ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ
I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ – Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) là nhà cách mạng và nhà văn hóa lớn, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên ba mươi năm. Ông là học trò và người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. – Cố Thủ tướng đã có nhiều công trình, bài nói và bài viết về văn hóa, văn nghệ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của ông thường chứa đựng tư tưởng sâu sắc mà giản dị, tình cảm nổi bật, lời văn trong sáng, hấp dẫn. – Văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (tên văn bản do người soạn SGK đặt) thuộc kiểu bài nghị luận chứng minh. Văn bản được trích từ bài diễn văn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại – diễn văn được đọc trong Lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970). II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM 1.Bố cục của văn bản Đây là một đoạn trích từ một bài diễn văn nên bố cục chưa hoàn chỉnh đủ ba phần như một văn bản điển hình. Có thể chia văn bản này thành hai phần : – Đoạn 1 (từ đầu đến “thanh bạch, tuyệt đẹp”) : Nêu luận điểm cơ bản : Sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động chính trị với đời sống bình thường của Hồ Chủ tịch. – Đoạn 2 (còn lại) : Chứng minh, làm rõ luận điểm về sự giản dị của Bác thể hiện trên nhiều phương diện : + Sinh hoạt (bữa ăn, nơi ở, việc làm hằng ngày). + Mối quan hệ giữa đời sống vật chất với tâm hồn. + Lời nói, bài viết. 2.Nghệ thuật nghị luận đặc sắc của văn bản Nhan đề Đức tính giản dị của Bác Hồ đã nêu luận điểm chính xác của bài văn. Tuy nhiên, ngay ở tên bài và câu mở đầu của đoạn văn, tác giả đã xác định đối tượng và đề tài nghị luận : “Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay chuyển trời đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch”. Chính từ định hướng đó, trong bài văn tác giả đã làm rõ đức tính giản dị của Bác trên nhiều phương diện sinh hoạt : sinh hoạt, đời sống, lời nói, cách viết,… ; đồng thời, tác giả cũng luôn đặt đức tính đó trong mối quan hệ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người, qua đó giải thích và chứng minh được sự nhất quán… giản dị và khiêm tốn của Bác. Nhờ vậy, bài viết còn chứa đựng một chiều sâu tư tưởng. chứ không phải chỉ là một bài chứng minh đơn thuần. Để làm sáng tỏ đức tính giản dị của Bác trong sinh hoạt hằng ngày, trong đoạn văn từ “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi !” , tác giả đã đưa ra một hệ thống luận cứ đầy đủ, lí lẽ chặt chẽ, chứng chính xác, cụ thể, toàn diện. Trong phần đầu, tác giả đã đưa ra bốn luận cứ xác định phạm vi vấn đề chứng minh : sự giản dị của Bác thể hiện qua bữa cơm, đồng dùng, ngôi nhà, lối sống. Ở mỗi luận cứ, tác giả lại đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể, làm tăng sức thuyết phục với người đọc : -Trong bữa ăn : + Chỉ vài ba món giản dị. + Lúc ăn không để rơi vãi một hạt cơm. + Ăn xong, bát bao giờ cũng sạch, thức ăn còn lại được sắp xếp tươm tất. Bên cạnh đó, tác giả cũng bình luận về thái độ quý trọng của Bác đối với người dân lao động. Bác không để rơi vãi một hạt cơm vì Bác trân trọng công sức của những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Bác giữ bát ăn sạch không sót hạt cơm, thức ăn còn lại Bác sắp xếp tươm tất vì Bác tôn trọng người phục vụ. Đây cũng là nét đẹp trong lối sống giản dị của Bác. -Ngôi nhà : + Nhà sàn “chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng”. + Luôn lộng gió, ánh sáng, phảng phất hương thơm hoa vườn,… Tác giả bình luận thật tinh tế : “một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”. -Lối sống : + Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn (cứu nước, cứu dân) đến việc nhỏ (trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn,… ). + Bác cố gắng tự mình làm việc, việc nào Bác làm được thì không cần người giúp, “người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay”. Những dẫn chứng cụ thể, xác thực, hệ thống luận cứ toàn diện của tác giả đã làm nổi bật đức tính giản dị đáng quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vị Chủ tịch nước, một nguyên thủ quốc gia hoàn toàn có thể có quyền nhận một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, giàu sang về vật chất. Vậy mà Người lại chỉ chọn cho mình một lối sống thanh bạch, giản dị. Để lí giải điều này và cũng để làm sâu sắc hơn đức tính của Bác, ở đoạn tiếp theo, tác giả đã lật lại vấn đề “nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ, theo lối nhà tu hành thanh tao, theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật”. Sau đó, tác giả lí giải,cũng là so sánh sự khác biệt giữa các bậc tiền nhân với Bác khi lựa chọn cuộc sống giản dị, thanh bạch : “bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị hàng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay”. Ở cuối đoạn trích, tác giả tiếp tục đề cập đến tính chất giản dị trong lời nói và bài viết của Bác. Sự giản dị này xuất phát từ tấm lòng của Bác “muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được” , “đồng thời Bác nói và viết về những chân lí lớn bằng ngôn từ hết sức giản dị : “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ; “Nước Việt Nam là một dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi” ; … Sự giản dị trong lời nói và trong bài viết của Bác đã thâm nhập vào trái tim, khối óc của quần chúng sẽ tạo nên sức mạnh vô địch. Như vậy, tác giả đã gắn cuộc sống của Bác với cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân, liên hệ giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần, từ đó làm sáng tỏ vấn đề nêu ở phần mở đầu : sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lớn lao với đời sống bình thường vô cùng giản dị của Bác. 3.Ý nghĩa giáo dục của văn bản Văn bản được viết cách đây trên ba mươi năm, nhưng giá trị giáo dục của nó vẫn còn nguyên viện. Tác giả, vốn là người cộng sự gần gũi với Bác Hồ trong suốt nhiều năm, đã đem đến cho người đọc những hiểu biết về một phẩm chất rất đáng trên trọng của một trong những vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, của cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Qua văn bản, người đọc thêm kính trọng, khâm phục vị Cha Già của dân tộc Việt Nam, và cũng học thêm được bài học quý giá về phong cách, lối sống từ tấm gương đạo đức của Người. * Bài văn đã làm nổi bật đức tính giản dị của Bác Hồ trên nhiều phương diện : đời sống, mối quan hệ với mọi người, lời nói và bài viết. Sự giản dị của Bác hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú , với tư tưởng và tình cảm,cao đẹp. Bài văn thuyết phục người đọc bởi những dẫn chứng cụ thể, nhận xét sâu sắc thấm đượm tình cảm chân thành.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên Thịt da em hay là sắt là đồng ? Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người! (Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961) Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào? Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì? Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu. Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích . Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau: Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn Nhà mình sát đường họ đến Có cho thì có là bao Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này… (Dặn con, Trần Nhuận Minh) Câu 2 (5 điểm): Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. |
THẦY KHƯƠNG TRÊN FACEBOOK
|