– Trong khung phân loại các thể loại văn học dân gian, hầu hết các thể loại thuộc phương thức tự sự, chỉ có thể loại ca dao là thể loại thuộc phương thức trữ tình. Chức năng cơ bản của thơ ca trữ tình dân gian là biểu đạt một cách trực tiếp những tư tưởng, tình cảm của con người. Đây chính là ưu thế nổi bật nhất của thơ ca trữ tình. Thơ ca dân gian là nơi biểu hiện tập trung nhất tâm hồn dân tộc.
– Ca dao có đặc điểm nổi bật là kết cấu ngắn gọn, cô đọng và có tính chất đối đáp, trò chuyện. Ca dao rất giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ và biểu tượng. Nhờ các hình ảnh này, giá trị nhận thức, tạo hình và biểu cảm của ca dao trở nên sâu sắc. Các trạng thái tình cảm trừu tượng, khó đong đếm, khó định hình như nhớ, thương, yêu, giận, hờn,… được diễn đạt hết sức rõ ràng, dễ hiểu (Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ; Tằm ơi say đắm nơi đâu / Mà tằm bỏ nghĩa nương dâu chẳng nhìn). Các biểu tượng nghệ thuật mang đặc điểm dân tộc rõ nét vì bên cạnh những vật biểu chung mang tính ước lệ lấy từ các điển cố, điển tích trong văn học viết như rồng mây, trúc mai, loan phượng,… thì hệ thống hình ảnh là những cảnh vật, đối tượng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của dân tộc như con cò, cái bống, cây đa bến nước (Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non) cũng được vận dụng nhiều trong ca dao.
Về tác phẩm
– Chủ đề tình cảm gia đình là chủ đề nổi bật, tiêu biểu trong ca dao, dân ca Việt Nam. Những bài ca dao về tình cảm gia đình chiếm khối lượng khá phong phú trong kho tàng ca dao dân tộc.
– Đây là chùm ca dao, dân ca viết về tình cảm gia đình. Gia đình là nguồn đề tài chiếm số lượng lớn trong ca dao. Truyện cổ tích, truyện cười và một số thể loại văn học dân gian khác cũng thường đề cập đến đề tài gia đình song đề tài này trong ca dao, dân ca có đặc điểm riêng. Nếu các thể loại truyện cổ tích, truyện cười,… thuộc phương thức tự sự thì ca dao là thể loại có bản chất trữ tình, là tiếng hát của trái tim, các trạng thái tình cảm của các nhân vật trữ tình được bộc bạch trực tiếp với những nét đặc trưng của nghệ thuật thơ ca.
– Trong chùm bài ca dao, dân ca về chủ đề này, nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình khá đa dạng và không khó xác định. Điều đó được thể hiện qua cách xưng hô, lối sử dụng đại từ nhân xưng.
Bài 1 là lời người mẹ nói với con qua điệu hát ru về tình cảm của con cái đối với cha mẹ, về lòng biết ơn công cha nghĩa mẹ.
Bài 2 là lời của người con gái lấy chồng xa quê hướng về quê mẹ.
Bài 3 là lời của con cháu nói với ông bà hoặc nói với một thành viên nào đó trong gia đình, thể hiện lòng biết ơn và sự kính yêu đối với ông bà.
Bài 4 là lời của ông bà, cha mẹ, nói với con cháu hoặc lời tâm sự, nhắn nhủ của anh em ruột thịt với nhau về tình nghĩa anh em.
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Bài 1 : Ca dao – dân ca có một bộ phận gắn với chức năng đặc biệt, đó là những khúc hát ru. Hát ru là những câu hát để ru em bé ngủ. Dân tộc nào cũng có những khúc hát ru dịu dàng, êm ái, thấm đẫm tình mẫu tử, tình bà cháu, chị em, tình làng xóm, quê hương nguồn cội. Trong khi bế ẵm, vỗ về bé trên tay, những khúc hát ru của bà, của mẹ được cất lên gửi gắm vào đó bao tâm sự, bao bài học đầu đời, đưa bé thơ vào giấc ngủ. Bài ca dao này nói về công ơn to lớn như trời biển của cha mẹ đối với con cái thông qua điệu hát ru. Bài ca dao sử dụng phép so sánh để diễn tả điều đó :
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
So sánh nhằm mục đích cụ thể hóa những khái niệm, những trạng thái trừu tượng, khó định lượng giúp cho sự biểu đạt được rõ ràng, chính xác, giàu ý nghĩa thẩm mĩ. Công cha, nghĩa mẹ là những điều không dễ gì diễn tả nếu không sử dụng phép so sánh. Cái được chọn lựa để so sánh với công ơn cha mẹ thường là những vật thể mang tầm kích vũ trụ, rộng lớn vô cùng và có tính chất vĩnh hằng, bất biến. Bài ca dao đã so sánh công cha với núi cao, không chỉ là ngọn núi cao bình thường mà là ngọn núi cao nhất “núi nhất trời”, so sánh nghĩa mẹ với nguồn nước không bao giờ cạn, khi nào cũng dạt dào, mênh mông “như nước ở ngoài biển Đông” là những hình ảnh so sánh chính xác, đẹp đẽ. Đây là cặp hình ảnh so sánh mang ý nghĩa tương đồng : công cha đối sánh với nghĩa mẹ, núi đối sánh với nước. Hình ảnh ấy khiến người nghe liên tưởng đến triết lý phương Đông sâu sắc về quan niệm âm dương kết hợp hài hòa là cội nguồn của môn sự sinh sôi, phát triển (trời – đất, núi – sông, cha – mẹ, ngày – đêm).
Câu tiếp theo lại một lần nữa nhắc đến công ơn to lớn của cha mẹ qua việc lặp lại hình ảnh núi – nước với sự khắc họa của các tính từ :
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Trong khúc hát ru của mình, người mẹ đã nhắc đến chín điều được người đời lưu truyền, răn dạy các thế hệ làm con phải ghi nhớ. Cù lao chín chữ là chín chữ nói về công lao của cha mẹ nuôi nấng con cái từ khi còn trứng nước đến khi con lớn thành người (cù : siêng năng,lao : khó nhọc, chín chữ cù lao : sinh : đẻ, cúc : nâng đỡ, phủ : vuốt ve, súc : cho bú, cho ăn, trưởng : nuôi cho lớn, dục : dạy dỗ, cố : trông nom, đoái hoài, phục : theo dõi tình hình mà uốn nắn, phúc : che chở).
Nhắc đến chín chữ cù lao là một cách cụ thể hóa công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tác giả dân gian còn tạo nên âm hưởng trang trọng, thành kính rất phù hợp với tính chất của bài hát ru.
Thể thơ lục bát với nhịp điệu tự nhiên 2 / 2 / 2 đều đặn, nhịp nhàng rất phù hợp với diễn xướng hát ru. Kết thúc bài ca dao là lời nhắn nhủ, trò chuyện. Hai tiếng “con ơi” khiến âm hưởng bài ca dao càng trở nên ngọt ngào, sâu lắng. Bài học giáo dục đầu đời cho con không chỉ là bài ca thiên về đề cao chữ “hiếu” mà lời ca ân tình thắm thiết mà các thế hệ đi trước trao truyền cho cho các thế hệ tiếp sau, cứ thế được bồi đắp tạo nên truyền thống cao đẹp của dân tộc : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ; “Uống nước nhớ nguồn”. Đây không chỉ là lời của một cá nhân mà là lời của biết bao thế hệ, cũng không chỉ là lời cha mẹ muốn con cái biết đến công ơn của mình mà có thể ngay khi đang hát ru con, người mẹ trẻ lại tự hồi tưởng, nhắc nhở đến công ơn người đã sinh thành ra mình với bao niềm thành kính, yêu thương. Đặt bài ca dao này trong hệ thống những bài hát ru cùng chủ đề về công ơn cha mẹ, ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều nét tương đồng về nội dung và hình thức diễn tả :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
hay :
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông
Biết rằng chừ cá gáy hoá rồng
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Tính chất thực hành sinh hoạt của văn học dân gian thể hiện rõ nét trong những câu hát ru. Một buổi trưa hè hay một chiều gió mát rượi, trong vòng tay âu yếm của bà, của mẹ, của chị, trong tiếng hát ầu ơ, ru hời, người hát đã gửi gắm trong câu hát những tình cảm, đạo lí mang tính cộng đồng. Nhà thơ Nguyễn Duy đã có những câu thơ thật hay về lời ru của mẹ :
Cái cò…sung chát đào chua…
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
[…] Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng ?
Bài 2 : Đây là lời của người con gái lấy chồng xa quê nhớ và cất lên tiếng ca hướng về quê mẹ. Có ý kiến cho rằng nhân vật trữ tình ở bài ca này không hẳn chỉ là người con gái mà có thể là lời của người con trai đi làm ăn nơi xa nhớ về quê nhà.
Thời gian được nhắc đến trong bài ca dao là buổi chiều, không phải là một buổi chiều mà lặp đi lặp lại “chiều chiều”. Bên cạnh các công thức mở đầu như đêm đêm, hôm qua, hồi nào, bao giờ, những bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng “chiều chiều” chiếm số lượng khá lớn, đến độ nó đã trở thành một trong những công thức truyền thống của ca dao trữ tình. Chiều chiều cũng không phải là thời gian lúc nắng vừa qua mái mà là lúc chiều hôm. Hoàng hôn là khoảng thời gian chim tìm về tổ, người tìm về mái nhà thân thuộc của mình, cũng là khoảng thời gian mà lòng người dễ cảm nhận nỗi buồn bơ vơ, trống vắng.
Trong ca dao, yếu tố thời gian luôn đi liền với yếu tố không gian vì đây là hai đại lượng thường được gắn kết với nhau. Không gian “ngõ sau” trong bài ca dao ẩn chứa tín hiệu giúp ta hiểu thêm về nhân vật trữ tình. Những ngôi nhà ở làng quê xưa thường có ngõ trước và ngõ sau. Ngõ trước là nơi cổng chính dẫn ra đường làng, đông người qua lại. Ngõ sau thường là nơi từ đấy, người ta có thể trông ra dòng sông hoặc nhìn ra cánh đồng làng, là khoảng không gian vắng lặng, ít người qua kẻ lại. Nhân vật trữ tình đã chọn không gian hiu quạnh và vắng lặng ấy để giãi bày tâm trạng buồn nhớ của mình.
Nhân vật trữ tình chọn thời gian, không gian ấy để gửi gắm nỗi buồn thương, sự xót xa khi nhớ về quê mẹ : “Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Đến đây ta nhận ra rằng, tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài ca là tâm trạng, nỗi lòng của người phụ nữ bởi sự kín đáo trong việc bộc bạch nỗi nhớ và trong cách diễn tả. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia tuân theo quan niệm “Tam tòng” ( Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), khi bước chân đi lấy chồng xa quê là đem theo bao ưu tư : “Có phúc lấy chồng trong làng, vô phúc múc chồng thiên hạ”. Bước chân đi lấy chồng, miền quê mẹ gắn với bao kí ức tuổi ấu thơ vô tư, hồn nhiên đã trở thành kỉ niệm. Người phụ nữ trong bài ca này chắc đang gặp phải cảnh ngộ gì đó xót xa, cay đắng vô cùng “ruột đau chín chiều” (con số chín biểu trưng cho số nhiều, số lớn nhất trong dãy số tự nhiên có một chữ số). Nỗi xót xa ấy lại không biết chia sẻ cùng ai, con người phải chọn một góc khuất trong những buổi chiều hiu quạnh khi công việc đồng áng hoặc việc nhà tạm ngơi để nhìn về quê mẹ, để bộc bạch nỗi niềm.
Bài ca không diễn tả cụ thể hơn về nỗi khổ đau, điều này tạo khả năng liên tưởng rộng rãi cho người nghe và vì thế nói hộ biết bao nỗi niềm khác nhau của con người. Tiếng lòng ấy được diễn tả thật giản dị, mộc mạc, trực tiếp như lời ăn, tiếng nói hằng ngày của nhân dân mà có sức thấm lắng, lan tỏa tạo được sự đồng cảm sâu sắc của tình cảm con người qua bao thế hệ.
Bài 3 : Đây là lời của nhân vật trữ tình – lời của con cháu nhớ về ông bà. Những ngôi nhà làm bằng tre nứa ở làm quê Việt Nam vì kèo thường được kết nối bằng các mối lạt được gọi là nuộc lạt, vì thế số lượng nuộc lạt trên mái nhà là rất lớn. Bài ca dao sử dụng cụm từ mở đầu “ngó lên” phù hợp với tính chất biểu đạt tình cảm của nhân vật trữ tình. “Ngó lên” là công thức truyền thống trong các bài ca dao dân ca thường diễn đạt tâm trạng thành kính, ngưỡng vọng đối với các đấng sinh thành hoặc đau đáu nhớ thương bạn bè, người yêu nơi xa vắng :
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng,
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng !
“Ngó” còn có nghĩa là nhìn. Cụm từ “ngó lên” trong bài ca dao này nằm trong hệ thống công thức truyền thống quen thuộc của ca dao thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà nói riêng, rộng ra làm với tổ tiên, dòng họ. Cách diễn tả khá giản dị, lối so sánh trực tiếp mang phong cách dân gian, khi con cháu nhìn lên mái nhà, thấy rất nhiều nuộc lạt. Từ vô số những nuộc lạt ấy, con người liên tưởng tới nỗi nhớ ông bà nơi xa hoặc đã khuất xa. Cách so sánh về số lượng, lấy sự vật trực tiếp, cụ thể là rất nhiều nuộc lạt trên mái nhà để so với nỗi nhớ trào dâng vốn là phạm trù cảm xúc trừu tượng của con người là cách so sánh giản dị, quen thuộc, dễ hiểu, giàu ý nghĩa biểu cảm. Giữa hai đối tượng được đem ra so sánh mang ý nghĩa tương đồng rõ nét trong công thức so sánh “bao nhiêu… bấy nhiêu…” (Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu).
Ông bà là người đã sinh thành, nuôi dưỡng nên cha mẹ ta. Có ông bà mới có cha mẹ. Có cha mẹ mới có bản thân ta. Quy luật hiển nhiên, đơn giản như vậy nhưng thường bị khuất lấp trong cuộc sống hối hả hàng ngày. Chúng ta hay nhắc tới công ơn cha mẹ nhưng có thể nhiều lúc xao nhãng tình cảm với ông bà, tổ tiên. Vì thế, khi đọc bài ca dao giản dị này, ta cảm nhận một sự tri ân sâu sắc và thấm thía vì nó nhắc nhở ta cần sống hiếu thuận, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” , biết “ Uống nước nhớ nguồn” theo đạo lí dân gian. Chắc hẳn đây là ngôi nhà ở quê hương, gắn với công lao vất vả tạo dựng, gìn giữ của ông bà. Quê hương là nơi gắn với những con người, cảnh vật cụ thể nhất mà ở đó tổ tiên, ông bà là nơi ta luôn hướng về với lòng ngưỡng vọng, kính yêu.
Bài 4 : Hai câu đầu là lời nhắn nhủ thân tình về quan hệ anh em ruột thịt trong gia đình : “Anh em nào phải người xa”. “Người xa” được nói đến ở đây là người không cùng chung huyết tộc, dòng họ. Anh em không phải “người xa” là bởi đặc trưng quan trọng nhất : “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”. Hai chữ “cùng” ở đây là cùng bác mẹ sinh ra, cùng sống chung một mái nhà. Đơn giản thế thôi nhưng điều đó thật thiêng liêng, thật khác biệt với những mối quan hệ thường tình khác. Tục ngữ cũng có câu các đề cao đặc biệt mối quan hệ huyết tộc : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. “Giọt máu đào” ở đây biểu trưng quan hệ huyết tộc, họ hàng. “Nước lã” biểu trưng cho quan hệ với người dưng – người ngoài dòng tộc.
Tiếp theo, bài ca dao sử dụng phép so sánh trực tiếp : “Yêu nhau như thể tay chân”. Câu này có giá trị khắc họa sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt mật thiết, thiêng liêng vừa nêu ra ở câu trước. Nếu câu trên chỉ nhấn mạnh anh em không phải người xa vì chung bác mẹ, chung mái nhà thì hình ảnh so sánh này nói về mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời trong quan hệ anh em ruột thịt : “Yêu nhau như thể tay chân”. Lối so sánh giản dị mà chính xác, gợi cảm về mối quan hệ không thể tách rời giữa các bộ phận trên cơ thể một con người. Tay và chân – tuy là hai bộ phận nhưng lại là một bởi có mối liên quan không thể tách rời trong tổng thể cơ thể con người. Từ việc nêu lên mối quan hệ đặc biệt hữu cơ khăng khít đó, tác giả nhắn nhủ bản thân, nhắn nhủ mọi người hãy yêu thương, hòa thuận, giữ gìn mối quan hệ anh em ruột thịt thiêng liêng đó cho gia đình êm ấm, cho cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc. Nhìn thấy con cái biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau dù ở bất kỳ cảnh ngộ nào, các bậc cha mẹ luôn thấy ấm lòng. Làm được điều đó cũng có nghĩa là ta biết sống nghĩa tình, hiếu thuận. Gia đình là tế bào quan trọng của xã hội. Mỗi gia đình phát triển hạnh phúc, tốt đẹp thì sẽ góp phần làm xã hội phát triển lành mạnh, tiến bộ.
* Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề chính của ca dao, dân ca. Những bài ca dao về chủ đề này thường sử dụng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ quen thuộc,cách nói mộc mạc, dễ hiểu với âm điệu tâm tình sâu lắng để diễn tả tình cảm, bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, giáo dưỡng của ông bà, cha mẹ, về tình mẫu tử và tình nghĩa anh em ruột thịt trong mỗi gia đình.
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?
Cho tôi hôn bàn chán em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
(Người con gái Việt Nam, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1961)
Câu 1: Đoạn trích trên được sáng tác vào giai đoạn văn học nào?
Câu 2: Hình tượng nhân vật trung tâm của đoạn thơ là ai? Hình tượng nhân vật ấy được tác giả thế hiện với thái độ gì?
Câu 3: Anh (chị) hãy chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn thơ đầu.
Câu 4: Trong khoảng từ 5 – 7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề lẽ sống của tuối trẻ được đặt ra trong khổ thơ cuối cùng của đoạn trích .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học mà người cha muốn nói với con trong bài thơ sau:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Câu 2 (5 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là bản tình ca ca ngợi về thiên nhiên và văn hóa xứ Huế. Qua phân tích tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.