng mạn, trong khi hiện thực phức tạp hơn rất nhiều. Người đàn bà hàng chài kia, con người sống trên chiếc thuyền trong bức ảnh như mộng, là hiện thân của trí tuệ cuộc đời, nhưng số phận bế tắc và tăm tối. Những trận đòn của người chồng khốn khổ, cái cam chịu của tấm lòng người mẹ nghĩ về những đứa con, cái vòng quẩn quanh nghèo đói, hết thảy những điều ấy không thể thể hiện hết trên mảnh giấy hai chiều và cũng không thể được giải quyết bằng những luật lệ hai chiều. Và cả người đàn ông kia nữa, anh ta cũng là nạn nhân của một chế độ xa rời đời sống. Sự nhận thức lại của Phùng đánh thức nhận thức của người đời. Ta nhận ra cuộc sống không đơn giản như ta hằng nghĩ, và dù chiến tranh đã qua rồi, thì vẫn còn bao nhiêu câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chính sự nhận thức lại ấy về một hiện thực tưởng như hoàn hảo và tươi sáng nhưng ẩn chứa bên trong bao nhiêu là bất công, chua chát đã khiến ta bừng tỉnh và quay lại trên con đường hướng thiện của mình. Hiện thực đời sống đến với nhà văn, qua tác phẩm tới người đọc. Những cái xấu, cái ác và cải thiện trộn lẫn vào nhau, khiến người ta đôi khi khó lòng phân biệt. Vậy nên một tác phẩm hương con người đến sự nhận thức đúng đắn về nguyên nhân, bản chất cái xấu, cái ác chính là giúp người đọc nhận thức lại hiện thực đời sống và hướng người ta về cái đẹp. Nhà văn đi từ nhận thức đến điều chỉnh nhận thức, người đọc cũng vậy. Và để hướng đến cái thiện, cái đẹp, nghệ sĩ cần lắm một nền tảng nhân bản để làm thành bản lĩnh chiến thắng cái xấu, cái ác. Chỉ khi đó, văn chương mới thực sự là văn chương chân chính, đồng hành với con người trong hành trình vươn tới chân – thiện – mĩ! (Bài đoạt giải Nhất – 17,5/20 điểm)
NHẬN XÉT
Bài làm đã đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu cơ bản đặt ra trong đề bài. Ở câu 1: Bài viết có màu sắc cá nhân, thể hiện qua cách diễn đạt, dùng từ, giọng văn có nhịp, biết viết câu văn hô ứng, tăng tiến,… Người viết đã có ý thức luận bàn bám sát vấn đề được đưa ra ở đề bài – “sống là toả sáng”. Cách triển khai hệ thống luận điểm rõ ràng, chặt chẽ. Trong khi bàn luận, bằng sự trải nghiệm sâu sắc của bản thân về cuộc sống, người viết đã bày tỏ được những thức nhận sâu sắc và thuyết phục như: Một cá nhân có khả năng sống đúng với khao khát của mình, đồng thời có khả năng học hỏi và hoà hợp cùng những cái tôi khác, chính là cái tôi có khả năng toả sáng. Tuy nhiên, nếu xác định rõ hơn tâm thế của một người trẻ để nói lên những khát vọng được toả sáng từ trong sâu thẳm trái tim mình thì có lẽ bài viết sẽ giàu xúc cảm hơn, sẽ thuyết phục cả trái tim và lí trí của người đọc. Bên cạnh đó, có lẽ do thiên về luận lí nên dẫn chứng trong bài viết còn ít và chưa hay. Đây cũng là một điểm yếu cần khắc phục.
Ở câu 2: Câu 2 viết tốt hơn câu 1. Phần lí luận viết ngắn gọn, súc tích. Trên tinh thần hiểu đề, người viết đã luận bàn tương đối rõ về vấn đề chức năng của văn học chân chính là hướng thiện và hướng mị, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cái thiện). Có một số ý viết chắc tay như: Vậy nên một tác phẩm hướng con người đến sự nhận thức đúng đắn về nguyên nhân, bản chất cái xấu, cái ác chính là giúp người đọc nhận thức lại hiện thực đời sống và hướng người ta về đẹp. Nhà văn đi từ nhận thức đến điều chỉnh nhận thức, người đọc cũng vậy. Và để hướng đến cái thiện, cái đẹp, nghệ sĩ cần lắm một nền tảng nhân bản để làm thành bản lĩnh chiến thắng cái xấu, cái ác. Chỉ khi đó, văn chương mới thực sự là văn chương chân chính, đồng hành với con người trong hành trình vươn tới chân – thiện – mĩ! Người viết khá tinh tế khi lựa chọn tác phẩm Người trong bao (Sê-khốp) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và có nhiều chỗ tỏ ra sâu sắc trong phân tích những biểu hiện cụ thể của việc phản ánh cái xấu, cái ác gắn với khát vọng hướng người đọc đến với cảm hứng nhân văn cao đẹp của mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, nếu phần lí luận và phần cảm nhận về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu viết sâu một chút nữa thì có lẽ bài viết sẽ thuyết phục hơn.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|